Áp dụng triệt để công nghệ số, mạng xã hội để tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội

07:00 | 17/07/2020;
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa tại buổi tọa đàm về thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TW về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội", diễn ra ngày 16/7 tại Quảng Ninh. Phó Chủ tịch nhấn mạnh hoạt động tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, phòng chống mua bán người cần có những chuyển biến để sát hơn và phù hợp với nhu cầu, điều kiện.

Ngày 16/7, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức buổi Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TW về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội và Chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội giai đoạn 2017 – 2020", tại tỉnh Quảng Ninh.

Chủ trì và phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết: Nghị quyết liên tịch 01 (NQLT01) đã được Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an ký từ năm 2002, trải qua 4 nhiệm kỳ thực hiện, mỗi giai đoạn lại có bổ sung thêm để nghị quyết này thực sự bám sát với thực tế đời sống, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ của cả 2 ngành.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, trong giai đoạn này, 2 ngành cũng tiến hành các khảo sát chuyên sâu để có đánh giá vừa định tính vừa định lượng về những kết quả thực hiện. Cụ thể như tổ chức hoạt động tọa đàm cùng các ngành liên quan; khảo sát, phỏng vấn sâu ở cấp cơ sở để đánh giá đầy đủ những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện và những kiến nghị đề xuất cho hoạt động trong thời gian tới…

Phát biểu tham luận, Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Qua 3 năm triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện công tác quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả. 

Với công tác phòng chống mua bán người, từ năm 2016 đến 2020, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ, 44 đối tượng phạm tội, 32 nạn nhân bị mua bán. Lực lượng công an đã giải cứu được 31 nạn nhân và tiếp nhận 147 nạn nhân được giải thoát.

Áp dụng triệt để công nghệ số, mạng xã hội để tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội - Ảnh 1.

Đại biểu tham luận tại buổi tọa đàm

Với công tác phòng chống ma túy, trong giai đoạn này toàn tỉnh xảy ra hơn 2.500 vụ với hơn 4.700 đối tượng. Công an các địa phương đưa 444 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, vận động hơn 2 ngàn đối tượng đi cai nghiện tự nguyện…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả phối hợp 2 bên, Thượng tá Nguyễn Thuận kiến nghị TƯ Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an tiếp tục ký kết, triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2025; thường xuyên sơ kết, tổng kết kế hoạch để rút kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện chương trình phối hợp.

Lãnh đạo Công an Quảng Ninh cũng đề xuất, cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan. Việc xây dựng nội dung chương trình phối hợp phải cụ thể, rõ việc, lựa chọn một số việc phù hợp với nội dung chủ yếu từng giai đoạn, thời kỳ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu ngành Công an, LĐ-TB&XH, MTTQ, Hội Phụ nữ các cấp… tập trung trao đổi, thảo luận các hoạt động phòng chống tội phạm liên quan tới ma túy, mại dâm, mua bán người trên địa bàn. Đồng thời đưa ra các đánh giá trách nhiệm của 2 ngành trong thực hiện NQLT01 trên từng địa bàn ở các mảng như: Công tác tuyên truyền, triển khai các cuộc vận động, xây dựng các mô hình…

Các đại biểu từ các ngành cũng nêu lên những dự báo tình hình tội phạm; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất những hoạt động cần ưu tiên, đẩy mạnh hơn từ cấp cơ sở để thực hiện NQLT01 được tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Qua các ý kiến phát biểu này, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa khẳng định: Với địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các cấp các ngành, đặc biệt là Công an và Hội LHPN đã triển khai trong hệ thống từ tỉnh xuống cơ sở đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều mô hình và các hoạt động và phong trào thi đua cụ thể tại địa phương mà có tác động thúc đẩy phong trào Bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng Nông thông mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho rằng, hoạt động tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, phòng chống mua bán người cần có những chuyển biến để sát hơn và phù hợp với nhu cầu, điều kiện cũng như bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là việc áp dụng triệt để công nghệ số, tận dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Sử dụng hình thức tuyên truyền hẫp dẫn người dân nhiều hơn.

Cùng với đó, tăng cường hơn sự phối hợp của các cấp các ngành trong hệ thống chính trị cho hoạt động này, không chỉ riêng Công an và Hội LHPN mà còn liên quan tới các ngành, cụ thể như: Ngành văn hóa quản lý nhà nước về gia đình; ngành giáo dục, gia đình và cộng đồng liên quan tới giáo dục học sinh...

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cũng nhấn mạnh việc rà soát lại toàn bộ các mô hình để lựa chọn các mô hình thiết thực, hiệu quả để tiếp tục duy trì, phát triển để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình này trong thời gian tới.

Áp dụng triệt để công nghệ số, mạng xã hội để tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa dẫn đầu Đoàn cán bộ Hội đến thăm gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

* Trong chương trình cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà và động viên một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt tại phương Hà Lầm, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), trong đó có phụ nữ đã chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, nỗ lực vượt qua khó khăn kinh tế, xóa bỏ mặc cảm để làm lại cuộc đời...

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội phụ nữ đã xây dựng được các mô hình liên quan đến chủ đề phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy, mua bán người như: Các CLB phòng chống tệ nạn xã hội với 12 CLB 532 thành viên; 11 CLB sống khỏe cho trẻ em ngoài trường học với 385 trẻ tại Móng Cái, Hạ Long, Hải Hà và Quảng Yên.

Các cơ sở Hội phối hợp với Công an và các ngành xây dựng 97 mô hình "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và TNXH" với 3.500 thành viên; 43 mô hình Quản lý, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn