Vào tháng 11/2018, chị Dương Thị Thắm (26 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) sinh con trai đầu lòng khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình. Khi con được 15 ngày tuổi, chị Thắm bị tắc tuyến sữa kéo dài. Đi khám, bác sĩ nói chị bị áp xe ngực nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng huyết. 7 tiếng sau khi nằm tại một bệnh viện ở Bình Dương, chị Thắm được chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ cho biết, bệnh nhân Thắm nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đang sốc, tình hình nhiễm trùng rất nặng, bị áp xe vú.
Bệnh nhân được thở máy, lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực. Đến ngày thứ 11 của quá trình điều trị thì tay, chân bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử dần dần. Sau đó vì không thể cứu vãn, các bác sĩ buộc phải cắt cụt tứ chi, loại bỏ phần hoại tử, dùng thuốc khống chế tình trạng nhiễm trùng.
Theo PGS.TS Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nguyên nhân chính của áp xe vú ở phụ nữ mới sinh là do tắc tuyến sữa. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ cho con bú vì sữa mẹ có thể gây nứt núm vú, tạo điều kiện cho phép vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vú. Áp xe vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, có ngực lớn hoặc người ít vệ sinh cá nhân. Trong trường hợp hiếm gặp, viêm vú và áp xe vú có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, áp xe vú phổ biến nhất là do nhiễm trùng vi khuẩn.
Áp xe vú do tắc sữa là vì sữa tắc sẽ tạo thành hòn cục trong ngực. Có những trường hợp bà mẹ không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ không bú hết... cũng có thể dẫn đến áp xe vú. Nếu không vắt bỏ sữa thừa, sữa ứ lại trong bầu vú sẽ lắng cặn, làm tắc tuyến sữa, dẫn đến áp xe vú. Sữa là môi trường giàu chất dinh dưỡng nên sau khi tắc sữa, vi khuẩn phát triển rất nhanh và hóa mủ, dễ gây nhiễm trùng dẫn đến biến chứng nặng.
Tuy là chứng bệnh khá phổ biến nhưng nhiều chuyên gia y tế cho rằng, áp xe vú thường dẫn đến hậu quả là làm bà mẹ đau, mất nguồn sữa cho con bú chứ không nguy hiểm đến mức chết người hay cắt cụt tứ chi. Việc bệnh nhân bị hoại tử tứ chi nặng có thể còn do mắc những bệnh lý kèm theo như suy van tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, tăng đông, huyết khối tĩnh mạch. Các bệnh này có thể gặp ở phụ nữ sinh xong nằm một chỗ mà không vận động.
Để phòng nguy cơ bị áp xe vú, TS Vũ Bá Quyết cho rằng, sản phụ cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể, đặc biệt là vết mổ, “vùng kín”… Với phụ nữ cho con bú, cần luôn vệ sinh phần ngực sạch sẽ, nhất là phần đầu vú. Trước khi cho bé bú, các bà mẹ cần lau sạch đầu vú, vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi rồi hãy cho bé bú. Sau đó, lau sạch đầu vú khi bé đã bú xong.
Các bà mẹ cần cho bé bú thường xuyên. Bé bú không hết thì hút/vắt sữa ra cất trữ trong tủ lạnh cho thông thoáng ngực, kích thích tạo sữa mới chứ không giữ lại trong ngực. Nếu bị tắc tia sữa sau khi sinh con mà đã cho trẻ bú nhiều, dùng các biện pháp day ngực, vắt, hút sữa mà tình hình không được cải thiện, các bà mẹ cần đến gặp các bác sĩ để điều trị sớm, tránh để lâu dẫn đến bị áp xe vú. Còn khi thấy ngực sưng căng, đau tức cũng cần đi khám ngay vì rất có thể đã bị áp xe vú.
Dấu hiệu nhận biết bị áp xe vú Vùng vú bị áp xe lúc đầu sưng nóng đỏ, cứng và rất đau nhức kèm theo sốt và nổi hạch. Khi đã hóa mủ thì có vùng mềm (nếu mủ không được thoát ra ngoài sẽ đóng kén xung quanh và xơ hóa cứng). Nếu áp xe vú không được phát hiện, điều trị tích cực, triệt để sẽ tạo thành khối viêm mạn, dễ tái phát và vùng này, các tuyến sữa bị tổn tương không còn chức năng tiết sữa nữa, thậm chí có thể dẫn đến hoại tử. Các nhiễm trùng từ ổ áp xe vú cũng có thể lan sang các mạch máu đi toàn cơ thể dẫn đến các biến chứng nặng như nhiễm trùng huyết, suy thận. |