Áp lực cho con vào trường tốt ám ảnh các gia đình Trung Quốc

08:57 | 02/07/2021;
Bất chấp chi phí giáo dục đắt đỏ, nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc vẫn đầu tư cho con cái học tập với kỳ vọng con đạt thành tích học tập cao, vào trường tốt để có địa vị xã hội trong tương lai.

Mới đây, giáo sư Zhang Xiaoqiang từ Đại học Trùng Khánh ở miền tây Trung Quốc bổng nổi tiếng chỉ sau một đêm. Được biết, lý do không phải từ thành tích học tập mà vì ông đã chia sẻ cảm giác bất lực của mình khi tìm cách giúp con gái đạt thành tích học tập tốt.

Theo đó, vị giáo sư này viết: "Mặc dù tôi đã dạy kèm cho hơn 70 sinh viên sau đại học, tôi vẫn hoàn toàn không biết làm thế nào để dạy con gái học cấp hai của mình".

Nhận xét này đã khiến nhiều bậc phụ huynh trên khắp Trung Quốc xôn xao, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ở quốc gia này ngày càng lo lắng và thúc đẩy con cái học hành chăm chỉ để có được một suất vào trường trung học và đại học tốt.

Không sinh thêm con vì tiền học thêm quá cao

Cô Wang Nan, người Thượng Hải cho con trai bảy tuổi học thêm 5 lớp học sau giờ học mỗi tuần. Cô cho biết có rất nhiều áp lực đối với con nhưng lo sợ cậu bé học không bằng bạn bằng bè vì tất cả các bạn cùng trang lứa đều học thêm đủ mọi thứ. Chưa kể, cô dành gần một nửa tiền lương cho các khóa học thêm của con và đã bỏ kế hoạch sinh con thứ hai.

Trung Quốc: Cha mẹ, học sinh áp lực vì muốn vào trường tốt - Ảnh 1.

Hệ thống giáo dục của Trung Quốc hầu như chỉ hướng tới kết quả kiểm tra hơn là các kết quả học tập khác. Ảnh: Weibo

Sự lo lắng này của bậc phụ huynh không chỉ gây áp lực lớn lên con cái, dẫn đến các vấn đề về thể chất và tâm lý, mà còn góp phần khiến nhiều gia đình ngại sinh thêm con mặc dù nhiều chính sách thúc đẩy dân số của chính phủ, các chuyên gia và phụ huynh cho biết.

Wang nói: "Tôi luôn muốn có một cô con gái. Nhưng có vẻ như mọi thứ không cho phép tôi thực hiện điều đó. Người Trung Quốc thường nói rằng sinh thêm con chỉ là thêm một đôi đũa trên bàn ăn, nhưng hiện tại, điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải kiếm tiền gấp ba, thậm chí nhiều hơn số tiền mà vợ chồng tôi đang kiếm được", cô nói.

Chưa kể, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh coi việc cho con đi học thêm sớm là điều nên làm. Li Xiaoxu, mẹ của một bé gái 5 tuổi ở Thượng Hải cho biết: "Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về những gì phải chuẩn bị cho con mình trước khi vào tiểu học. Nhiều trường học vẫn cho rằng học sinh mới vào lớp một phải có các kỹ năng toán học cơ bản hoặc học bính âm (hệ thống phiên âm của Trung Quốc) trước khi bắt đầu học tiểu học".

Cấm học thêm, công khai điểm của học sinh

Quan ngại về việc học hành của trẻ em đã khiến chính quyền trung ương có những bước đi mới nhằm giúp xoa dịu các bậc phụ huynh, từ việc cấm học thêm ngoài giờ đến cấm các trường công khai điểm của học sinh.

Mới đây, Bộ giáo dục Trung Quốc đã thành lập một bộ phận mới để giám sát lĩnh vực dạy thêm đang trên đà phát triển mạnh. Nhiều nơi cung cấp các lớp học thêm ngoài giờ cho số lượng lớn học sinh Trung Quốc từ mẫu giáo đến trung học.

Bộ này đã tuyên bố sẽ giảm bớt gánh nặng cho học sinh cả ở trường và ở nhà, đồng thời thông báo trên trang web rằng Phòng Giáo dục và Đào tạo Ngoài trường mới được thành lập sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm cho vấn đề này. Ngoài ra, quy định mới cấm trường học và giáo viên công khai điểm và xếp hạng của học sinh cũng được đưa ra.

Các trường học được yêu cầu thông báo thông tin này với học sinh và phụ huynh đông thời không công khai kết quả tốt nghiệp của học sinh, theo Quy định về Bảo vệ trẻ vị thành niên tại trường có hiệu lực từ tháng 9 năm nay.

Theo đó, các biện pháp mới nhằm chuyển hướng phụ huynh và giáo viên tránh việc quá chú trọng vào kết quả kỳ thi.

Thành tích học tập, kỳ vọng từ cha mẹ và vấn đề việc làm

Tuy nhiên, theo bà Zhou Guping, một giáo sư giáo dục tại Đại học Chiết Giang cho biết những biện pháp này sẽ không hiệu quả khi học sinh vẫn được tuyển chọn thông qua các kỳ thi khi vào trường trung học và đại học. Ngoài ra, khi xin việc làm ứng viên vẫn bị đánh giá chủ yếu dựa trên kết quả học tập.

Bà Zhou cho biết đánh giá về kết quả học tập trong vấn đề xin việc làm là yếu tố quan trọng nhất khiến nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc lo lắng.

"Chúng ta luôn nói rằng mọi ngành nghề đều có điểm mạnh riêng. Nhưng trên thực tế, điều đó không đúng", bà nói và giải thích: "Người lao động chân tay được trả lương thấp hơn nhiều so với những người làm công việc văn phòng. Do đó không ai muốn con mình học trường nghề".

Một lý do khác là sự củng cố giai cấp xã hội. Bà Zhou nói thêm: "Nhiều bậc cha mẹ, chủ yếu là tầng lớp trung lưu lo lắng rằng con cái sẽ có địa vị xã hội thấp hơn mình, do đó họ tìm cách để thay đổi điều đó".

Zhang, một phụ huynh đồng thời là giáo sư người Trùng Khánh là một ví dụ điển hình. "Tôi từng nghĩ rằng tôi phải giáo dục con mình tốt hơn mẹ tôi, người chỉ học đến tiểu học. Nhưng sau đó, tôi nhận ra không phải như thế", Zhang nhớ lại khi chia sẻ hành trình nuôi dạy con cái của mình trên ứng dụng phát trực tiếp Douyin (nền tảng TikTok của Trung Quốc) trong tuần này.

Ông nói: "Sau này, tôi nhận ra rằng các bậc cha mẹ có bằng cấp cao thường có xu hướng cố chấp, họ cho rằng con cái cũng nên có thành công như họ và thậm chí đặt kỳ vọng cao hơn".

Trung Quốc: Cha mẹ, học sinh áp lực vì muốn vào trường tốt - Ảnh 2.

Phụ huynh ngày càng lo lắng về chi phí sống ở các quận có trường học tốt. Ảnh: Xinhua

Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, cho rằng giải pháp cuối cùng là phải đa dạng hóa các phương thức đánh giá cho học sinh và tìm cách giúp cho việc phân bổ các nguồn lực giáo dục cân bằng hơn.

Ông nói: "Mọi người đang cạnh tranh gay gắt để được học các trường top đầu bởi vì giữa các trường đang có khoảng cách lớn".

Trong nhiều năm, chính phủ trung ương đã nhận thức được vấn đề này. Kể từ năm 2013, bên cạnh việc cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học, chính phủ bắt đầu thúc đẩy chính quyền địa phương cân bằng nguồn lực giữa tất cả các trường cấp quận.

Vào năm 2019, hơn 90% tất cả các quận tuyên bố đã đạt được mục tiêu này, nhưng các bậc phụ huynh vẫn hoài nghi về tính xác thực của nó.

Wang, một bà mẹ ở Thượng Hải đã bật cười trước gợi ý rằng hầu hết các trường học hiện nay đều bình đẳng. "Điều này nghe có vẻ vô lý. Nếu tất cả các trường đều có chất lượng như nhau thì tại sao nhiều phụ huynh vẫn loay hoay tìm mua đất ở những khu trường tốt".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn