Anh đứng về phe nào?

09:10 | 01/10/2018;
Hằng hất hàm hỏi Khanh: “Rốt cuộc anh đứng về phe nào, về vợ con anh hay mẹ và em gái anh? Sao lúc nào họ nói gì, kể gì, anh cũng tin răm rắp mà về chì chiết vợ con mình như thế”. Thấy thái độ của vợ như vậy, Khanh càng sôi máu. Hai tay nắm chặt lại, anh thở mạnh một tiếng, rồi đóng sầm cửa đi ra ngoài.

Lâu nay, chuyện mẹ chồng - nàng dâu, rồi chuyện em chồng chị dâu, Hằng đã nghe đâu đó rất nhiều, hoặc xem phim truyền hình, bất cứ là trong hoàn cảnh của câu chuyện hay bộ phim nào thì mối quan hệ này luôn vô cùng phức tạp. Hằng biết nhưng chưa bao giờ cảm nhận rõ điều đó. Bởi một lẽ đơn giản, vợ chồng cô ra ở riêng trong thành phố. Cô em chồng thì đang du học ở Anh chưa về, còn bố mẹ chồng Hằng thì đương nhiên nhà cao cửa rộng ở quê, cách nơi ở của vợ chồng cô chừng gần trăm cây số nên xét về khoảng cách, Hằng cho là lý tưởng để đảm bảo sự... an toàn trong mọi ứng xử.

Mỗi lần vợ chồng cô về quê vào dịp cuối tuần, mang theo con gái năm nay lên 4 tuổi, là ông bà vui lắm. Cưng chiều cháu nội hết nấc, có món gì ngon ông bà cũng để dành cho vợ chồng con trai cả về ăn. Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vì thế mà cũng yên ấm. Mẹ chồng Hằng là người khá đồng bóng, thích thể hiện tình cảm có phần hơi thái quá để mọi người cảm nhận được sự chu toàn của một bà mẹ chồng. Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói, cho đến khi Thu - cô em chồng Hằng - từ Anh trở về nước vào đầu năm nay. Lúc về, cô ấy vác bụng bầu đã lùm lùm, thủng thẳng buông mấy câu với cả nhà: “Bố mẹ, tụi con sắp sinh rồi, sau đó sẽ làm lễ cưới!” - khiến bố mẹ chồng cô như á khẩu. “Con rể” là bạn học cùng Thu “ở bển”, sống chung rồi có con với nhau vừa đúng lúc học xong về nước. Bố mẹ chồng Hằng vội mua một căn hộ chung cư cùng tòa nhà với vợ chồng cô cho Thu ở, rồi mẹ cô tất tả lo cho việc sinh nở của con gái. Để tiện chăm sóc Thu, bà ở lại luôn cùng với Thu, đỡ phải chạy đi chạy lại. Mọi rắc rối từ đây mà nảy sinh.

***

Bình thường ở xa không có gì để nói, nay sống gần nhau tầng trên tầng dưới, mẹ chồng Hằng cùng cô con gái bỗng nhiên gây “náo loạn” cả nhà. Ăn cơm nhà Hằng, bà cứ tiếng to tiếng nhỏ: “Cơm con nấu không hợp khẩu vị, có khi để mẹ lên ăn với cái Thu!”, rồi chưa kịp để vợ chồng cô đồng ý, bà vội vã lên tầng ăn cơm với con gái. Những bữa cơm ấy không biết hai mẹ con rì rầm những gì mà lúc về nhà Hằng, mặt mẹ cô lại sưng lên.

Hằng không biết mình đã làm gì sai, vội vàng “phái” chồng lên thám thính xem. Hóa ra cũng chẳng có gì to tát, chồng cô đi về kể lại là Hằng nấu canh chua còn cho cả thì là vào bát canh. “Em không để ý mẹ không ăn được thì là à, cứ có mùi ấy là mẹ lại bị buồn nôn! Lần sau ăn uống để ý thói quen của mẹ hơn chút nhé!”, Khanh bảo vợ. Hằng thở dài sườn sượt, lẳng lặng không nói gì và biết để điều chỉnh thói quen.

Chuyện chẳng có gì lớn, cứ dăm việc nọ, vài việc kia, loanh quanh cũng chỉ là ăn uống, sinh hoạt. Bà chê Hằng nấu không ngon, không hiểu ý nên ăn luôn ở nhà Thu nhưng khi ngủ vẫn xuống nhà Hằng ngủ. Cháu gái thấy bà nội thi thoảng vẫn chơi trò chơi trên smartphone nên hay “gạ” bà cho chơi cùng hoặc năn nỉ mượn bà để xem Youtube. Bà cũng vui vẻ đồng ý, nhiều hôm quên cả việc nhắc cháu đi tắm hoặc phải đi ngủ sớm. Hằng bực bội nhưng không dám nói mẹ chồng, chỉ quát con. Tiếng quát có phần lớn nên bà nghe cứ tưởng mắng mình, ấm ức, lại lên than vắn thở dài với con gái. Bà trộm nghĩ, may có đứa con gái để trút bầu tâm sự, chứ không thì chẳng biết chia sẻ cùng ai, nó lại được thể “ức hiếp” mình.

***

Cứ như vậy, chuyện bé xé ra to. Khanh đi làm về đã mệt lại thường xuyên nghe mẹ kể tội vợ mình đâm ra bực bội thêm. Nhiều hôm chưa biết “đầu cua tai nheo” thế nào Khanh đã mắng vợ, rồi cáu lây sang con. Không khí gia đình đang yên bình bỗng như nổi sóng. Thời gian đầu, Hằng còn nín nhịn, cố gắng điều chỉnh để làm mẹ vui lòng nhưng càng về sau, thấy mẹ chồng cùng em chồng ngày càng quá đáng, nhất cử nhất động của mình đều bị “soi” nên cô thấy ấm ức.

Thế là vợ chồng lại cãi nhau loạn lên. Điều đáng nói là mẹ chồng Hằng có phần “hả hê” khi biết con trai bênh vực mình ra mặt. Phải thế chứ, cứ phải nghiêm khắc thì nó mới tiến bộ lên được. Bà không hay biết là sự có mặt của mình đang khiến gia đình con đang có nguy cơ tan đàn sẻ nghé.

Một lần, Hằng có việc phải đi công tác đột xuất 3 hôm. Cô đành ngọt nhạt nhờ mẹ chồng chăm sóc, cơm nước cho bố con Khanh để cô yên tâm đi xa. Mẹ cô vui vẻ đồng ý, có phần thoải mái khi ở trong nhà muốn thể hiện thế nào cũng được, không phải ý tứ với con dâu. Thế nhưng, ở nhà “đánh vật” với việc nhà, cơm nước cho con trai và cháu nội, đã vậy còn phải lo cả cháu ngoại và con gái ở tầng trên, tất cả khiến bà kiệt sức. Việc học hành, ngủ nghỉ của cháu gái cũng khiến bà vã mồ hôi vì cô cháu tính rất bướng, khó ăn. Cứ xoay như chong chóng, hết tầng trên đến tầng dưới, bà thấy mệt mỏi thật sự. Một cảm giác cay cay nơi sống mũi bà khi nghĩ lại con dâu phải chu toàn cả việc cơ quan lẫn việc gia đình, lại còn phải tìm cách chiều mẹ chồng. Đã vậy, lại còn bị chồng gây sức ép khi đứng về phía mẹ. Đôi khi chỉ cần một lời động viên thay vì kể tội thì cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn biết bao nhiêu! Bà tự hứa sẽ chia sẻ với con dâu nhiều hơn, trong những ngày sắp tới...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn