An toàn là hạnh phúc

17:08 | 07/03/2019;
Những bó hoa vẫn được gửi đi mỗi dịp 8/3. Những lời chúc tụng tôn vinh phụ nữ vẫn vang lên bên những bàn tiệc. Song, “một nửa thế giới” ngày nay cần hơn là cảm giác an toàn, được bảo vệ, bình an cho bản thân và gia đình. Xét ở khía cạnh nào đó, được an toàn cũng là một sự bình đẳng.

Câu chuyện về trò chơi “Thử thách Momo” xúi giục trẻ em tự tử trên Youtube Kids đang làm các phụ huynh nháo nhác suốt tuần qua. Nỗi sợ hãi lan truyền khắp các diễn đàn dành cho những người làm cha làm mẹ. Thời buổi “dạy con trong hoang mang”, mỗi dòng thông tin như thế này đều khiến chúng ta “dậy sóng”.

Điều gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta? Thế giới mà con người tự hào là ngày càng hiện đại tối tân đến siêu thực, thế giới mà con người có khả năng điều khiển cả mưa gió, thậm chí tạo ra cả một giống người mới. Nhưng cũng chính thế giới ấy, từng phút từng giây, chúng ta lại phải chạm mặt với muôn vàn bất an thường trực.

 

at.jpg
Ảnh minh hoạ

 

Mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam, dòng thời sự chủ đạo là không ít những mối nguy bủa vây bốn phương tám hướng. Trẻ con sơ sẩy tuột khỏi tầm mắt của người lớn có thể bị bắt cóc, đi học thì bị cô giáo bạo hành, ở nhà thì bị bố nghiện ma túy đá đánh đập tàn nhẫn, sang hàng xóm chơi thì bị những kẻ đồi bại lạm dụng tình dục, đi tiêm phòng thì bị chết tức tưởi... Có cô gái trẻ ra đường thiếu cảnh giác thì bị hãm hiếp và giết hại. Nam thanh niên có thể bị tấn công tình dục đồng giới.

 

Tham gia giao thông dù cẩn thận nhường nào cũng có thể bị tai nạn chỉ vì... dừng đèn đỏ, để rồi kinh hoàng nhận ra hàng trăm tài xế xe container là những con nghiện ngồi sau vô lăng. Bữa ăn hàng ngày của người thành thị lẫn nông thôn khó tránh khỏi nguy cơ rau đã đẫm thuốc bảo vệ thực vật, bò, lợn, cá được nuôi bằng thức ăn tăng trọng. Đến không khí hít thở cũng chứa đầy bụi mịn nguy hiểm và cảnh báo ô nhiễm mức độ cao. Kinh hãi hơn nữa là dắt con đi dạo cũng có thể bị đâm cho tới chết chỉ vì một ai đó hô toáng lên “bắt cóc trẻ con”...

 

Những hiểm họa rình rập khắp nơi và thình lình rơi xuống đầu ta bất cứ lúc nào mà ta hoàn toàn không có khả năng phán đoán, cảnh giác hay phản kháng. Ngay cả khi ta đang ở một nơi vốn được xem là chốn trú ẩn bình yên như gia đình mình.

 

Nỗi sợ hãi khiến cho người ta sinh nghi kị với mọi thứ. Cũng chính nỗi sợ hãi ấy làm dung môi cho các mối nguy hiểm gia tăng mức độ và mở rộng địa bàn hoạt động. Chẳng phải cái chết oan uổng đau đớn của người cha dắt con đi dạo khởi phát từ nỗi sợ hãi của vấn nạn bắt cóc trẻ con? Chẳng phải hình phạt học sinh 231 cái tát của cô giáo ở Quảng Bình hay cái roi làm hỏng mắt trẻ của cô giáo ở Lạng Sơn đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi bị chấm điểm thi đua? Chẳng phải những con nghiện lái xe container đều là nạn nhân của nỗi sợ nghèo hèn? Cuộc sống với nhiều bất an khiến con người ta trở nên ích kỷ và tàn nhẫn. Họ có thể đánh đổi đạo đức để bảo vệ túi cơm, manh áo của mình, kể cả việc bỏ thuốc độc vào cây cỏ, vật nuôi, nhắm mắt làm ngơ trước những hậu họa nhãn tiền.

 

Nỗi sợ này chồng chất lên nỗi sợ khác và tệ thay, nơi nào sợ hãi ngự trị, nơi đó cái ác dễ bề lên ngôi.

 

Vụ việc đau lòng xảy ra với cô gái trẻ đi giao gà ở Điện Biên đúng 30 Tết vừa qua vẫn chưa hết nóng trên mạng xã hội, dù đã diễn ra được 1 tháng. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra với những gia đình có con gái, rằng dù con đã ở tuổi trưởng thành vẫn cần được bảo vệ, bao bọc. Nhưng nếu nhìn rộng ra bối cảnh xung quanh, chúng ta không khó để thấy rằng, không có một cái “lô cốt” nào đủ khả năng ngăn ngừa mọi nguy cơ xảy ra với bản thân chúng ta và người thân. Những mối họa ẩn nấp khắp nơi.

 

Đôi khi thực sự là từ trên trời rơi xuống, như khi bạn vô tình lái xe ngang qua một tòa nhà cao ốc đang thi công và bị tấm thép văng xuống đầu. Chỉ có điều, vừa chấp nhận, chúng ta vừa không thể nào thoát khỏi nỗi bi phẫn, nhất là khi chứng kiến nạn nhân của cuộc khủng hoảng bất an chiếm phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Trong một xã hội Á Đông còn tồn tại nhiều quan điểm truyền thống phân biệt giới, xem chuyện vợ bị chồng đánh đập hay con cái bị cha mẹ bạo hành không phải vấn đề gì nghiêm trọng, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất. Một cô gái phải chịu rủi ro từ lần quan hệ tình dục đầu tiên trong đời không bảo vệ bởi thói quen không sử dụng bao cao su của nam giới, rủi ro trong các phòng khám nạo phá thai kém chất lượng, rủi ro khi dung nạp vào cơ thể những chất độc hại từ thực phẩm, môi trường, thuốc thang dẫn đến vô sinh, rủi ro ngay cả khi lên bàn đẻ, rủi ro tại nơi làm việc khi phải chịu những sự quấy rối tình dục từ cấp trên, rủi ro trong gia đình khi những cú tát của chồng được xem là bình thường, rủi ro khi ly hôn với người chồng vũ phu nhưng không có lệnh cách li nào từ tòa án khiến nguy cơ cao bị trả thù, bị giết hại, bị tạt axít, bị tẩm xăng thiêu sống. Hàng rào pháp lý để đảm bảo cho sự an nguy của phụ nữ và trẻ em đã có, song không phải lúc nào cũng có người đứng canh bên rào chắn để ngăn cản kẻ phá cổng, đạp rào.

 

gia-dinh-anhdaidien.jpg
Ảnh min họa

 

 

“Safety first - An toàn là trên hết”, đó là tấm bảng báo treo bắt buộc tại các công trường xây dựng như một sự nhắc nhở mang tính cảnh báo đối với người lao động và nhà thầu thi công. Nhưng đã đến lúc đó nên là một khẩu hiệu của phụ nữ nói riêng và người dân nói chung. Bởi an toàn chính là một trong những nhu cầu đầu tiên và cũng là hạnh phúc lớn lao nhất của con người.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn