Khoảng hơn 10 ngày nữa là được nghỉ Tết, thời điểm này nhân viên văn phòng đến công ty sẽ có rất nhiều tâm trạng khác nhau. Người bận bù đầu vì khối lượng công việc càng gần Tết càng nhiều, người lại chỉ nhanh nhanh chóng chóng lo sắm Tết, mong được nghỉ sớm để về cùng gia đình. Chưa kể, lương tháng 13 hay các khoản thưởng Tết cũng luôn là chủ đề được quan tâm nhất lúc này. Thế nhưng không chỉ nhân viên, cả những người làm sếp, quản lý cũng có những nỗi niềm riêng vào ngày cận Tết.
Thu Trà (29 tuổi) hiện đang làm Quản lý dự án cho biết, thời điểm cận Tết thường sẽ rất bận rộn khi vừa phải tổng kết các công việc, chốt sổ dự án lại vừa phải giải quyết, đốc thúc nhân sự hoàn thành KPI. Ngoài ra, một điều khiến Thu Trà cảm thấy áp lực đó là đánh giá lại kết quả công việc, năng lực của các thành viên trong team để đề xuất giải thưởng cuối năm.
“Đánh giá theo tiêu chí nào, làm thế nào để khách quan nhất, thưởng đúng người đúng việc,... cũng là điều khá áp lực. Đồng thời mình phải báo cáo tổng kết lên cấp trên và vạch ra định hướng, mục tiêu cho năm sau. Do vậy cần rất nhiều thời gian để suy nghĩ sao cho phù hợp và làm hài lòng cấp trên nhưng cũng không khiến các thành viên trong team cảm thấy căng thẳng, kiệt sức”, Thu Trà chia sẻ.
Cùng mang tâm trạng này, Ngọc Sơn (25 tuổi) hiện đang làm Phó chi nhánh văn phòng của một công ty bảo hiểm cũng bày tỏ, thời gian làm việc những ngày cận Tết bị hạn chế do đó các đầu việc cần xử lý sẽ tăng lên trong ngày.
Ngọc Sơn chia sẻ: “Bản thân mình thời điểm này cũng đang chịu khá nhiều áp lực, từ việc đánh giá lại hiệu suất làm việc của bản thân, của team trong năm cũ, vừa phải đảm bảo tiến độ, mục tiêu kinh doanh của tháng, vừa chuẩn bị các kế hoạch, mục tiêu, nhân sự cho hành trình 2023 sắp tới… Rất nhiều công việc mà mình phải đảm nhận và hoàn thành trước Tết nên đôi khi cũng thấy sợ khoảng thời gian này”.
Còn đối với chị Ngọc Ánh - Giám đốc Marketing cho hay không ai muốn ăn Tết với một tâm lý nặng nề khi công việc dang dở nên các hoạt động tổng kết hay đề ra kế hoạch chắc chắn là những điều bắt buộc phải hoàn thiện.
“Mình hay gọi đây là ‘dọn nhà đón Tết’ nhưng là đối với công việc. Bản thân mình là một quản lý cấp trung nên mình có cả áp lực từ việc làm sếp và cả áp lực làm nhân viên. Hay nói cách khác, mình là người đứng giữa để cân bằng mọi thứ. Với cấp trên mình phải tổng hợp báo cáo nội bộ, báo cáo thị trường để đưa ra đề xuất cụ thể. Phải giải trình hết những KPI đã đạt và chưa đạt. Đấy là chưa tính đến trường hợp, những đề xuất không được sếp duyệt có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc của mình”, Ngọc Ánh giãi bày.
Cũng đều có xuất phát điểm từ vị trí nhân viên rồi lên quản lý, hầu hết mọi người đều cho rằng những tâm lý tận hưởng trước kì nghỉ Tết là lẽ thường tình. Do vậy bất cứ doanh nghiệp, công ty hay người làm sếp, quản lý nào cũng phải đối mặt và đưa ra cách giải quyết hợp lý khi nhân viên đi làm nhưng không tập trung công việc mà chỉ nghĩ về nghỉ Tết.
Chị Ngọc Ánh cho hay, bản thân luôn suy nghĩ cách làm thế nào để biến kì nghỉ Tết thành động lực làm việc. Theo đó, chị sẽ cùng team đi chơi, thư giãn, nạp năng lượng và đưa ra phương án để cùng nhau về đích. Còn nếu nhân sự nào vẫn không thoát được tâm lý trước Tết, gây ra trì trệ công việc, buộc người quản lý sẽ phải nghĩ đến phương án thay thế.
Trong lĩnh vực kinh doanh của Ngọc Sơn lại có phần khác biệt, anh quyết định trở thành người đồng hành cùng các thành viên trong team thay vì phân biệt cấp trên, cấp dưới. Anh cho hay: “Trước đây, mình cũng từng có tâm lý sắp nghỉ Tết nên lười làm việc, cứ để mọi thứ qua lễ rồi bắt đầu lại. Tuy nhiên điều này khiến mình bị tụt lại, ra Tết phải xử lý việc nhiều hơn còn dễ căng thẳng và chán nản. Vì vậy, mình chia sẻ lại kinh nghiệm cá nhân với nhân viên, tạo động lực cùng họ cố gắng để không bị lơ là, mất tập trung”.
Còn Thu Trà thì ngược lại, cô cảm thấy mình khá may mắn khi nhân viên lại chủ động tăng năng suất để hoàn thành kịp tiến độ trước Tết. Bởi hầu hết mọi người đều hiểu rằng nếu không làm, khối lượng công việc vẫn còn đó và bắt buộc phải giải quyết, đôi khi còn phải tăng ca ngay trong ngày nghỉ Tết nếu như chưa hoàn thiện.
“Trước mỗi kì nghỉ dài, mình thường thông báo từ sớm và vạch ra các đầu việc cũng như deadline mà team cần hoàn thành. Như vậy, mọi người sẽ tự sắp xếp kế hoạch để việc nghỉ lễ không ảnh hưởng đến công việc. Do có sự chuẩn bị trước nên team mình cũng tránh được việc để dồn deadline”, Thu Trà nói.
Những người làm sếp, làm quản lý đều công nhận “sợ” những ngày cuối năm nhưng đôi khi quen với cảm xúc này rồi lại thấy mọi chuyện không quá tệ. “Nếu nhân sự không hoàn thành đủ KPI thì chắc chắn sẽ là nỗi sợ, nhưng nếu mọi người làm tốt thì là niềm vui. Hơn nữa, cuối năm cũng là lúc sắp có thưởng nên tất cả đều muốn cố gắng hơn”, Thu Trà nói thêm.
Chuyện lương, thưởng luôn là vấn đề nhạy cảm nhưng lại được rất nhiều người đi làm quan tâm. Đối với các sếp hay người làm quản lý, bản thân họ cũng rất mong chờ thưởng Tết cao bởi đó là thành quả xứng đáng trong suốt 1 năm làm việc. Do vậy tuy hiểu tâm lý chung nhưng đứng dưới góc độ người quản lý, họ không đánh giá cao những người làm ít lại mong thưởng nhiều trong công việc.
Thu Trà bày tỏ: “Muốn có tiền thưởng thì công ty phải có lợi nhuận. Lợi nhuận lại đến từ kết quả công việc của tất cả nhân viên trong công ty. Nên nếu làm không tốt thì cũng không có nhiều lợi nhuận để thưởng cao”.
Ngoài ra, cô cũng cho biết chuyện thưởng Tết sao cho phù hợp sẽ tuỳ theo chính sách của các công ty. Có công ty sẽ thưởng mỗi người như nhau, có nơi sẽ thưởng theo KPI thực tế làm việc. Đối với cá nhân Thu Trà, cô nghĩ rằng mỗi nhân viên nên có thêm lương tháng thứ 13, phần thưởng Tết sẽ quyết định dựa theo kết quả công việc thực tế, như vậy vừa công bằng mà vừa đủ và đúng với từng người.
Về phía chị Ngọc Ánh, chị cũng có những thứ tự sắp xếp tính ưu tiên trong các tiêu chí lương, thưởng. Theo đó, ưu tiên đầu tiên của chị sẽ là năng lực và tài chính hiện tại cũng như trong thời gian ngắn hạn của công ty. Thứ 2 là định hướng về phát triển của công ty và nhân viên và cuối cùng mới là kết quả của nhân viên theo KPI đã được đặt ra.
Sau khi cân nhắc các yếu tố này lần lượt cho từng bộ phận và cá nhân, chị Ánh mới lựa chọn phương thức thưởng phù hợp. “Mình quan niệm giá trị của một người đi làm được cấu thành từ rất nhiều yếu tố khác nhau: thái độ, trình độ, và định hướng phát triển. Một khi cá nhân đủ hiểu và thấu về định hướng phát triển của bản thân cùng doanh nghiệp mà mình đang gắn bó, hoặc một khi doanh nghiệp nhận diện được người nhân viên phù hợp cho những chặng đường phía trước thì vấn đề lương, thưởng sẽ thực sự chặt chẽ và đúng hơn”, chị Ngọc Ánh chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn