Áo dài là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt

10:01 | 26/06/2020;
Phát biểu tại Hội thảo "Áo dài: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc", PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt.

Hội thảo khoa học quốc gia do Bộ VHTT&DL phối hợp cùng Hội LHPNVN tổ chức ngày 26/6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). 

Hội thảo nhằm nhận diện, đánh giá về giá trị, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia nhận diện về cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa của tập quán mặc áo dài và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại.

Đặc biệt, kết quả Hội thảo là căn cứ quan trọng để góp phần xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũngmong muốn thông qua hội thảo sẽ tạo hiệu ứng lan toả trong giới văn hoá nghệ thuật cũng như hiệu quả tác động đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội…

Các tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ các chủ đề như: Lịch sử phát triển của Áo dài Việt Nam; Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của của áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hoá và biểu tượng của Áo dài Việt Nam cùng với đó là những tập quán liên quan đến trang phục áo dài Việt Nam; Nghiên cứu về sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thiết kế và cắt may áo dài; cộng đồng của trang phục áo dài: làng nghề may áo dài, nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang, nhà may, những người liên quan đến trình diễn thời trang, quảng bá áo dài… và bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trịnh Thu Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, đơn vị này phối hợp với Hội LHPNVN cùng các các bộ, ngành đang tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế trang phục áo dài và tuyên truyền, quảng bá áo dài một biểu tượng tôn vinh vẻ đẹp và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam ra thế giới.

Nhận diện đầy đủ giá trị áo dài qua hội thảo "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chia sẻ tầm quan trọng của hội thảo. Ảnh: D.H

Theo bà, nhận diện chính xác những giá trị bán nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của Quỹ này cô. 

Mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến di sản này cũng sẽ giúp cho chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Nhà nước Việt Nam.

Thông tin đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.

Nhận diện đầy đủ giá trị áo dài qua hội thảo "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" - Ảnh 2.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. Ảnh: D.H

Nếu như áo dài phụ nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt Nam, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn, tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.

"Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh xã hội đương đại" – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông, nét đặc trưng của Áo dài được thể hiện ở tính phổ cập của nó trong đời sống xã hội, trong các tầng lớp nhân dân: từ nhà giáo, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, người mẫu thời trang, cho tới các diễn viên, ca sĩ... thường sử dụng.

Áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Người ta có thể mặc áo dài trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau: đi học, đi làm, đi chơi, đi chùa, đi lễ nhà thờ, dự tiệc hay diện vào các dịp lễ Tết cổ truyền, tham gia các sự kiện văn hóa - xã hội quan trọng Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.

Trang phục áo dài là sản phẩm mang tính xã hội cao. Áo dài chính là thành quả lao động, sáng tạo của các nghệ nhân, những người sáng tạo, thiết kế và sản xuất ra chúng; qua nhiều khâu như: trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, may đo, thêu vẽ các hoa văn trang trí, kết hợp các ý tưởng sáng tạo để phản ánh vẻ đẹp, bộc lộ nét tâm hồn, tính cách và nhân sinh quan của người Việt Nam.

Nhận diện đầy đủ giá trị áo dài qua hội thảo "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" - Ảnh 3.

Hội thảo thu hút nhiều diễn giả là nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thiết kế thời trang... tham dự. Ảnh: D.H

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, dù nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định Áo dài là "quốc phục" Việt Nam, nhưng từ lâu nay nó đã được đa số nhân dân mặc định là "Áo dài dân tộc" hay "Trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam".

"Đáng tiếc là bên cạnh sự phổ biến của chiếc Áo dài, hiện nay vẫn còn một số người chưa hiểu đúng về lịch sử văn hóa, giá trị của Áo dài, cũng như những tập quán sử dụng chúng. Không phải ai cũng biết tường tận về nguồn gốc, những biến đổi của trang phục Áo dài cùng quá trình hình thành nét văn hóa đặc sắc, mang tính biểu tượng cho trang phục của Việt Nam" – ông nhìn nhận.

Từ những cơ sở trên, Hội thảo khoa họa quốc gia "Áo dài: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" sẽ có những đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức của chúng ta về giá trị của trang phục Áo dài, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của Áo dài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân, cũng như góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn