Bạn biết gì về sầu riêng?
Sầu riêng là một loại trái cây nhiệt đới nổi bật với kích cỡ vượt trội và lớp vỏ cứng, nhiều gai. Một quả có thể dài tới 30cm và rộng 15cm. Một quả cỡ trung bình sẽ cho ra 2 cốc (486 gram) thịt ăn được. Loại trái cây này có mùi hương rất đặc trưng, phần thịt giống kem trứng sữa và hạt khá lớn. Thịt sầu riêng thường có màu trắng hoặc vàng, đôi khi lại có cả màu đỏ và xanh lá cây.
Sầu riêng thường mọc ở các vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á. Chúng đóng vai trò khá quan trọng trong nền ẩm thực tại các nước này.
Những lợi ích của sầu riêng
Thành phần dinh dưỡng
Ăn sầu riêng có tốt không? Sầu riêng được xếp vào danh sách những loại trái cây bổ dưỡng nhất. Một cốc (243 gram) thịt sầu riêng cung cấp:
- Calo: 357
- Chất béo: 13 gram
- Carbs: 66 gram
- Chất xơ: 9 gram
- Protein: 4 gram
- Vitamin C: 80% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Thiamine: 61% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Mangan: 39% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Vitamin B6: 38% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Kali: 30% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Riboflavin: 29% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Đồng: 25% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Folate: 22% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Magiê: 18% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Niacin: 13% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
Nó cũng giàu các hợp chất thực vật lành mạnh, bao gồm anthocyanin, carotenoids, polyphenol và flavonoid. Đa phần chúng có chức năng như chất chống oxy hóa.
Sầu riêng có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ.
Những lợi ích sức khỏe
Dưới đây là những tác dụng nổi bật của sầu riêng:
- Giảm nguy cơ ung thư: Chất chống oxy hóa trong sầu riêng có thể vô hiệu hóa các gốc tự do thúc đẩy ung thư. Trong một nghiên cứu ống nghiệm, chiết xuất sầu riêng đã ngăn chặn một dòng tế bào ung thư vú khỏi cơ hội lây lan.
- Ngăn ngừa bệnh tim: Một số hợp chất trong sầu riêng có thể giúp giảm mức cholesterol và nguy cơ xơ vữa động mạch, hoặc xơ cứng động mạch của bạn.
- Chống nhiễm trùng: Vỏ của loại trái cây này chứa các hợp chất có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm men.
- Giảm lượng đường trong máu: Sầu riêng có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn nhiều so với các loại trái cây nhiệt đới khác, có nghĩa là ăn chúng sẽ giảm nguy cơ tăng lượng đường trong máu hơn.
Lưu ý khi ăn sầu riêng
Ăn sầu riêng đúng cách sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì vậy mọi người dù nghiện ăn sầu riêng tới đâu cũng phải chú ý tới những điều dưới đây:
Không ăn chung với rượu
Các nhà khoa học tin rằng các hợp chất giống như lưu huỳnh trong sầu riêng có thể ngăn các enzyme tiêu hoá rượu, làm tăng nồng độ cồn trong máu của bạn. Tác hại của sầu riêng và rượu khi kết hợp với nhau thường là buồn nôn, ói mửa, tim đập nhanh.
Không ăn khi bị nóng trong
Khi bị nóng trong, ăn sầu riêng sẽ nạp thêm đường và chất béo, khiến cơ thể sinh nhiệt và nổi mụn, nhiệt miệng. Đặc biệt là ở những người đêm ngủ ra nhiều mồ hôi, hay khát nước, khó ngủ, táo bón, đi tiểu ít, ...
Không ăn khi mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường
Sầu riêng có tới 70% là đường, khiến đường huyết tăng nhanh sau khi ăn, vậy nên bệnh nhân mắc các bệnh trên nên kiêng.
Không ăn khi mang thai
Phụ nữ mang thai nên tránh loại quả này, vì nó chứa nhiều đường và có tính nóng, dễ gây tăng huyết áp, đầy hơi, khó tiêu và bốc hoả.
Không ăn khi bị bệnh thận
Những người mắc bệnh thận, đặc biệt là suy thận, không nên ăn sầu riêng. Do sầu riêng chứa nhiều kali, khiến người bệnh dễ bị ứ đọng kali, làm rối loạn nhịp tim, gây tử vong.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn