Sáng 15/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là chương trình phổ thông và bộ sách giáo khoa mới. Đại biểu Cao Đình Thưởng nhìn nhận, hiện nay sách giáo khoa còn nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm khiến học sinh cảm thấy áp lực nặng nề. Nguyên nhân lớn nhất theo đại biểu chính là do tư duy xây dựng chương trình “phức tạp hóa các vấn đề đơn giản”.
“Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết, học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông, chúng ta đang hàn lâm hóa kiến thức đó. Những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp cho nên học sinh khó tiếp thu”, đại biểu Thưởng dẫn chứng.
Đại biểu này cũng cho rằng, phụ huynh đang tạo ra áp lực nặng nề đối với trẻ. Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào óc trẻ, làm việc học tập trở thành áp lực quá lớn khiến trẻ sợ học, chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình thành con người ta, giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ.
Một dẫn chứng nữa được ông Cao Đình Thưởng đưa ra là, liệu có ai trả lời được câu hỏi đã có mấy học sinh giỏi quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn? Cần hiểu rằng trong một lớp, một trường chỉ có một em trở thành nhà văn, một em trở thành nghệ sỹ, một em là vận động viên chứ không phải là tất cả.
Do đó, thay vì nhồi nhét trẻ học, hãy định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất, theo ông. “Không thể bắt trẻ học để trở thành ông nọ bà kia khi các cháu không thích, không đủ năng lực” – ông nhấn mạnh.
Để khắc phục những tồn tại của chương trình đào tạo, Đại biểu Cao Đình Thưởng đề xuất phát động một cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông để chương trình sách giáo khoa không bị hàn lâm, giáo sư hóa, tiến sỹ hóa.
Ông cũng cho rằng, không nên cho phép quá nhiều bộ sách giáo khoa mà chỉ có 1 bộ và nhiều tài liệu tham khảo. Bởi nếu có quá nhiều bộ sách giáo khoa thì khó quản lý, lựa chọn, dễ khiến “loạn sách giáo khoa” gây ra hậu quả khôn lường.
Theo đại biểu, cần chú trọng phát triển kỹ năng, năng lực cho học sinh. Về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị cần kiểm định chặt chẽ, nội dung tinh gọn, hiện đại, hội nhập, không hàn lâm hóa.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 01 chương, 01 mục và 07 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng 01 chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Một số chính sách mới trong dự thảo Luật này gồm: Nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; Cùng với đó là các quy định về các loại hình cơ sở giáo dục; về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về chính sách tín dụng sư phạm; về chính sách cử tuyển; về phổ cập giáo dục; về giáo dục hòa nhập; về chính sách tiền lương đối với nhà giáo; quản lý nhà nước về giáo dục; về quản trị của cơ sở giáo dục; Về đầu tư, tài chính trong giáo dục; thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; Về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông |