ASEAN+3 cam kết chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống Covid-19

19:37 | 14/04/2020;
Các nước ASEAN+3 đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân. Ngoài ra, cần hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chiều 14/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị cao cấp trực tuyến đặc biệt ASEAN + 3 về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hội nghị còn có sự tham dự của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus với tư cách khách mời.

ASEAN+3 cam kết chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cao cấp trực tuyến đặc biệt ASEAN + 3 về ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Các nhà lãnh đạo đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bàn các biện pháp cụ thể để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Các bên còn bàn đến việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của người dân, giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội do dịch Covid-19 gây ra và kế hoạch phục hồi sau khi dịch bệnh kết thúc. 

Các nước ASEAN+3 cam kết sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu dịch tễ và lâm sàng, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị vật tư y tế, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân. Ngoài ra, cần hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để ai bị bỏ lại phía sau.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị

Các nhà lãnh đạo cam kết duy trì thị trường mở, sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đa dạng hóa kết nối nguồn cung trong và ngoài khu vực. Mặt khác, các nước sẽ bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu. Ngoài ra, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị chính sách kịp thời ứng phó với các rủi ro suy thoái. Từ đó, tận dụng các cơ chế dự phòng đảm bảo ổn định kinh tế, tài chính, an ninh lương thực đã có của ASEAN+3 như Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp (APTERR).

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 về dịch bệnh Covid-19.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn