Anh chính thức rời Liên minh châu Âu sau 47 năm gắn bó

11:09 | 01/02/2020;
Khi đồng hồ Big Ben tại Anh điểm 23h ngày 31/1 (6h sáng 1/2 giờ Hà Nội), nước này đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU - Brexit), kết thúc hơn 4 thập kỷ hợp nhất về kinh tế, chính trị và pháp luật với những nước láng giềng gần gũi nhất.

Giải quyết hậu quả "ly hôn"

Đối với Anh, quốc gia từng vật lộn trong giai đoạn hậu Thế chiến 2 khi chuyển từ một đế quốc toàn cầu thành một thành viên bất đắc dĩ của khối châu Âu, việc rời khỏi EU là một sự ra đi có ý nghĩa và tác động to lớn. Việc rời khỏi EU sẽ thúc đẩy những quan hệ vốn trì trệ trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội (vì ràng buộc của EU), các vấn đề an ninh và kinh tế, trong khi đặt ra cho nước Anh những câu hỏi mới về bản sắc dân tộc.

Anh gia nhập EU vào năm 1973. Khủng hoảng khu vực đồng Euro, lo ngại về nhập cư ồ ạt và tính toán sai lầm của cựu thủ tướng David Cameron đã dẫn đến tỷ lệ bỏ phiếu 52% ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Đã 3 năm rưỡi kể từ khi thủ tướng tiền nhiệm, bà Theresa May, khẳng định "Brexit có nghĩa là Brexit", Chính phủ Anh sau nhiều sóng gió cuối cùng cũng định đoạt được ý nghĩa của Brexit. Cuộc "chia tay" này chắc chắn sẽ làm đảo lộn những mối quan hệ vốn đã ổn định của Anh và các nước ở mọi lĩnh vực như xã hội, kinh tế, an ninh trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Nhiều người dân Anh  ủng hộ Brexit

Nhiều người dân Anh ủng hộ Brexit

Ngày 1/2/2020 chứng kiến sự khởi đầu một giai đoạn đàm phán mới giữa London và EU. Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp dài 11 tháng. Xứ sở sương mù vẫn được hưởng các lợi ích từ EU nhưng sẽ mất đi tiếng nói và sức nặng của một thành viên đã gia nhập khối 47 năm. Vẫn còn rất nhiều công việc phía trước sau ngày Anh rời khỏi EU đòi hỏi các cuộc đàm phán giữa hai bên để giải quyết, từ thương mại đến hàng loạt vấn đề khác như an ninh, năng lượng, liên kết giao thông, quyền đánh cá và chia sẻ dữ liệu.

Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, Brexit là sự kiện giúp "lan tỏa hy vọng và cơ hội tới mọi miền của nước Anh". Ông Johnson cam kết sẽ đoàn kết lại nước Anh sau những năm tháng chia rẽ sâu sắc về mọi mặt vì những cuộc tranh luận xung quanh chủ đề Brexit. Thủ tướng Johnson đã cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU để nước này có thể đàm phán được các thỏa thuận thương mại khác trên toàn thế giới. Nhưng chính xác quá trình này sẽ diễn ra như thế nào và việc các công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh với EU sẽ bị ảnh hưởng ra sao vẫn chưa rõ ràng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson

Thủ tướng Anh Boris Johnson

Tuy nhiên, 11 tháng là không đủ để đạt được một thỏa thuận thương mại "không thuế, không hạn ngạch" giữa Anh và EU nhưng ông tuyên bố không muốn gia hạn đến sau ngày 1/1/2021. Điều đó đồng nghĩa nếu các cuộc đàm phán thương mại tự do giữa hai bên thất bại, hàng hóa trao đổi giữa Anh và 27 nước EU sẽ bị đánh thuế, kiểm soát nhập khẩu theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây được dự báo là một tiến trình gai góc.

Mặc dù trên giấy tờ là EU và Anh có 11 tháng, các cuộc đàm phán sẽ không chính thức bắt đầu đến khi chính phủ các nước EU đồng ý ủy thác đàm phán vào cuối tháng 2 tới. Hai bên sẽ phải hoàn tất mọi thứ vào tháng 10 bởi để dành thời gian cho việc dịch các hiệp định sang 23 thứ tiếng được sử dụng ở EU và trình lên phê chuẩn tại quốc hội các nước thành viên. Như vậy, thời gian chỉ còn lại tối đa là 9 tháng cho mọi nỗ lực.

Những bất ổn có thể xảy ra

Thủ đô London là một trong những khu vực có tỷ lệ phản đối Brexit và ủng hộ ở lại với EU cao nhất trên toàn nước Anh. Brexit được dự báo sẽ khiến hoạt động tài chính, ngân hàng của London thiệt hại nặng nề. Trong ngày 31/1, chính quyền London đã có nhiều cách thức để cho thấy bất chấp Brexit, London vẫn sẽ là thành phố cởi mở với thế giới. Những thông điệp như "tất cả mọi người được chào đón", hay "luôn luôn cởi mở" xuất hiện khắp các con phố, các địa điểm giao thông công cộng, các biển hiệu quảng cáo ở London.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon

Tuy vậy, những khó khăn đã hiện hữu trước mắt London, khi tương lai của nước Anh đang trở nên bất định. Tại phía Bắc, Scotland đe dọa sẽ tái khởi động chiến dịch đòi độc lập, trong khi ý tưởng tái thống nhất với Cộng hòa Ireland đang nhen nhóm trở lại tại Bắc Ireland. Thủ hiến Scotland và là lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP), bà Nicola Sturgeon tuyên bố đây là một ngày đau buồn và giận dữ với người dân Scotland vì đa số dân Scotland phản đối Brexit. Bà Sturgeon cũng yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland khỏi Vương quốc Anh càng sớm càng tốt để sau đó Scotland có thể tái gia nhập EU.

Giai đoạn đàm phán mới giữa London và EU

Sẽ có giai đoạn đàm phán lâu dài giữa London và EU

Đối với những người ủng hộ, Brexit là "ngày độc lập" - lối thoát để tránh khỏi gánh nặng với liên minh. Họ hy vọng cuộc chia tay sẽ đem đến những cải cách để định hình lại nước Anh và thúc đẩy họ vượt mặt các đối thủ châu Âu. Trong khi đó, những người phản đối nói rằng Brexit sẽ làm suy yếu phương Tây, suy yếu nền kinh tế Anh và cô lập họ. 

Thỏa thuận Brexit giữa London và EU cho phép công dân Anh có thể tới định cư tại bất kỳ quốc gia nào trong 27 nước còn lại và đòi quyền lợi trọn đời với tư cách là "công dân EU" đến hết ngày 31/12/2020. Lo sợ trước một nước Anh tách biệt, nhiều người đã bán nhà cửa và chuyển tài sản sang lục địa kể từ năm ngoái. 

"Vợ chồng tôi thức dậy và làm bảng tính lúc 4h sáng. Chúng tôi quyết định không còn lúc nào hợp lý hơn để ra đi", anh Andy Dutton kể lại việc bán căn nhà ở thành phố Manchester để tới Tây Ban Nha hồi tháng 10 năm ngoái.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn