Audrey Hepburn - biểu tượng bất tử

14:59 | 19/07/2016;
Luôn được xem là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế kỷ XX, Audrey Hepburn không chỉ là một diễn viên điện ảnh huyền thoại của những thập niên 1950 -1960 mà còn nổi tiếng là người có trái tim thiện nguyện dành cho trẻ em nghèo trên thế giới.
Audrey Hepburn tên thật là Kathleen Ruston sinh ngày 4/5/1929 tại Brussels, Bỉ trong một gia đình quý tộc.

Cha cô là một bá tước người Anh, mẹ là nữ nam tước người Hà Lan. Năm 1935, cha mẹ Audrey ly hôn, Audrey phải sang Anh sống với cha một thời gian. Ở đây, cô bị gửi tới một trường nội trú và chịu đựng nền giáo dục hà khắc ở đây trong vòng 4 năm. Sau đó, cô quay trở lại Arnhem – một tỉnh lỵ nhỏ của Hà Lan sống với mẹ. Lúc đó Audrey mới 10 tuổi.
7.jpg
 Audrey Heburn chịu nhiều thiệt thòi ở thời thơ ấu.
Ở đây, cô bé Audrey được đến học tại Nhạc viện Arnhem và bắt đầu làm quen với nghệ thuật trình diễn. 6 năm tại đây, bên cạnh việc làm liên lạc viên cho lực lượng kháng chiến, Audrey còn đăng ký học múa cổ điển. Chiến tranh thế giới thứ II khiến toàn bộ tỉnh lỵ này bị tàn phá và Audrey phải chịu chung cảnh đói khát, thiếu thốn. 16 tuổi, cô vẫn bé tí, gày gò bởi suy sụp tinh thần và suy dinh dưỡng.

Sau đó, Audrey rời Arnhem và sang Amsterdam - Hà Lan tiếp tục học múa thêm 2 năm nữa rồi đến London (Anh). Tại đây, cô đã làm rất nhiều việc từ làm người mẫu, đóng quảng cáo cho tới những việc vặt khác với mong muốn được tiếp tục học múa để trở thành diễn viên ba lê. Tuy nhiên, do thể chất bị suy nhược và quá yếu nên Audrey đành phải từ giã giấc mơ và bắt đầu đến với điện ảnh vào năm 1948 bằng một vai diễn nhỏ. Cô cũng không ngần ngại đóng các tiết mục quảng cáo.

Năm 1951, trong một lần tham gia bộ phim "Monte Carlo Baby", cô may mắn lọt vào mắt xanh của nữ tiểu thuyết gia người Pháp Colette. Audrey được chọn vào vai chính trong vở kịch "Gigi" trên sân khấu Broadway. Thành công của vở kịch đã mở rộng cánh cửa để Audrey Hepburn vững tin bước vào Hollywood.
2.jpg
 Nhan sắc cuốn hút của Audrey Hepburn.
Năm 1953, đạo diễn William Wyler quyết định chọn Audrey vào vai công chúa Anna - vai diễn chính trong bộ phim hài lãng mạn "Roman Holiday" bất kể việc các nhà sản xuất muốn dành vai đó cho Elizabeth Taylor. Sau khi casting, William Wyler nói: "Cô ấy có tất cả những gì tôi tìm kiếm: Duyên dáng, ngây thơ và tài năng".

Bộ phim thành công vượt dự kiến. Audrey giành được giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ngoài ra là một giải Quả cầu vàng và một giải BAFTA (của Viện hàn lâm Anh), một giải nữa của Hội phê bình điện ảnh New York. Từ đây, vinh quang bắt đầu trải thảm dưới chân Audrey.

Năm 1961, cô xuất hiện trong bộ phim "Breakfast at Tifany’s". Bộ phim tuy không thành công về thương mại nhưng đã đưa Audrey Hepburn lên vị trí huyền thoại điện ảnh.

Bài hát "Moon River" do Audrey thể hiện trong phim đã được trao giải Oscar cho ca khúc xuất sắc nhất. Audrey cũng được đề cử giải nữ diễn viên xuất sắc nhất. Thập niên 60 của thế kỳ XX là những năm mà danh tiếng của Audrey Hepburn lên tới đỉnh điểm.
audrey-hepburn-ni-ting-vi-vai-din-trong-b-phim-kinh-in-breakfast-at-tiffanys.jpg
 Audrey Hepburn nổi tiếng với vai diễn trong bộ phim kinh điển  “Breakfast at Tiffany’s".
Là ngôi sao huyền thoại của điện ảnh của những thập niên 1950 và 1960, Audrey Hepburn còn tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng khác như như "Sabrina, "My Fair Lady"… và giành thêm những đề cử Oscar khác.

Trong suốt cuộc đời mình, Audrey Hepburn đã gặt hái được nhiều giải thưởng quan trọng. Bà là một trong số 9 người trên thế giới từng giành được cả 4 giải thưởng lớn là Emmy, Grammy, Oscar và Tony.
c-l-mt-trong-s-t-nhng-ngi-sao-ginh-c-gii-thng-oscar-emmy-grammy-v-tony.jpg
Năm 1999, Viện phim Hoa Kỳ đã xếp Audrey Hepburn đứng thứ 3 trong số 25 nữ diễn viên huyền thoại của danh sách 100 ngôi sao điện ảnh của Viện phim Mỹ, chỉ sau Katharine Hepburn và Bette Davis.

Không chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực điện ảnh, với phong cách riêng biệt, đẹp cả trên màn ảnh lẫn ngoài cuộc sống, Audrey Hepburn được xem như một biểu tượng lớn của thời trang. Audrey từng tạo nên những trào lưu mốt, ảnh hưởng tới cách ăn mặc của nữ giới.

Audrey đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho Hubert de Givenchy, nhà tạo mẫu nổi tiếng và cũng là bạn thân của bà.
khi-cn-tr-audrey-hepburn-c-coi-l-biu-tng-thi-trang-ca-n-gii.jpg
 Audrey được xem là biểu tượng thời trang của nữ giới một thời.
Năm 1967, ở tuổi 38, Audrey Hepburn, sau khi ly hôn người chồng đầu tiên, bà rút lui khỏi màn bạc. Năm 1988, Audrey Hepburn trở thành đại sứ thiện chí của UNICEF. Từ đó đến trước khi qua đời, bà trở thành một nhà hoạt động nhân đạo, đã thực hiện hơn 50 chuyến đi tới nhiều nước trên thế giới. Bà dành nhiều thời gian và công sức, tận tụy tham gia các chiến dịch thiện nguyện để quan tâm, giúp đỡ trẻ em ở những quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.

Trong chuyến đi đầu tiên cùng UNICEF tới Ethiopia, Audrey Hepburn đã chia sẻ: “Tôi đã đi tới một đất nước và thấy những bà mẹ cùng con của họ phải đi bộ 10 ngày, thậm chí là 3 tuần để tìm kiếm cái ăn, họ sống trên sa mạc, trong những lều lán tạm bợ, nơi họ có thể bị chết vì đủ loại lý do. Khái niệm “thế giới thứ 3” khiến tôi không tán thành, bởi chúng ta đều sống trong cùng một thế giới. Tôi muốn loài người biết rằng rất đông nhân loại của họ đang phải chịu đựng khốn khổ”.

Năm 1990, Audrey Hepburn đã tới Việt Nam để hỗ trợ UNICEF trong các chương trình về tiêm chủng và nước sạch.
4.jpg
 Những năm cuối đời, Audrey Hepburn dốc hết sức mình cho những hoạt động thiện nguyện.
Trong 5 năm cuối đời mình, Audrey Hepburn đã đến hơn 20 quốc gia để giúp đỡ những trẻ em gặp khó khăn. Bà là một trong những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng Hollywood đầu tiên tận tụy tham gia hoạt động thiện nguyện, tận dụng danh tiếng của mình để phục vụ công tác từ thiện.

Audrey Hepburn từng nói: “Tôi rất vui vì có một cái tên được nhiều người biết tới, bởi tôi có thể sử dụng nó cho điều xứng đáng nhất. Đó là một phần thưởng mà sự nghiệp của tôi đã tặng cho tôi”.
6.jpg
 Với cương vị đại sứ thiện chí UNICEF, bà đã đến nhiều nơi trên thế giới giúp đỡ cho trẻ em nghèo.
Chuyến đi cuối cùng của Audrey Hepburn là tới Somalia. Chuyến đi để lại một ấn tượng "dữ dội" trong bà. Audrey Hepburn đã đến thăm một em bé bị suy nhược trầm trọng vì thiếu đói, ngày hôm sau, khi bà quay trở lại, đứa trẻ đã không còn. Đó là một cú sốc đối với Audrey: “Rồi bạn sẽ trở về khách sạn và uống nước đóng chai, bước lên máy bay và trở về cuộc sống thường nhật. Nhưng những gì đã thấy đủ sức khiến thế giới của bạn đảo lộn. Những gì tôi đã thấy ở Somalia là một trong những bi kịch lớn nhất tôi từng thấy” - Audrey Hepburn nói về chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời mình.

Bà đúc kết rằng: “Khi lớn tuổi hơn, bạn sẽ hiểu rằng bạn có hai bàn tay, một để giúp đỡ chính mình, một để giúp đỡ người khác”. 4 tháng sau chuyến đi, bà qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 63.
5.jpg
 Bà được thế giới ghi nhận vì những hoạt động nhân đạo.
Năm 2002, UNICEF đã tôn vinh những hoạt động thiện nguyện của Audrey Hepburn bằng cách dựng tượng “Tinh thần Audrey” tại trụ sở của UNICEF ở New York, Mỹ.

Tổng thống Mỹ George H. W. Bush từng trao tặng bà Huân chương Tự do Tổng thống để ghi nhận những nỗ lực của bà khi hoạt động cho UNICEF. Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ cũng đã trao tặng bà giải thưởng hoạt động nhân đạo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn