"Anh trai say hi" và nhiều concert "cháy vé", công nghiệp biểu diễn Việt Nam đang vươn mình?

21:50 | 12/11/2024;
Sự thành công của các chương trình âm nhạc được tổ chức gần đây cho thấy cơ hội rộng mở của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam.
Các concert nội "cháy vé"

Mới đây, hai concert lớn cùng được tổ chức tại TPHCM, thu hút đông đảo khán giả tham dự. Trong khi "Anh trai vượt ngàn chông gai" lôi cuốn khoảng 20.000 người xem trực tiếp, "Anh trai say hi" cũng không kém phần quy mô khi phủ kín Vạn Phúc City (TP Thủ Đức, TPHCM), ước tính tiêu thụ hơn 15.000 vé.

Với mức giá dao động từ 800 nghìn tới 8 triệu đồng (tại concert "Anh trai vượt ngàn chông gai"); 500 nghìn tới 10 triệu đồng (tại concert "Anh trai say hi"), hàng trăm tỷ đồng đã được các nhà sản xuất thu về trong một đêm, tạo nên một dấu mốc đáng nhớ đối với nền công nghiệp biểu diễn tại nước ta hiện tại.

Hiện nay, "cơn sốt" từ các chương trình này vẫn chưa kết thúc, khi "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" lần lượt thông báo tiếp tục tổ chức concert tại Hà Nội. Nhiều hội, nhóm mua bán vé concert đã hoạt động sôi nổi. Hàng loạt khán giả tìm thuê người canh mua vé hộ để đảm bảo có một tấm vé theo dõi thần tượng, hệt như cách họ từng làm với các concert quốc tế.

Bên cạnh sự tiến bộ về chất lượng nghệ thuật và hiệu ứng truyền thông, hai concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" hôm 19/10 vừa qua cho thấy sự thay đổi trong văn hóa thần tượng tại Việt Nam. 

Tại đó, văn hóa tiếp ứng thần tượng, vốn quen thuộc tại một số nước châu Á, đã chính thức du nhập Việt Nam. Minh chứng là các xe đồ ăn dành cho 63 nam nghệ sĩ được bố trí tại địa điểm tổ chức concert, những màn hình LED quảng bá cho chương trình, xe bus 2 tầng… 

Trên mạng xã hội, nhiều người hâm mộ cho biết họ đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng ủng hộ các nghệ sĩ.

"Anh trai say hi" và nhiều concert "cháy vé", công nghiệp biểu diễn Việt Nam đang vươn mình?- Ảnh 1.

Sự thành công của các chương trình âm nhạc được tổ chức gần đây cho thấy cơ hội rộng mở của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam.

Cần xây dựng hệ sinh thái giải trí mạnh mẽ

Rapper Hà Lê, một trong số nghệ sĩ tham gia concert "Anh trai vượt ngàn chông gai", nhận định, thành công của chương trình đến từ nỗ lực của toàn bộ ê-kíp trong việc mang tới những màn trình diễn đặc sắc. 

"Nhờ sự chuyên nghiệp của nhà sản xuất, nghệ sĩ chúng tôi chỉ cần tập trung vào việc sáng tạo, thăng hoa trên sân khấu. Mỗi bộ phận trong chương trình đều được đảm trách bởi những người giỏi, họ không chỉ tài năng mà còn tận tâm ở từng công đoạn", rapper Hà Lê cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, người từng tham gia sản xuất nhiều chương trình giải trí, nhận định, "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" cho thấy sự gắn kết giữa nghệ sĩ và khán giả mang lại hiệu ứng mạnh mẽ: 

"Không chỉ mang lại trải nghiệm âm nhạc đơn thuần, các chương trình truyền hình thực tế này còn xây dựng được câu chuyện đằng sau mỗi tiết mục, khiến khán giả không chỉ xem mà còn cảm nhận một cách sâu sắc. Khả năng kết nối cảm xúc, sự tương tác trực tiếp và những khoảnh khắc đầy cảm xúc trên sân khấu đã tạo nên thành công của concert".

Cũng theo ông Hồng Quang Minh, để duy trì sức hút của các concert, cần xây dựng một hệ sinh thái giải trí mạnh mẽ, nơi nghệ sĩ không chỉ tỏa sáng qua một show mà còn có hành trình phát triển dài hạn. 

"Cần có sự đầu tư dài hạn vào việc xây dựng hình ảnh và phong cách âm nhạc của nghệ sĩ, từ đó mang lại sự khác biệt và giữ chân khán giả trong thời gian dài. Việc chỉ dựa vào các gameshow có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng không đảm bảo tính bền vững", ông  Minh cho biết.

Bà Nguyễn Hà Linh, giảng viên Học viện Ngoại giao, Thạc sĩ ngành Quản trị văn hóa và nghệ thuật trường Đại học Chung Ang (Hàn Quốc), người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về công nghiệp văn hóa, công nghiệp biểu diễn, cũng đồng ý với quan điểm này. 

Theo bà, để công nghiệp biểu diễn thực sự phát triển, bên cạnh nỗ lực từ các nhà sản xuất/nghệ sĩ tham gia gameshow như "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Anh trai say hi", nhà nước cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ban hành chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường thắt chặt quản lý về bản quyền. 

Các doanh nghiệp làm văn hóa cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào nội dung, chú trọng quảng bá, marketing, hợp tác quốc tế. Về phía khán giả cần nâng cao nhận thức và ý thức về bản quyền, tích cực ủng hộ các chương trình giải trí trong nước với chất lượng cao.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn