Khi nghe thông tin Binz hay Andree xuất hiện tại Rap Việt, phản ứng đầu tiên của khán giả đại chúng lẫn rap fan vẫn là sự háo hức, chờ đợi,... Đáng tiếc thay, càng trông đợi, càng hi vọng thì công chúng lại càng… thất vọng! Vì sao thế?
Trước khi đến với Rap Việt, cả Andree lẫn Binz đều nổi danh trong cộng đồng là những rapper nổi danh với phong cách rap “flexing”. Trong âm nhạc, cả hai đều dùng lời rap khơi gợi về một cuộc sống xa hoa ngập tràn những điều lấp lánh, lộng lẫy; một lối sống phóng khoáng giàu sang với rất nhiều những “bóng hồng” vây quanh thậm chí có thể nói là khá thực dụng.
Từ âm nhạc, Andree và Binz hướng đến xây dựng hình ảnh là những gã trai hào hoa, giàu sang, “dát đồ hiệu” từ trên đầu xuống dưới chân, thậm chí dát luôn cả kim cương lên răng. Cả hai luôn xuất hiện “ngầu đét” bên những siêu xe lấp lánh và dàn “chân dài” toàn mẫu Tây nóng bỏng. Khán giả “đóng đinh” cả hai với hình tượng trên là điều dễ hiểu.
Andree và Binz cực kì thành công trong việc xây dựng hình ảnh “flexing” bởi trên sân khấu, trong âm nhạc cho đến trên MXH và đời thực, họ đều tỏa ra ngời ngời khí chất mà cả hai muốn đến. Quan trọng nhất: cả hai đều thực sự có tiềm lực về kinh tế đủ mạnh để thực sự “sống” cùng phong cách đó. Khác với một số rapper chỉ có thể tạm thời khoác vẻ hào nhoáng trên sản phẩm hoặc trên sân khấu, còn những khía cạnh khác trong cuộc sống cũng khó bề “đu” lại. Chính vì thế, khi nhắc đến phong cách rap “flexing” của Việt Rap, đa số khán giả kể cả Underground hay Mainstream, đều có thể gọi tên ngay Andree và Binz.
Xét trong giới nghệ sĩ Rap, Andree Right Hand thậm chí được đánh giá cao hơn cả Binz về mảng “flexing”, “ăn chơi”, “bad boy”. Andree còn được Binz nhắc trong lời rap: “Nghe nói hater anh nhiều như là Andree”, MCK cũng không ngần ngại: “Hater anh nhiều cứ như là anh Bâus”... Có thể thấy, Andree vẫn là “tượng đài” xếp số 1 khi nhắc đến mảng rap “flexing”, Binz có ra sao vẫn chỉ xếp ở vị trí số 2 mà thôi. Việc cả 2 tham gia Rap Việt đều được rap fan trông chờ, mong muốn những màn trình diễn “đắt xắt ra miếng”, nhưng không…
Ở mùa 1, Binz tự tin gọi team của anh là “Fly Team”, bước vào cuộc chiến với tâm thế rất tự tin, thậm chí có thể gọi là một chút phô trương. Thẳng thắn mà nói, Binz ở mùa 1 có phong cách huấn luyện khá thuyết phục, mang được RPT Gonzo và Thành Draw vào vòng Chung kết và để lại dấu ấn rõ nét xuyên suốt mùa thi đấu.
Các thí sinh khác của team Binz mùa 1 tuy không bước vào đến Chung kết nhưng vẫn là những rapper tương đối thành công sau khi bước ra từ chương trình: 16 Typh, Rtee, Hành Or,... chứng tỏ hiệu quả trong phong cách dẫn dắt của Binz trong mùa đầu tiên. Mùa 1 Binz không có được Quán quân hay Á quân cũng dễ hiểu khi Quán quân Dế Choắt từ team Wowy và Á quân GDucky của team Karik đều là những “siêu quái vật” được dự đoán tranh 2 ngôi vị cao nhất từ sớm.
Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu diễn ra ở mùa 2, khi Binz chuyển định hướng thi đấu của “team Fly”, hạn chế các bản rap “ăn chơi” mà muốn đi sâu hơn vào các bản rap thể hiện đúng cảm xúc, tâm trạng, các bản rap love. Đáng buồn thay khi có thể nói đó là một định hướng chưa đúng đắn dẫn đến “cú trượt dài” của “team Fly” tại Rap Việt. Thật vậy, càng thi đấu ở mùa 2, Binz càng bị chê trình HLV ở Rap Việt khi dàn chiến binh mạnh nhất ở team anh gồm Sol7, Obito đã bị loại sạch và đại diện Fly Team bước vào Chung kết lại là Kellie - em út chương trình đồng thời là "tân binh" trong giới Underground, một nhân vật được ví von chưa thi cũng biết không thể nào chiến thắng.
Đặc biệt, việc "thầy" 7 bại trận trước một rapper dưới cơ - B-Wine (team Rhymastic) ở bảng A vòng Bứt phá đã bị netizen quy hết vào "nước cờ sai lầm" của Binz khi anh để "ngựa chiến" thử nghiệm với thể loại beat mới. Việc Sol7, một rapper kì cựu trong giới Underground thậm chí có thâm niên chơi rap hơn cả dàn HLV mùa 2, bị loại ngay tại vòng Bán kết bị ví von không khác nào màn “hiến tế” của Binz không dễ dàng được rap fan tha thứ. Việc Obito, một rapper thành công cả ở Underground lẫn có giá trị thương mại cao khi lên Mainstream, cũng không đặt chân được vào Chung kết không khác nào “giọt nước làm tràn li” thổi bùng lên tranh cãi nơi Binz.
Câu chuyện tương tự đang xảy ra với team Andree. Đội hình mở màn thí sinh của Andree được đánh giá khủng nhất nhì trong số 4 HLV, sở hữu nhiều "quái vật" cho ngôi quán quân như SMO, Minh Lai hay thậm chí là Dlow, được gọi luôn là “Money Team”. Bản thân Andree cũng chia sẻ ở vòng 2 rằng team của anh lên sân khấu không phải thi nhạc, mà là để chơi nhạc, tạo nên các ca khúc "gây bão", kiếm tiền và được bật tại mọi club. Tuy nhiên, càng vào sâu, khán giả càng thấy Andree nói hay nhưng làm được thì chưa nhiều.
Vướng mắc trong cách dẫn dắt của Andree lại càng hiện rõ qua phần thi của Dlow trong vòng Bứt phá bảng A vừa rồi. Khi còn ở team Andree, Dlow đã không đọ lại được Strange H ở vòng Đối đầu, nhưng lý do lớn hơn ở đây là vì Andree buộc Dlow phải tiết chế "món đòn" fast flow (rap nhịp nhanh) sở trường của mình, không khác gì hình ảnh “hổ bị bẻ nanh vuốt”. Tất nhiên, thi đấu thì phải có thắng thua, nhưng trận thua của Dlow lại là một trận thua không thuyết phục khi nam rapper không hề có cơ hội "bung" hết sức để chiến đấu. Ngay khi Dlow được về team B Ray, anh đã được triển khai fast flow trở lại, tạo hiệu ứng thuyết phục nhưng lại khó xoay chuyển được cục diện bảng đấu.
Đến cả thí sinh Hydra được Andree dùng Nón Vàng cứu về từ team Thái VG cũng đang nhận kịch bản tương tự. Hydra đã có phần thi mang tên Cánh Cò Bay Lả Bay La kể về câu chuyện "bố mẹ đi kiếm ăn lo cho gia đình" thông qua hình ảnh con cò. Điều đáng nói, với chủ đề hết sức nhẹ nhàng, Andree lại hướng cho thí sinh "lái trap" trên con beat sôi động. Hơn nữa, tạo hình chất chơi của Hydra lại bị khán giả nhận xét hoàn toàn không phù hợp khi trình diễn một bài rap về đấng sinh thành. Đến mức chính BigDaddy cũng phải thẳng thắn: "Anh cảm giác âm nhạc ồn ào so với câu chuyện và chủ đề em đang kể", hay chính B Ray cũng phải cho rằng: "Với những câu chuyện nhẹ nhàng, nhân văn thế này thì mình đang bị phân tâm vào beat, rất khó để tập trung vào câu chuyện mà bạn đang kể".
Tranh cãi lớn nhất của Andree chắc chắn phải là bài thi Bứt phá của Minh Lai, “chiến thần” được xem là mạnh nhất của “Money Team”. Andree tìm đến sự hỗ trợ của cậu đàn em thân thiết Wxrdie. Về lý thuyết là hỗ trợ, nhưng thực tế Wxrdie không khác gì hát chính của phần thi khi chiếm trọn cả 1 verse, biến Minh Lai thành ca sĩ phụ hoạ đúng nghĩa. Ngoài ra, phong cách âm nhạc vốn ít điểm chung của Wxrdie và Minh Lai cũng cho thấy quyết định khó hiểu lần này của Andree. Thêm vào đó, Minh Lai lại chịu chung số phận với Dlow khi bị "lái" sang phong cách khác hoàn toàn, còn sở hữu một beat nhạc "dễ thương" khác thường.
Với lộ trình và kịch bản gần như tương đồng với team Binz ở mùa 2, khán giả đang lo lắng Andree sẽ đi vào “vết xe đổ” của Binz? Nhiều người cho rằng có thể khi bước vào vòng Chung kết, có thể team Andree cũng chỉ 1 còn thí sinh tham chiến, thậm chí không phải là chiến binh mạnh để đối đầu với những “quái vật” 3 đội còn lại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn