Việc liên tục phát hiện các cơ sở bơm tạp chất vào tôm sú thời gian gần đây khiến dư luận lo lắng tới việc làm cách nào để nhận biết tránh ăn tôm bơm tạp chất? Chọn tôm ngon như thế nào? Ăn tôm bơm tạp chất có nguy hiểm cho sức khỏe không?
Ngoài việc là một hành vi gian lận thương mại đáng lên án thì việc bơm tạp chất vào tôm còn khiến sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, nhất là trong thời gian dài.
Các cơ quan chức năng đã ước tính rằng, trọng lượng của một con tôm sau khi được bơm tạp chất vào sẽ tăng từ 10 đến 15% so với trọng lượng ban đầu của nó. Như vậy, cứ khoảng 10kg tôm bơm tạp chất thì lượng tạp chất trong đó sẽ từ 1 đến 1,5kg.
Vậy làm cách nào để nhận biết tôm bơm tạp chất? Ăn tôm bơm tạp chất ảnh hưởng tới sức khỏe trước mắt và lâu dài như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã chỉ ra một số vấn đề mà người tiêu dùng cần lưu ý như sau:
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì loại tạp chất thường được các "gian thương" bơm vào tôm là bột agar hay còn được biết đến với tên gọi là bột rau câu có khả năng kết dính và liên kết thực phẩm.
Thực tế thì bột rau câu là một loại bột có thể ăn được nếu như ăn với số lượng ít.
PGS.TS Thịnh cho biết: "Bột agar là loại bột ăn được, vì vậy mà nếu như ăn tôm bơm tạp chất agar với số lượng ít thì người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng".
Tuy nhiên, nếu như ăn tôm bơm tạp chất trong thời gian dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe theo nhiều mức độ nghiêm trọng. Nếu nhẹ thì là ngộ độc thực phẩm, người ăn bị tiêu chảy, gặp vấn đề tiêu hóa. Nếu nặng thì có thể khiến chất độc hại bị tích tụ trong cơ thể và gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm.
Do vậy mà việc lựa chọn tôm ngon như thế nào, phân biệt tôm bình thường và tôm bơm tạp chất là rất quan trọng.
Để tránh ăn tôm bơm tạp chất thì người mua hàng cần chú ý quan sát cẩn thận, tỉ mỉ hơn khi mua tôm. Cụ thể như sau:
Loại tôm thường được chọn để bơm tạp chất là tôm sú, tôm càng, nhìn chung là những loại tôm lớn và có giá cao. Còn những loại tôm nhỏ thì hầu như không bị bơm tạp chất.
Dưới đây là bảng so sánh nhận biết tôm bơm tạp chất:
STT | Đặc điểm phân biệt | Tôm sạch | Tôm bơm tạp chất |
---|---|---|---|
1 | Hình dạng đuôi tôm | Đuôi cúp lại | Đuôi xòe ra, lỏng lẻo |
2 | Hình dạng thân tôm | Các đốt thân tôm chắc chắn, không bị giãn ra | Thân tôm mập mạp, căng bóng, các đốt thân bị giãn |
3 | Mặt sau tôm | Có màu sắc tươi tắn | Chân tôm màu nhợt nhạt |
4 | Đầu tôm | Đầu bình thường, dính chặt vào thân | Đầu bị phù, gai bị vểnh bất thường, lỏng lẻo với thân |
5 | Khi nấu ăn | Ít nước, vị ngọt, thịt thơm | Nhiều nước, thịt tôm bở, vị nhạt |
Đặc biệt, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra quan sát có thể thấy nếu như tôm bơm tạp chất là thạch rau câu thì sẽ thấy rõ lớp rau câu này nằm ở giữa lớp thịt tôm và vỏ tôm; đặc biệt là ở phần đầu và phần dưới mang tôm.
- Phần thân tôm và đầu tôm cần phải nguyên vẹn và có độ linh hoạt, săn chắc. Điều này khác hoàn toàn với tôm bị ươn, tôm để đông lạnh hay tôm bơm hóa chất
- Khoảng cách giữa các khớp đuôi tôm: Độ rộng phần đuôi lớn chứng tỏ tôm bị để lâu. Bạn có thể đem tôm ra chỗ sáng và kéo thử
- Hình dạng con tôm ngon sẽ hơi cong cong hoặc dáng thẳng còn tôm hỏng, tôm ươn thân uốn thành hình tròn
- Chân tôm cần chắc chắn, gắn chặt vào thân, không có màu sắc bất thường (chẳng hạn như màu đen là tôm ươn),
- Tôm sú: Vỏ tôm cần bóng, trơn, dọc thân tôm có màu trong, tươi
- Tôm sắt: Kích thước con tôm nhỏ, có màu hồng trắng. Nếu như con tôm có màu hồng đậm nghĩa là tôm đã bảo quản trong thời gian dài, không nên ăn
- Tôm hùm: Càng tôm có màu xanh trong và vỏ tôm bóng, tươi
- Tôm he (tôm biển): Tôm biển ngon có màu hồng trắng, mắt tôm màu xanh, khi cầm lên thấy tôm vẫn còn nhảy.
Tóm lại, việc ăn tôm bơm tạp chất lâu dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe. Vì vậy khi lựa chọn tôm hay các thực phẩm, hải sản biển nói chung cần quan sát cẩn thận để tránh "rước bệnh vào người".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn