Angelina Jolie tươi tắn cùng các con dự công chiếu phim mới ‘Tiên hắc ám’

11:05 | 03/10/2019;
Angelina Jolie diện đầm Versace thanh lịch, tươi tắn đưa 5 đứa con dự công chiếu phần 2 bộ phim "hot" của cô là “Tiên hắc ám” phần 2 tại Los Angeles (Mỹ). Người phụ nữ Hàn Quốc tự sát vì bị quay lén; Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bổ nhiệm cô Esther Margaux Uson làm phó quản lý truyền thông Cục Phúc lợi Lao động nước ngoài là những tin giới nổi bật ngày 3/10.
1. Angelina Jolie trở thành tâm điểm của giới truyền thông và người hâm mộ khi xuất hiện tại buổi ra mắt phim "Maleficent: Mistress of Evil" (Tiên hắc ám) vừa qua ở Los Angeles. Nữ diễn viên diện chiếc đầm Versace màu đen thanh lịch đến dự sự kiện. Angelina Jolie đưa các con Pax Thiên (15 tuổi), Shiloh (13 tuổi), Zahara (14 tuổi) và cặp song sinh Vivienne (11 tuổi) - Knox (11 tuổi) dự công chiếu phần 2 của phim "Tiên hắc ám".
 
 
Minh tinh Angelina Jolie và các con

  

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Angelina Jolie đã chia sẻ về việc làm mẹ của những đứa con đang ở lứa tuổi trưởng thành với nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Người đẹp cho rằng cuộc sống của cô thay đổi cùng với sự lớn lên của các con. Angelina Jolie cũng khẳng định cô dần quay trở lại với diễn xuất sau đổ vỡ hôn nhân với tài tử Brad Pitt nhưng sẽ không nhận quá nhiều dự án phim.
 
Việc làm phim tốn quá nhiều thời gian và tâm sức khiến cô cảm thấy mình không thể dành ưu tiên cho gia đình.
 
Bộ phim “Tiên hắc ám” lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Công chúa ngủ trong rừng. Đây là phim điện ảnh đầu tiên Angelina Jolie tham gia trong vai trò diễn viên kể từ khi ly hôn Brad Pitt năm 2016. Trong 3 năm qua, cô chỉ đóng một phim ngắn, thực hiện một phim tài liệu, một phim truyện và một phim hoạt hình trong vai trò nhà sản xuất, đạo diễn.
 
2. Một phụ nữ Hàn Quốc đã tự sát tại nhà riêng sau khi phát hiện bị quay lén ở phòng thay đồ của bệnh viện. Gia đình cho biết người phụ nữ (chỉ được báo chí địa phương đề cập tên là A) phải chịu "những cơn ác mộng và tổn thương" sau khi cô phát hiện sự việc. Người phụ nữ này là một trong số hàng nghìn nạn nhân ở Hàn Quốc bị quay lén. Những cảnh quay này sau đó sẽ bị đăng trên các trang web "đen", nơi nam giới thường xuyên phải trả phí để xem các bộ phim khiêu dâm.
 
 
Biểu tình chống nạn quay lén ở Hàn Quốc

  

Một bác sĩ làm việc tại cùng bệnh viện với người phụ nữ này đã bị cảnh sát bắt hồi tháng 8 vì cáo buộc quay lén các nữ đồng nghiệp trong phòng thay đồ của nhân viên. Ông ta được cho là đã đục lỗ trên bức tường của phòng thay đồ để quay lén 4 nạn nhân. Cơ quan chức năng Hàn Quốc đang điều tra mối liên hệ giữa các cáo buộc đối với bác sĩ này và cái chết của người phụ nữ.
 
Nạn quay lén phụ nữ đã dẫn đến các cuộc biểu tình khắp Hàn Quốc. Tháng 8/2018, 70.000 người đã tuần hành ở Seoul để phản đối nạn quay lén. Đầu năm nay, hai người đàn ông đã bị bắt vì quay lén 1.600 người tại 30 khách sạn trên khắp 10 thành phố ở Hàn Quốc. Các đoạn video sau đó đã được đăng lên một trang web trả phí.
 
3. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bổ nhiệm một nhân vật đầy tranh cãi là cô Esther Margaux Uson (37 tuổi) làm phó quản lý truyền thông tại Cục Phúc lợi Lao động nước ngoài. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ gần 2 triệu người Philippines ở nước ngoài. Nhóm người này gửi về lượng kiều hối lên tới 28,1 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP của nước này, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Philippines năm 2017.
 
 
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cô Esther Margaux Uson

  

Cô Uson bị dư luận gọi là “nữ hoàng tin giả” vì thường xuyên đăng tin giả trên Facebook. Là một vũ công, người mẫu, người huấn luyện tình dục (người đưa ra lời khuyên và hướng dẫn cho khách hàng cách cải thiện đời sống tình dục và yêu đương), cô là cái tên nổi bật trong chiến dịch tranh cử của ông Duterte đầu năm nay. Những người chỉ trích cho rằng việc bổ nhiệm cô đi ngược lại một điều khoản trong Hiến pháp Philippines, theo đó cấm bổ nhiệm một ứng viên vừa tranh cử thất bại trong vòng dưới một năm vào vị trí trong chính phủ. Uson chạy đua vào quốc hội vào tháng 5 nhưng thất bại.
 
Cô Uson gây tranh cãi khi lên Facebook kêu gọi lập ra cơ quan riêng biệt để giải quyết các lo ngại của lao động nước ngoài nhưng nhiều ý kiến cho rằng một cơ quan như vậy sẽ tốn hết ngân sách của Cục Phúc lợi Lao động Nước ngoài. Những người phê phán còn nói cô lợi dụng số lượng người theo dõi lên đến hàng triệu trên mạng xã hội để bịa đặt sự thật, và lăng mạ, quấy rối những người phê bình Tổng thống Duterte. Tổ chức Migrante cũng chỉ trích chuyến đi tới Kuwait của Uson năm ngoái. Trong đó, cô đặt mục tiêu “giải cứu” một số công nhân Philippines khỏi chủ bóc lột, quay phim chuyến đi, để rồi làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Migrante nói hành động của Uson gây hại nhiều hơn là có ích và là “chiêu trò truyền thông”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn