Bà bầu ăn chế độ này, con khỏe mẹ giữ dáng

22:13 | 23/03/2017;
Thông tin sinh con to lo nhiều hơn mừng khiến không ít chị em quan tâm. Nếu thai phụ ăn uống theo chế độ dưới đây, trẻ sinh ra có cân nặng bình thường, khỏe mạnh mà mẹ vẫn giữ được dáng.
Theo BS Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV Bạch Mai, Hà Nội, 3 tháng đầu là giai đoạn hình thành và phát triển thai nhi nên chị em hay có biểu hiện bị ốm nghén như: Nôn nhiều, mệt mỏi, nhạt miệng, sợ mùi thức ăn... Điều này làm cho bà bầu thường không ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị. Có những người không tăng cân, thậm chí có người bị tụt 1-2 kg. Tuy nhiên, thông thường hết giai đoạn này chị em sẽ ăn uống trở lại bình thường.
thai.jpg
Chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý giúp sinh con khỏe mạnh
Trong thời gian này, bà bầu nên chú ý ăn nhiều bữa trong ngày, số lượng mỗi bữa ít, chọn những thức ăn không gây khó chịu, không kích thích gây nôn, thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Nếu sau khi ăn bị nôn thì khoảng 5-10 phút lại ăn lại nhưng số lượng ít hơn lần trước. Chú ý uống bổ sung acid folic, vitamin và muối khoáng, bù đủ nước.

"3 tháng giữa và 3 tháng cuối là giai đoạn rất quan trọng vì thai nhi tiếp tục phát triển cho đến khi chào đời. Nếu người mẹ bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, bà bầu cần ăn nhiều để bù lại giai đoạn trên do nghén", BS Liên cho biết.

Mức tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi của bà mẹ và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai. Khi mang thai, người mẹ cần tăng trung bình 9-12 kg là đủ. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trước khi có thai mà sự tăng cân là khác nhau. Cụ thể, với người đã dư cân thì chỉ cần tăng 7-8 kg, người cân nặng trung bình cần tăng 11,5-16 kg, người mảnh khảnh cần tăng 12-18 kg.

“Tăng cân quá mức cũng không tốt. Nếu trong 3 tháng cuối, mỗi tháng tăng quá 2 kg hay mỗi tuần tăng trên 1 kg thì đó thường là dấu hiệu bệnh lý như phù, cao huyết áp. Bà mẹ cần phải đi khám để có những can thiệp kịp thời. Trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ nên tăng trung bình 0,3-0,5kg/tuần là hợp lý”, BS Liên khuyên.

BS Liên cũng lưu ý một số dưỡng chất bà bầu nên ăn trong 3 tháng đầu thai kỳ là acid folic, sắt, canxi và protein. Những dưỡng chất này có nhiều trong các thực phẩm như súp lơ, các loại rau có màu xanh như xà lách, cải bẹ xanh; họ hàng nhà đậu; các loại quả có nhiều múi như cam, quýt, bưởi; đậu phộng, trứng, cá hồi, sữa….
 
Từ tháng thứ 4 trở đi, thai nhi phát triển mạnh, cần lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhiều. Mẹ cần thêm năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể nên cần ăn thêm 1 đến 2 bát cơm/ngày so với khi chưa có thai. Trong thực đơn hằng ngày các mẹ nên duy trì đủ 4 nhóm thực phẩm gồm đạm, chất béo, tinh bột và chất xơ. Nhóm thực phẩm giàu đạm gồm thịt, cá, trứng, sữa… Nên ăn từ 4-7 quả trứng/1 tuần, ít nhất 1-2 cốc sữa tươi hoặc sữa đậu nành, ngũ cốc/ngày. Mỗi ngày cần thêm 3-4 thìa cà phê dầu ăn hoặc mỡ bằng cách xào thức ăn hoặc trộn xa lát. Bổ sung thêm trái cây tươi hằng ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn