Ăn Tết ở Sơn Đoòng

20:00 | 06/02/2016;
Cuộc sống của vợ chồng Hồ Khanh - người đầu tiên phát hiện ra hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - đã thay đổi nhanh đến không ngờ kể từ khi kỳ quan này được mọi người biết đến.
Homestay theo kiểu Hồ Khanh

Từ một người nông dân chất phác, giờ vợ chồng anh Hồ Khanh trở thành hướng dẫn viên du lịch, nói tiếng Anh lưu loát.

Anh đang xây một khu nghỉ dưỡng nằm bên dòng sông Son thơ mộng để đón và dẫn khách đi Sơn Đoòng.

Bên cái quán xinh xắn của vợ chồng anh Hồ Khanh, từng đoàn khách nước ngoài kéo đến uống cà phê, họ cười nói rôm rả.

Những năm trước, vợ chồng anh chị gặp nhiều khó khăn. Từ ngày anh tham gia dẫn các đoàn thám hiểm hang động ở Phong Nha, đời sống gia đình thay đổi nhanh chóng. Ngôi nhà gỗ cũ kĩ trước đây được chuyển làm quán đón khách.
 Vẻ đẹp huyền bí của Sơn Đoòng
Chị Lê Thị Nghĩa, vợ anh Khanh kể, mỗi khi Tết đến Xuân về, gia đình chị vẫn có khách nước ngoài đến thuê phòng. Được sống trong không khí những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, họ hào hứng lắm. “Tôi nhớ nhất là năm ngoái, có đôi vợ chồng người Anh đến thuê phòng nhà tôi vào đúng mùng 1 Tết. Tôi bóc bánh chưng mời họ ăn, họ rụt rè lắm. Họ sợ món ăn không hợp. Sau giây phút khám phá món ăn, họ lại ăn rất ngon lành. Vừa ăn họ vừa khen rất ngon, rất ngon. Tôi còn mời họ ăn giò, uống rượu nếp”, chị Nghĩa kể.

Những ngày đầu đón khách, chị Nghĩa đều ra hiệu hoặc dùng hành động để diễn tả cho khách hiểu. Kiểu giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể đó khiến nhiều khi xảy ra những chuyện cười ra nước mắt. Chị Nghĩa chia sẻ: “Có hôm khách giơ hai ngón tay lên, theo kiểu người Việt mình cầm đũa. Tôi mang đôi đũa cho họ, họ cười ngặt rồi ra hiệu lại là có thêm cái bật lửa, tôi mới hiểu đó là họ cần thuốc lá”.

Do yêu cầu của cuộc sống, công việc đưa đến tay nên chị Nghĩa quyết học tiếng Anh cho kì được. Ngày đầu học còn nhiều bỡ ngỡ, nhờ chịu khó rèn luyện nên chị đã có thể giao tiếp tốt với khách nước ngoài bằng tiếng Anh.

Duyên kì ngộ

Anh Hồ Khanh kể, đầu năm 1991, vì mưu sinh nên anh phải luồn rừng khai thác lâm sản. Một lần, khi đang đạp rừng đi tìm trầm hương anh gặp một cơn mưa giông đột ngột. Đang tìm chỗ để trú mưa, tình cờ anh phát hiện ra một vòm hang đá. Anh định bụng sẽ chui vô đó để trú mưa nhưng khi đến cửa hang, anh cảm nhận được một luồng gió mạnh thổi liên tục từ trong hang ra. “Đó là lần đầu tiên tui đặt chân đến cửa hang Sơn Đoòng nhưng rồi cuộc sống mưu sinh đầy vất vả nên tui đã quên hẳn nó ngay sau đó”, anh Hồ Khanh chia sẻ.

Đến năm 2007, khi đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh tiến hành đợt tìm kiếm hang động mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng, anh Khanh đã đưa đoàn đi tìm hang
 Anh Hồ Khanh (giữa) cùng ông Howard Limbert giới thiệu với đoàn làm phim NHK của Nhật Bản về hệ thống hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng
 hết 2 ngày, nhưng không thấy. Trong chuyến đi ấy, chính ông Howard Limbirt (Trưởng đoàn Thám hiểm Hoàng gia Anh) khi quan sát hiện tượng tự nhiên khu vực xung quanh đã khẳng định với anh Khanh rằng, khu vực xung quanh đây nhất định phải có một cái hang lớn. Thời gian không cho phép và đoàn thám hiểm đã phải quay về. Trước khi trở về nước Anh, ông Howard Limbirt đã kịp nhờ anh Khanh cố gắng tìm cho được cái hang đó. Lời nhắn nhủ chân tình của ông Trưởng đoàn đã khiến anh Khanh rất xúc động. Giữa năm 2008, một mình anh đã khăn gói vô rừng. May mắn là lần đó, anh Khanh đã tìm lại được cái hang mà anh từng trú mưa.

Sau đó, anh Khanh đã báo lại với đoàn thám hiểm. Đến tháng 4/2009, lần đầu tiên hang Sơn Đoòng được ông Howard Limbert công bố trước báo giới tại Quảng Bình.

Năm 2015, anh Hồ Khanh còn vinh dự được trao Huân chương Lao động Hạng ba vì có công tìm ra hang Sơn Đoòng.

“Mùa mưa (tháng 8 đến tháng 12) tour Sơn Đoòng ngừng đón khách. Từ tháng 1 đến tháng 7 sẽ mở lại. Nhiều dịp dẫn đoàn khám phá Sơn Đoòng, tôi đón giao thừa tại rừng. Du khách gửi lời chúc mừng năm mới tới gia đình tôi. Họ cùng thưởng thức những món ăn truyền thống mà tôi mang theo”, anh Hồ Khanh chia sẻ.
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn