Anh chàng lắm chiêu và cô nàng nhõng nhẽo

06:53 | 07/11/2016;
Lần đó cả 2 giận nhau tận 1 tuần, đến mức mỗi người ngủ 1 phòng. Sau đó, Vân Anh nhắn tin: “Thế định mỗi đứa ngủ 1 phòng mãi đấy à? Anh biết em không dám ngủ một mình rồi cơ mà”. Đọc xong tin nhắn, Tuấn ôm bụng cười, rồi ôm chăn gối về lại phòng.

Vân Anh hơn Tuấn 1 tuổi, lại đi học trước tuổi nên ra trường trước Tuấn những 2 năm. Tóm lại là “đàn chị” của Tuấn ở công ty. Nhưng vóc dáng bé nhỏ và tính cách trẻ con khiến cô lúc nào cũng lép vế trước một “đàn em” lắm chiêu, dư chiều cao và thừa chững chạc như Tuấn. Hồi mới quen nhau, Vân Anh còn đứng ra nhận làm “bà mối” cho Tuấn, không phải với 1 mà tận 2 “đám”. Nhưng “bà mối” không mát tay. Còn Tuấn thì đã phải lòng “bà mối” tự lúc nào.

Công cuộc chinh phục “bà mối” của Tuấn cũng tương đối chật vật, nghe như Tuấn nói là Vân Anh “kiêu”, “hay làm cao”. Chàng bèn vận dụng toàn bộ kiến thức của một sales - marketer (chuyên viên tiếp thị bán hàng) chuyên nghiệp, dùng chiến thuật marketing “du kích” để tiếp cận nàng. Cách của Tuấn là thay vì “đánh vào trung tâm” thì “cưa đổ” tất cả những người xung quanh Vân Anh, xây dựng hình ảnh 1 chàng trai đáng tin cậy. Thế nên, mọi sở thích của Vân Anh, Tuấn đều nắm rõ. Kiểu như hôm trước nàng vừa nói với bạn bè thèm ăn dâu tây thì sáng sớm hôm sau đã thấy 1 hộp dâu tây gói ghém đầy kiểu cách đặt trước cửa nhà.

Mọi hoạt động nội bộ trong phòng Vân Anh, ngay cả khi nàng còn chưa biết thì Tuấn đã rõ. Thậm chí trong khi Vân Anh còn đang bàn chuyện đi xem phim gì với đồng nghiệp cùng phòng thì Tuấn đã được mật báo tên phim, tên rạp, ngày giờ chiếu. Việc của Tuấn chỉ còn là: cứ ngày đó, giờ đó, địa điểm đó, đến và chờ sẵn.

Còn bây giờ, là vợ chồng của nhau đã 3 năm, Tuấn vẫn coi Vân Anh là “khách hàng đặc biệt” 

“Chăm sóc kiểu đặc biệt, thấu hiểu tâm lý khách hàng, đặt mình ở địa vị của khách hàng để chăm sóc. Nói chung là khách hàng này cũng dễ bảo, dễ chiều”, Tuấn hài hước chia sẻ.

Tuy thế, giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân, cặp đôi này cũng không ít “ố, á” về nhau. Nói như Tuấn là “cảm giác như bị lừa”. Cũng có thất vọng, cũng có giận dỗi, khủng hoảng. Nhưng sự hiểu biết giúp họ nhanh chóng lấy lại thăng bằng, chấp nhận sự không hoàn hảo ở nhau, bằng kiểu chậc lưỡi lạc quan: “Thôi, có gì dùng nấy”.

Thông thường mỗi lúc 2 vợ chồng cãi vã, Vân Anh lại dùng chiêu khóc lóc ầm ĩ. Thế là Tuấn phải “xuống nước”. Nhưng không phải lúc nào chiêu này cũng thành công. Lần đó Tuấn quyết định thi gan. Và cả 2 không nói chuyện, không ngủ chung. Một tuần trôi qua, nhiều lần Tuấn đã định bỏ cuộc, song vẫn tự ái đọ độ cứng đầu của nhau. Cuối cùng, có lẽ vì không chịu được cảnh ngủ một mình do... sợ ma, Vân Anh chấp nhận thua cuộc, nhắn 1 cái tin có nội dung: “Thế định mỗi đứa ngủ 1 phòng mãi đấy à? Anh biết em không dám ngủ một mình rồi cơ mà!”. Tuấn kể, lúc đó đọc xong tin nhắn, vừa buồn cười ngặt nghẽo, vừa thương vợ. Những lần giận nhau sau thì không bao giờ kéo dài lâu như thế nữa. Thường ai thấy mình có lỗi to hơn sẽ chủ động làm lành trước. Hoặc là 1 trong 2 người thấy “ngứa mắt”, không chịu được kiểu mỗi đứa quay 1 hướng trên giường thì sẽ chủ động trước. Lúc đó, chỉ cần 1 cái ôm là đủ. Khi đã yên vị trong vòng tay nhau thì cả 2 mới bắt đầu trò chuyện, trao đổi thẳng thắn về sự việc. 

Nguyên lý của hạnh phúc

Một ngày của Tuấn và Vân Anh cũng giống như mọi gia đình trẻ khác. Sáng dậy, Vân Anh chuẩn bị bữa sáng cho chồng, sau đó mỗi người một đường đi làm. Ở công ty, trừ việc gấp cần trao đổi, nếu không cả 2 đều cắm đầu vào công việc cho đến tối. Chỉ khác ở chỗ, Tuấn và Vân Anh sống cùng bố mẹ chồng nên bữa tối luôn dành cho đại gia đình. Cơm tối xong, Vân Anh rửa bát, Tuấn úp bát và đổ rác. Cao hứng thì đưa nhau dạo phố, mua sắm, rồi về nhà đọc báo, xem phim... Nhẹ nhàng và bình yên, song không phải dễ dàng và tự nhiên để cả 2 có được cuộc sống đó.

Sống cùng bố mẹ chồng, sự cách biệt tuổi tác và thế hệ khiến Vân Anh không tránh khỏi những va chạm. Nhưng cô may mắn hơn nhiều nàng dâu khác vì Tuấn là người hiểu biết và giỏi “quản lý khủng hoảng”. Yêu mẹ và yêu vợ, Tuấn luôn cố gắng điều tiết mối quan hệ bằng cách đặt ra những quy tắc ứng xử cho 2 người phụ nữ quan trọng nhất của mình. Một trong số đó là khi vợ và mẹ có điều gì không hài lòng thì cần nói chuyện với Tuấn. Nếu vợ đúng, Tuấn sẽ lựa lời nói với mẹ. Ngược lại, nếu mẹ đúng, Tuấn sẽ lựa lời nói với vợ. “Còn nếu hai “nàng” đấy mà nói chuyện trực tiếp với nhau, chiến tranh xảy ra ráng mà chịu”, Tuấn tự trào. Tuy vậy, “chiến tranh” chưa từng xảy ra. Vân Anh rất yêu bố mẹ của cô nên cô hiểu được tình yêu mà Tuấn dành cho mẹ của anh ấy. Cô tâm niệm, sự biết điều, hiếu thảo và thành ý gìn giữ nền nếp gia đình sẽ dung hòa được mọi mâu thuẫn, cách biệt. Bởi bố mẹ nào làm mọi điều cũng chỉ vì hạnh phúc của con cái mà thôi.

Bố mẹ Tuấn cũng khá tâm lý, tôn trọng cuộc sống riêng của đôi trẻ, ủng hộ các con đi chơi, đi du lịch mỗi khi rảnh rỗi. Thế nên Tuấn và Vân Anh có điều kiện để “tung tăng”. Mỗi chuyến đi không chỉ là cơ hội để 2 vợ chồng giải tỏa căng thẳng, mở mang sự hiểu biết mà còn kết dính thêm sự gắn bó giữa họ. Bạn bè của cặp đôi này thường xuyên “phát ghen” trước sự ngọt ngào mà cả 2 dành cho nhau. Tuấn giải thích lý do của sự ngọt ngào “không biên giới” đó là: “Vì vợ làm truyền thông còn chồng làm sales marketing. “Mật ngọt chết ruồi” là bệnh nghề nghiệp”.

Mỗi ngày, điều Tuấn không bao giờ quên làm với Vân Anh là hôn tạm biệt vợ. Còn điều Vân Anh không bao giờ quên làm với Tuấn là hôn tạm biệt chồng và kiểm tra ví chồng. Nếu thấy hết tiền, cô sẽ bỏ thêm vào. Họ tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, điều mà cả 2 tin chính là nguyên lý của hạnh phúc.

* Phạm Vân Anh sinh năm 1987, làm việc tại tập đoàn FPT. Bùi Tuấn sinh năm 1988, hiện làm sales marketing. 2 vợ chồng đang sống cùng bố mẹ Tuấn tại quận Đống Đa, Hà Nội.

* Bí quyết hạnh phúc: Tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Chấp nhận những khiếm khuyết của nhau.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn