Theo Forbes, đây là lần thứ 9 liên tiếp Thủ tướng Đức dẫn đầu danh sách người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà Angela Merkel là nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) từ năm 2000. Từ năm 2005 đến nay, bà đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức, điều hành nền kinh tế lớn nhất tại châu Âu. Bà Merkel có lập trường mở cửa với người di cư và luôn nỗ lực để đưa Đức trở thành quốc gia có vai trò dẫn đầu tại châu Âu.
Bà Merkel xếp vị trí số 1 suốt từ năm 2006 đến nay, ngoại trừ năm 2010 khi bà chỉ xếp thứ 4 còn Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đứng nhất. Tạp chí Time từng bình chọn bà Merkel trở thành Nhân vật của năm vì những ảnh hưởng đối với tình hình thế giới trong năm 2015. "Bà Merkel vẫn được coi như nhà lãnh đạo của châu Âu, tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất khu vực sau khi lèo lái đất nước qua cuộc khủng hoảng tài chính và tăng trưởng trở lại", Forbes viết.
Đứng thứ 2 là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Từng là Bộ trưởng Kinh tế Pháp, bà Lagarde có tham vọng tập trung vào bình đẳng giới và hành động chống biến đổi khí hậu. Bà Lagarde sẽ phải đối mặt với vấn đề có sức ép lớn nhất là giải quyết những chia rẽ liên quan đến gói kích thích tiền tệ gần đây nhất của người tiền nhiệm Mario Draghi. Trên cương vị mới tại ECB, tân Chủ tịch Lagarde cam kết giải quyết tình trạng bất bình đẳng về giới trong cơ cấu nhân sự cấp cao của thể chế này.
Đứng thứ ba trong danh sách, bà Nancy Pelosi được xem là người truyền cảm hứng hàng đầu tại Mỹ cho quá trình luận tội Tổng thống Donald Trump trong thời gian qua. Chính những hoạt động có tính chất quan trọng của quá trình luận tội người đứng đầu Nhà trắng, đã đưa bà Polesi lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng của Forbes.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen xếp vị trí thứ tư. Bà cam kết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi đầu trong bảo vệ khí hậu, điều tối quan trọng đối với hành tinh và công dân châu Âu cũng như toàn thế giới, cũng là động lực mới trong chiến lược tăng trưởng của EU. Bà sẽ thúc đẩy đạo luật khí hậu đầu tiên của châu Âu, giảm 50% lượng khí nhà kính vào năm 2030, đặt mục tiêu hướng tới một châu lục không có CO2 năm 2050. Bà nói thêm rằng sẽ đặt các vấn đề xã hội, biến đổi khí hậu, ủng hộ một "quân đội chung châu Âu" và muốn quy định về mức lương tối thiểu ở mỗi quốc gia EU… làm trọng tâm chương trình của mình trong 5 năm tới. EU sẽ xây dựng một ngân sách trị giá 1.000 tỷ euro trong 10 năm để đầu tư vào quá trình chuyển đổi sinh thái. Cùng với đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ được chuyển đổi thành "ngân hàng khí hậu".
Gương mặt còn lại của top 5 là Tổng giám đốc (CEO) hãng sản xuất ôtô Mỹ General Motors (GM) Mary Barra.
Tiếp đến là vợ của tỉ phú Bill Gates - bà Melinda Gates, chủ tịch Công ty Fidelity Investments Abigail Johnson, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn tài chính và tín dụng Santander Ana Patricia Botin, giám đốc điều hành Công ty IBM Ginni Rometty và chủ tịch kiêm CEO công ty quốc phòng hàng đầu thế giới Lockheed Martin Marilyn Hewson.
Ngoài ra, trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới có người dẫn chương trình truyền hình Mỹ Oprah Winfrey (vị trí thứ 20)
Nữ hoàng Anh Elizabeth II đứng ở vị trí 40, là một trong những gương mặt cao tuổi nhất của danh sách.
Con gái Tổng thống Mỹ Ivanka Trump chiếm vị trí thứ 42. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đứng ở vị trí thứ 53.
Ca sĩ người Mỹ Rihanna xếp ở vị trí thứ 61, trong khi tay vợt Mỹ Serena Williams đứng ở vị trí 81 trong bảng xếp hạng của Forbes năm 2019.
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo vừa lọt danh sách 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019 do Forbes công bố. Đây là năm thứ 3 liên tiếp bà Thảo có tên trong danh sách này. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đứng thứ 52 trong danh sách những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2019 của Forbes.
Bà Thảo là người phụ nữ Việt Nam duy nhất trong danh sách này. Theo Forbes, bà Nguyễn Phương Thảo đang sở hữu khối tài sản 2,7 tỷ USD. Năm 2017, bà Thảo lần đầu tiên lọt top tỷ phú USD của Forbes và cũng là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Cũng trong năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo lọt danh sách 100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới và trụ lại cho đến nay (2019).
Trong số 23 gương mặt lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2019 có nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg. Cách đây hai ngày, tạp chí Time đã công bố Thunberg là Nhân vật của năm (Person of the Year) 2019. Cô gái 16 tuổi này là nhân vật trẻ nhất từng lọt vào danh sách Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes.
Tạp chí Forbes bắt đầu công bố danh sách thường niên 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới từ năm 2004. Việc xếp hạng danh sách này của họ dựa trên các tiêu chí đánh giá như tài sản ròng, mức độ được nhắc tới trên truyền thông và tầm ảnh hưởng của người phụ nữ đó trong lĩnh vực hoạt động cụ thể của họ. 100 người phụ nữ của danh sách đến từ 6 lĩnh vực khác nhau, gồm kinh doanh (31 người), công nghệ (17 người), tài chính (12 người), truyền thông và giải trí (14 người), chính trị và chính sách (22 người) và từ thiện (4 người). Tổng cộng, họ kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đối với hơn 2,3 nghìn tỷ USD doanh thu và giám sát gần 6,5 triệu người lao động.
Để xác định vị trí của mỗi nhân vật trong từng lĩnh vực và xếp hạng chung, Forbes sử dụng 4 tiêu chí: tài chính, truyền thông, ảnh hưởng, và trường ảnh hưởng. Forbes định nghĩa quyền lực bao gồm các yếu tố là quyền lực cứng (tiền bạc và thể chế), sức mạnh động lực (khán giả, cộng đồng và ảnh hưởng sáng tạo), và quyền lực mềm (các nhà lãnh đạo làm gì với ảnh hưởng của họ).
Bà Moira Fobes - Phó chủ tịch điều hành Forbes và Chủ tịch ForbesWomen, nói rằng bản danh sách phản ánh những bước tiến ấn tượng mà nữ giới đã đạt được trong việc đảo ngược những định kiến về giới trong thập kỷ qua. "Danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm nay là sự tập hợp các nhà sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển đang đi đầu trên trường quốc tế trong việc định nghĩa lại cấu trúc quyền lực truyền thống và tạo ra ảnh hưởng lâu dài ở mọi lĩnh vực và trường ảnh hưởng", bà Forbes nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn