Báo PNVN đã trao đổi với Luật sư Giáp Văn Đức (Công ty Luật TNHH TGS) về hiện tượng Antifan đang diễn ra khá phổ biến trên các trang mạng xã hội, để lại hậu quả cả về tinh thần và vật chất.
PV: Luật sư có quan điểm gì về việc Antifan lên các trang mạng đăng những lời lẽ thô tục xúc phạm người nổi tiếng?
Luật sư Giáp Văn Đức: Antifan xuất hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Vấn đề này chúng ta cần có cái nhìn đa chiều. Dưới góc nhìn thực tế của cuộc sống, mỗi chúng ta đều có cảm nhận, suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực về hành động của một ai đó. Con người cũng luôn có nhiều mối quan hệ khác nhau nên họ luôn là đối tượng cho người khác đánh giá, đặc biệt khi là người nổi tiếng, việc có những Antifan (những người đối lập) là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, với việc các bạn trẻ buông những lời xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của một người khác, có thể các bạn chỉ nghĩ đơn giản là những bình luận đó sẽ không ai biết nên vô tư buông lời tục tĩu hoặc thậm chí bịa chuyện. Những người như vậy được cộng đồng mạng gọi là "anh hùng bàn phím". Những Antifan này không quan tâm đến việc các bình luận hay thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến đối tượng bị Antifan đưa vào tầm ngắm.
Cử chỉ, lời nói xúc phạm và bôi nhọ đó có ảnh hưởng lớn tới đối tượng bị đưa ra để chỉ trích, người nổi tiếng không chỉ phải chịu những tổn thất về mặt tinh thần mà còn cả về vật chất, khi chỉ một tin tức xấu về họ có thể gây thiệt hại về kinh tế nếu họ bị chấm dứt một Hợp đồng hợp tác, Hợp đồng quảng cáo hay một Show diễn nào đó. Những thiệt hại này là không thể đong đếm và rất khó để yêu cầu được bồi thường, khắc phục.
Những Antifan cũng như sự đối lập trong xã hội, sự đối lập tạo nên tính tích cực sẽ giúp những người không có năng lực hoặc năng lực thấp cố gắng, phấn đấu để được nổi tiếng như người mà họ đố kỵ, ganh ghét thậm chí là giỏi hơn chẳng hạn. Nhưng sự đối lập của các Antifan theo hướng tiêu cực sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho bất kỳ bên nào. Những Antifan sẽ phải đối mặt với chế tài nghiêm khắc của pháp luật hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
PV: Sự cạnh tranh để trở lên nổi tiếng hay là dùng cách nào đó để làm giảm uy tín của đối phương sẽ khó tránh khỏi trong ngành giải trí, vậy theo Luật sư nếu phát hiện 1 nghệ sĩ hoặc ai đó đứng sau kế hoạch dùng Antifan để tấn công đối thủ, thì hành vi đó sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Giáp Văn Đức: Thực tế, trường hợp một người đứng đằng sau để chỉ đạo người khác tấn công đối thủ bằng cách bôi nhọ danh dự nhân phẩm của họ thì cũng sẽ bị xử phạt về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc tội làm nhục người khác. Với hành vi này, các đối tượng trực tiếp có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh sự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, mức phạt cụ thể từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trường hợp này còn sử dụng mạng xã hội, thông tin điện tử để thực hiện hành vi, dó đó người vi phạm còn bị xử lý theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện tử. Theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo dẫn đến thiệt hại thực tế cho bị hại thì họ phải bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường tổn thất về tinh thần của người bị cung cấp/chia sẻ thông tin giả mạo làm ảnh hưởng
Về trách nhiệm hình sự, các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi hoặc người chỉ đạo đằng sau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 hoặc Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự. Theo Khoản 2 Điều luật này, người nào sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị phạt tù đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Người chỉ đạo sẽ là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc xảy ra nếu có.
PV: Mới đây, trường hợp ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi bị một tài khoản Facebook bình luận xúc phạm đến gia đình mình, vậy pháp luật có các chế tài nào để xử lý những hành vi xúc phạm trẻ vị thành niên? Có gì khác biệt với các đối tượng khác?
Luật sư Giáp Văn Đức: Về trường hợp này, tôi cho rằng người có bình luận ác ý trên đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trẻ em là một đối tượng yếu ớt, dễ bị ảnh hưởng, bị xâm phạm bởi những tác nhân xấu từ môi trường sống. Do đó, pháp luật nước ta đã có quy định riêng biệt dành cho trẻ em, đó là Luật trẻ em năm 2016. Theo đó, Luật trẻ em 2016 quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Thêm nữa, trong các văn bản pháp luật khác cũng có đan xen những quy định về bảo vệ quyền trẻ em nói chung.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em 2016, hành vi bạo lực với trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. Bạo lực ở đây Luật này cũng quy định, giải thích là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Theo Quy định tại Điểm c Khoản 2, Điều 27, Nghị định 144/2013, hành vi xâm phạm, gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em sẽ bị xử phạt đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, việc phạm tội đối với người dưới 16 tuổi cũng là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự 2015, do vậy đối tượng làm nhục người trẻ em, tức người dưới 16 tuổi sẽ bị xem xét trách nhiệm cao hơn so với đối tượng bị làm nhục là người trưởng thành.
PV: Với quy định về pháp luật hiện hành về vấn đề nêu trên, Luật sư có đề xuất gì không?
Luật sư Giáp Văn Đức: Như đã nói ở trên đối với hành vi sử dụng/phát ngôn xúc phạm người khác trên không gian mạng sẽ bị xử lý theo các quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tuy nhiên, tôi cho rằng các quy định trong Nghị định vẫn chưa thực sự có hiệu quả, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật liên quan không suy giảm mà ngày một tăng. Cần phải tăng chế tài xử phạt, kể cả chế tài hành chính lẫn hình sự đối với các hành vi lợi dụng mạng Internet để phạm tội nói chung, cũng như thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, bôi nhọ người khác nói riêng.
Đồng thời cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là người trẻ hiểu, nhận thức được tác hại tiêu cực của hành vi vu khống, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội và chế tài họ phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi này.
Cuối cùng, cần phải nhanh chóng thực hiện việc quản lý thông tin mạng một cách nghiêm túc, chặt chẽ theo những quy định mới của Luật an ninh mạng năm 2018, chỉ có như vậy tình trạng phạm tội thông qua môi trường mạng mới được hạn chế tốt nhất.
PV: Luật sư có thể tư vấn các biện pháp tham gia các hoạt động internet an toàn và đúng pháp luật?
Luật sư Giáp Văn Đức: Mỗi chúng ta cần phải có ý thức, trách nhiệm khi tham gia các hoạt động trên Internet. Việc nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này là một biện pháp rất tốt, chúng ta vừa có thể tránh được những hành vi vi phạm pháp luật mà còn có thể tự bảo vệ mình trước những thông tin, hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình.
Biện pháp tiếp theo, đó là mỗi người cần có một định hướng, lập trường vững chắc, luôn tỉnh táo, đánh giá cẩn thận khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội. Sẽ là một "chiến sĩ" bảo vệ môi trường mạng lành mạnh khi mỗi người đều có ý thức chống lại các biểu hiện tiêu cực ở đó.
Chúng ta phải xây dựng những chiến lược truyền thông xã hội hiệu quả, khi việc truyền thông và định hướng đúng đắn thì con người sử dụng mạng cũng sẽ được tiếp nhận những thông tin "sạch" và có hành động đúng mực.
Cuối cùng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, không chỉ là sự quản lý thông tin lưu hành trên Internet mà còn phải quản lý người dùng trên Internet, tránh việc nặc danh chống phá, lan truyền những thông tin xấu, hành vi vi phạm pháp luật. Cần phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ và tăng tính răn đe cần thiết đối với những hành vi vi phạm pháp luật thông qua mạng Internet này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn