1 tháng sau sinh, Kait phải vừa chăm con nhỏ vừa lo cho cha mẹ già mắc chứng mất trí nhớ. Một số ngày, Kait thuê người giúp việc theo giờ đến phụ giúp. Đến tối, chồng Kait, Tarmin, thay cô làm việc nhà để Kait làm công việc của mình - nhuộm tóc cho khách hàng. Kait và Tamrin đã trì hoãn kết hôn khi cha của Kait chuyển đến sống chung vài năm trước, rồi đến mẹ cô vào năm nay.
Ngày càng nhiều người Mỹ đang gánh trên vai trách nhiệm kép: Chăm sóc con cái và chăm sóc cha mẹ già. Thống kê cho thấy, Mỹ hiện có ít nhất 11 triệu người thuộc "thế hệ bánh mì kẹp".
Thay đổi về nhân khẩu học, chi phí sinh hoạt và công việc đang khiến việc thực hiện trách nhiệm này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhiều người có con muộn hơn và sống lâu hơn, dẫn đến các bệnh lý phức tạp như mất trí nhớ, đòi hỏi chăm sóc chuyên sâu.
Điều này khiến nhiều người bị kẹp giữa hai thế hệ lâu hơn so với trước đây. Áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp và chất lượng cuộc sống của "thế hệ bánh mì kẹp" mà còn tác động tới toàn xã hội.
Phân tích của Steph Wagner, Giám đốc quốc gia về phụ nữ và tài sản tại Northern Trust Wealth Management, chỉ ra rằng người ngoài 40 tuổi nếu đóng góp 1.500 USD/tháng trong 5 năm để hỗ trợ cha mẹ già có thể mất hơn 1 triệu USD trong khoản tiết kiệm hưu trí.
Nhà chiến lược nhân khẩu học Bradley Schurman lưu ý rằng, chi phí cao để duy trì tuổi thọ có thể buộc nhiều người trung niên, đặc biệt là phụ nữ, phải rời lực lượng lao động để chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Bradley cảnh báo xu hướng này gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế Mỹ.
Hồ sơ người chăm sóc của "thế hệ bánh mì kẹp" đã thay đổi. Trước đây, điển hình của đối tượng này là phụ nữ ở độ tuổi cuối 40. Tuy nhiên, báo cáo của Hiệp hội Người về hưu Mỹ (AARP) năm 2023 cho thấy, độ tuổi trung bình của những người chăm sóc hiện là 44 và ngày càng có nhiều "Gen Z" đảm nhận vai trò này.
Diana Fuller, 49 tuổi, chia sẻ rằng việc chăm sóc người mẹ 83 tuổi trong suốt 4 năm qua khiến cô chịu không ít áp lực. Dù bà đang sống tại một trung tâm chăm sóc gần nhà tại Charlotte, Bắc Carolina, với chi phí 10.000 USD/tháng (bảo hiểm chăm sóc dài hạn chi trả 75%; phần còn lại được trả từ tiền tiết kiệm của mẹ cô), Diana vẫn cảm thấy căng thẳng.
Diana đã phải gác lại các mục tiêu cá nhân, đồng thời bỏ lỡ không ít khoảnh khắc quý giá của gia đình, như buổi hòa nhạc của con trai vào năm ngoái do mẹ nhập viện.
Gánh nặng tài chính cũng là thách thức lớn đối với "thế hệ bánh mì kẹp". Khảo sát cho thấy, 60% gia đình ở Mỹ đã phải chi hơn 20% thu nhập để chăm sóc con cái vào năm ngoái, trong khi chi phí thuê trợ lý chăm sóc sức khỏe tại nhà tăng 10%, lên mức 75.500 USD/năm.
Nhiều người chăm sóc, như Diana, phải hy sinh sự ổn định tài chính cá nhân để lo cho con cái và cha mẹ già, khiến họ đối mặt với rủi ro về an toàn tài chính khi đến tuổi nghỉ hưu.
Nhiều người thuộc "thế hệ bánh mì kẹp" thường cảm thấy phân vân giữa nhu cầu của con cái và cha mẹ. Liam Davitt, một chuyên gia quan hệ công chúng và vợ anh, Lisa Fels Davitt, gần đây đã chuyển từ căn hộ chung cư ở Washington, DC, đến vùng ngoại ô New Jersey để cậu con trai 7 tuổi có thể ở gần anh chị em họ hơn và được học tại một trường công tốt.
Tuy nhiên, chuyển nhà cũng đồng nghĩa với việc gia đình Liam phải sống xa người mẹ năm nay 84 tuổi. Khoảng cách khiến những việc hỗ trợ bà trở nên phức tạp. Gần đây, Liam đã phải nhờ một người bạn trong hội sinh viên giúp mẹ anh lắp một chiếc xe đẩy mới.
Để đảm bảo sức khỏe cho việc chăm sóc gia đình, Liam ưu tiên tập thể dục và khám sức khỏe định kỳ vì không muốn gia đình lại phải thêm gánh nặng. "Nếu chẳng may bị chấn thương, tôi sẽ trở thành gánh nặng cho cả nhà", anh chia sẻ.
Gia đình của Kait ở Georgia đã có những điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống mới. Với đứa con mới sinh, Kait càng thêm bận rộn, vì vậy, gia đình đã lắp camera và chuông cửa để tiện theo dõi cha mẹ già.
Kait và chồng chưa xác định khi nào sẽ sinh thêm con, vì điều này đòi hỏi thêm chi phí để thuê người hỗ trợ. "Chúng tôi có thể phải đợi. Chúng tôi đang tập trung lo cho cuộc sống hiện tại", Kait cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn