103 trường đại học Anh từng bày tỏ quan ngại việc Anh rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng đến các trường và sinh viên của họ. |
Ngày 20/06, trước khi Anh công bố quyết định rời khỏi EU, lãnh đạo của 103 trường ĐH đã chia sẻ bức thư cho thấy họ quan ngại về mức độ ảnh hưởng của mỗi lá phiếu “rời bỏ” lên các trường ĐH cũng như các sinh viên.
Bức thư có đoạn viết: “Mỗi năm, các trường ĐH tạo ra 73 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế của UK, trong số đó 3,7 tỷ bảng Anh đến từ các sinh viên của các quốc gia khác trong khối EU”.
Ngoài ra, Simon Gaskell, hiệu trưởng và chủ tịch trường ĐH Queen Mary (ở London) cũng đưa ra cam kết với sinh viên của trường: Dù Anh chọn rời bỏ hay ở lại thì tiền học phí của những sinh viên thuộc khối EU vẫn duy trì ở mức 9.000 bảng Anh như trước.
“Tôi thấy lo lắng khi nghĩ đến việc sinh viên đến từ các quốc gia khác trong EU sợ rằng họ đã hoàn thành một năm học và bất ngờ năm học tiếp theo học phí tăng lên gấp nhiều lần” – ông Gaskell chia sẻ.
Về phía sinh viên, kết quả của cuộc bỏ phiếu cũng cho thấy 75% người trẻ thuộc độ tuổi 18-24 của Anh đã chọn lá phiếu “ở lại” với mong muốn Anh sẽ tiếp tục là một phần của EU.
11.000 du học sinh Việt Nam đang học tại Anh
Theo Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland (SVUK), có hơn 11.000 du học sinh Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Anh. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực đến quyết định cho con du học tại Anh. Tuy nhiên, theo các cập nhật ở thời điểm hiện tại, mức học phí của các trường ĐH Anh áp dụng đối với sinh viên ngoài EU sẽ không có gì thay đổi.
Ông Leszek Borysiewicz, Hiệu phó danh dự của trường ĐH Cambridge cho biết, ông quan ngại về tình trạng du học sinh đến từ các quốc gia của EU theo học tại Anh sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông vẫn rất lạc quan cho rằng Cambridge nói riêng và các trường ĐH có chất lượng nói chung vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các quốc gia ngoài EU.
Cử nhân của Anh sẽ không dễ kiếm việc tại các quốc gia của EU
Là một phần của EU, trước đây, công dân Anh có thể sống và làm việc ở bất cứ đâu trong số 28 quốc gia của EU.
Sorana Vieru, phó chủ tịch của hiệp hội Sinh viên quốc gia Anh cho rằng rời bỏ sẽ khiến người trẻ Anh phải đối mặt với nguy cơ khó kiếm việc hơn, tỷ lệ thất nghiệp của Anh có thể sẽ vì thế mà tiếp tục gia tăng. “Trước đây, chúng tôi không cần visa gì quá cầu kỳ. Nhưng rời bỏ EU đồng nghĩa với việc chúng tôi cần visa để làm việc và điều này sẽ làm giảm cơ hội được nhận vào làm của chúng tôi”.
82% sinh viên của các quốc gia EU có thể không theo học tại Anh
Theo số liệu thống kê của tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) năm 2015, sinh viên Anh phải đóng mức học phí cao nhất thế giới. Nhiều sinh viên Anh đã chọn theo học tại quốc gia có chi phí học tập thấp hơn.
“Sau khi rời khỏi EU, chắc chắn sinh viên Anh buộc phải trả phí cao khi theo học tại các quốc gia khác”.
Ở Anh hiện tại có hơn 20.000 sinh viên đến từ các quốc gia khác thuộc EU. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo rằng, con số này sẽ giảm xuống đáng kể sau khi việc rời bỏ chính thức được áp dụng. Tháng 5/2016, Hobsons - Tổ chức tư vấn giáo dục của Anh đã công bố kết quả cuộc điều tra cho thấy: 82% sinh viên của các quốc gia EU sẽ cân nhắc không lựa chọn theo học tại Anh nếu như quốc gia này rời khỏi EU.