Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao?

10:00 | 17/02/2020;
Bà bầu bị ho 3 tháng cuối cũng là tình trạng thường hay gặp trong thai kỳ. Mẹ bầu cần phải nắm được cách điều trị ho an toàn, hiệu quả để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong thời điểm quan trọng này.

Ho là phản ứng của cơ thể nhằm loại bỏ các tác nhân có hại hoặc dịch nhầy ứ đọng trong mũi họng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho ở bà bầu. Tuy nhiên, mẹ có thể áp dụng một số phương pháp chữa ho lành tính tại nhà trước khi đến thăm khám bác sĩ.     

1. Nguyên nhân bà bầu bị ho 3 tháng cuối

Trong tam cá nguyệt thứ 3, một số nguyên nhân gây ra ho cho bà bầu có thể kể đến như sau:

Viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn

Khi bị ho do nguyên nhân này, mẹ bầu có thể sẽ mắc viêm họng, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Triệu chứng thường gặp là sốt và ho có đờm đục. Bà bầu có thể cần điều trị bằng kháng sinh.

Viêm long đường hô hấp trên do virus

Bà bầu sẽ bị ho cùng với một số triệu chứng như: sổ mũi, đau đầu, có thể sốt hoặc không. Với nguyên nhân này, mẹ bầu cần phải nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Vấn đề dị ứng

Khi tiếp xúc với một số tác nhân gây kích ứng như phấn hoa, nấm mốc, hóa chất… niêm mạc đường hô hấp có thể sẽ bị kích thích. Chính vì nguyên nhân đó mà mẹ bầu bị ho, hắt hơi thường xuyên.

Trào ngược dạ dày

Vào 3 tháng cuối của thai kỳ, tử cung phải mở rộng ra để thích ứng với sự phát triển của thai nhi. Vì vậy mà gây áp lực cho dạ dày dẫn đến tình trạng trào ngược. Lượng acid từ dịch vị bị trào ngược lên cổ họng sẽ gây ngứa, ho hoặc buồn nôn, đau rát họng.

2. Cách trị ho bằng các loại quả

Để tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, phụ nữ mang thai thường ưu tiên sử dụng các cách trị ho bằng các nguyên liệu tự nhiên như các loại củ quả, lá… Một số loại quả có tác dụng chữa ho rất tốt. Mẹ bầu có thể tham khảo các cách sau đây:

Quất ngâm mật ong

Trong quất có chứa pectin, đường và vitamin có thể giúp diệt khuẩn, chống viêm, giảm ho và tiêu đờm. Vì thế mà quất ngâm có công dụng rất tốt cho sức khỏe. 

- Cách làm: Mẹ rửa sạch quất, để ráo nước. bỏ hạt và giữ nguyên vỏ. Sau đó thái quất thành những lát mỏng, xếp vào lọ thủy tinh và đổ mật ong lên trên. Sau đó đem đi hấp cách thủy khoảng 15 phút. 

- Cách dùng: Ăn liên tục từ 3-4 ngày sẽ thấy hiệu quả.   

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 1.

Các chất trong quất có thể giúp diệt khuẩn, chống viêm, giảm ho và tiêu đờm


Cam nướng

Vỏ và ruột cam có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chữa các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, long đờm... Đặc biệt các chất này sẽ phát huy được hiệu quả tốt nhất khi được nướng lên.  

- Cách làm: Mẹ cho cam vào trong nước muối và ngâm trong khoảng 15 phút để sạch bụi bẩn và tiêu diệt vi khuẩn. Sau đó nướng cam trên lửa than (hoặc bếp gas nhỏ lửa). Nên nướng trong 10 phút và lật qua lật lại liên tục để không bị cháy vỏ cam.

- Cách dùng: Mẹ bầu nên ăn ngay khi còn nóng vì cam dễ bóc vỏ và có tác dụng rất tốt. Nếu mẹ bị ho đờm thì có thể ăn thêm 2-3 miếng vỏ cam giúp ấm cổ và giảm ho nhanh.

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 2.

Các chất trong cam sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được nướng lên. (Ảnh minh họa)


Chanh ngâm mật ong

Chanh luôn được biết đến là một loại quả có tính sát khuẩn cao, có thể giúp làm sạch vòm họng và tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Mật ong nguyên chất cũng có tác dụng dịu họng, giảm cơn đau. Sự kết hợp của hai nguyên liệu này sẽ tạo nên một phương thuốc tự nhiên chữa ho và viêm họng rất hiệu quả.  

- Cách làm: Mẹ cắt 1 quả chanh thành những lát mỏng. Sau đó xếp vào bình và đổ vào khoảng 2 thìa mật ong, ngâm trong 1 ngày. 

- Cách dùng: Bà bầu nên ngậm chanh liên tục hàng ngày để giảm đau họng và bớt ho.   

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 3.

Chanh ngâm mật ong là một phương thuốc tự nhiên trị ho hiệu quả. (Ảnh minh họa)


Lê chưng đường phèn

Đông Y coi quả lê như một vị thuốc dùng để điều trị các bệnh của đường hô hấp như viêm họng, ho khan... Vì lê có tính mát, vị hơi chua nên có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm và giảm ho.

- Cách làm: Mẹ rửa sạch lê, để nguyên vỏ rồi cắt hạt lựu. Tiếp theo cho lê với gừng đập dập vào một chén nhỏ và hấp cách thủy. Hấp trong khoảng 30 phút là hoàn thành

- Cách dùng: Chắt lấy phần nước để uống. Mỗi lần uống 1 thìa. 

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 4.

Trong Đông Y, lê được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. (Ảnh minh họa)


3. Cách trị ho bằng các loại lá

Thay vì phải uống thuốc, mẹ bầu có thể chữa ho bằng việc sử dụng các loại lá quen thuộc mà hằng ngày chúng ta vẫn hay nhìn thấy và sử dụng. 

Lá diếp cá và nước vo gạo

Lá diếp cá luôn có tác dụng cao trong việc trị ho tại nhà. Nó giúp kháng viêm, long đờm. Ngoài ra, nước vo gạo lại có thể làm dịu cảm giác ngứa rát ở cổ họng. 

- Cách làm: Mẹ ngâm diếp cá trong nước muối loãng khoảng 5 phút rồi rửa lại bằng nước bình thường. Tiếp theo, cho diếp cá vào đun cùng nước vo gạo trong 15 phút. Đợi đến khi sôi thì tắt bếp. 

- Cách dùng: Bà bầu nên uống khi còn ấm để làm dịu cổ họng.   

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 5.

Lá diếp cá có tác dụng kháng viêm và long đờm. (Ảnh minh họa)


Lá húng chanh

Trong lá húng chanh có chứa tinh dầu (thành phần chính là cavaron) có thể trừ đờm, tiêu độc. Chính vì vậy mà loại lá này được dùng làm thuốc chữa ho, cảm và viêm họng

- Cách làm: Lá húng chanh giã dập. Sau đó trộn với 10ml nước sôi. Sau khi ngấm thì gạn lấy nước uống.

- Cách dùng: Ngày uống nước lá húng chanh 2 lần. 

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 6.

Lá húng chanh có chứa tinh dầu có thể trừ đờm, tiêu độc. (Ảnh minh họa)


Lá hẹ

Trong lá hẹ có chứa nhiều loại kháng sinh mạnh như allicin, odorin... có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, đường ruột. Bên cạnh đó, lá hẹ còn chứa saponin giúp tiêu đờm, chữa ho rất hiệu quả.

- Cách làm: Cho 5-10 lá hẹ và đường phèn vào một bát nhỏ. Sau đó hấp cách thủy rồi chắt lấy nước uống.

- Cách dùng: Mỗi lần uống khoảng 2-3 thìa cà phê. Uống 2 lần một ngày.  

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 7.

Lá hẹ chứa saponin giúp tiêu đờm, chữa ho rất hiệu quả. (Ảnh minh họa)


Lá xương sông

Loại lá này có tính ấm nên có nhiều công dụng đối với sức khỏe như chữa đầy bụng, sang chấn, nôn mửa, chảy máu cam... Ngoài ra, lá xương sông còn có thể trị viêm họng, chữa ho.

- Cách làm: Mẹ rửa sạch từ 2-3 lá xương sông bánh tẻ rồi thái nhỏ. Sau đó cho vào bát con cùng với 5 thìa con mật ong và đem hấp cách thủy. Sau khi đun sôi khoảng 10 phút thì lấy ra, chắt lấy nước uống.

- Cách dùng: Uống nhiều lần trong ngày, có thể nhai nuốt cả lá. 

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 8.

Lá xương sông có nhiều công dụng đối với sức khỏe. (Ảnh minh họa)


4. Cách trị ho bằng các loại củ

Một số các loại củ quen thuộc như: gừng, củ cải trắng, hành tây, tỏi... cũng có thể dùng để chữa ho cho mẹ bầu. Bà bầu hoàn toàn có thể áp dụng những phương pháp đơn giản dưới đây:

Gừng và củ cải trắng

Trong Đông y, củ cải trắng có vị cay ngọt, tính bình, có thể giúp trừ đờm, điều trị các bệnh hô hấp. Nếu kết hợp với gừng thì sẽ tạo ra một hỗn hợp trị viêm họng, chữa ho đơn giản, hiệu quả.

- Cách làm: Sau khi rửa sạch củ cải trắng, mẹ thái miếng như hạt lựu. Sau đó thì ép lấy nước củ cải. Cho gừng đã thái nhỏ vào nước ép củ cải rồi đun nhỏ lửa. Đến khi sôi khoảng 10 phút thì cho thêm mật ong. Đợi khi hỗn hợp sôi lại là được, đợi nguội rồi cho vào lọ dùng dần.

- Cách dùng: Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần một thìa canh.  

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 9.

Kết hợp gừng và củ cải trắng giúp chữa ho đơn giản, hiệu quả. (Ảnh minh họa)


Hành tây ngâm đường phèn

Ngoài một số nguyên liệu phổ biến thường được sử dụng như tỏi, gừng, quất... thì hành tây cũng có thể giúp trị ho một cách hiệu quả và lành tính.  

- Cách làm: Hành tây sau khi bóc vỏ, rửa sạch thì đem băm nhuyễn. Sau đó trộn đều với đường phèn đã đập dập rồi để qua đêm trong tủ lạnh. 

- Cách dùng: Cứ cách hai giờ bà bầu lấy ra dùng 1 muỗng cà phê sẽ giảm ho. Không sử dụng cách này cho những mẹ bầu bị nôn nghén nhiều và tiểu đường.

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 10.

Hành tây và đường phèn là hai nguyên liệu lành tính có thể trị ho cho mẹ bầu. (Ảnh minh họa)


Tỏi hấp mật ong

Theo Đông y, tỏi có tính ấm, vị cay nên hay được dùng để chữa ho. Bên cạnh đó, trong tỏi giàu chất Allicin giúp diệt khuẩn, khử hàn, trị ho cực tốt. 

- Cách làm: Mẹ bầu đập dập 5 tép tỏi rồi trộn đều với mật ong. Tiếp theo đem hấp cách thủy trong 10 phút. Khi nào ngửi thấy mùi tỏi lan tỏa là được. 

- Cách dùng: Bà bầu nên uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần từ 1-2 muỗng cà phê liên tục trong 2-3 ngày.      

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 11.

Chất Allicin có trong tỏi giúp diệt khuẩn, khử hàn, trị ho cực tốt. (Ảnh minh họa)


Tỏi nướng

Tỏi luôn được coi như một loại kháng sinh tự nhiên, đem lại nhiều ích lợi đối với sức khỏe. Ngoài tỏi hấp mật ong thì tỏi nướng cũng có thể chữa được các chứng bệnh đường hô hấp. 

- Cách làm: Trước tiên, mẹ gói các tép tỏi nguyên vỏ vào giấy bạc. Sau đó cho vào lò vi sóng hoặc nướng trên bếp than trong 15-20 giây cho đến khi tỏi dậy mùi thơm. Khi tỏi nguội thì bỏ vỏ, đem nghiền nát. Khuấy đều với nước để uống.

- Cách dùng: Uổng mỗi ngày 2-3 lần (có thể ăn cả xác tỏi). Các triệu chứng đau cổ họng sẽ giảm dần sau từ 2-3 ngày. Lưu ý không ăn tỏi khi đói và những mẹ bị bệnh về mắt, thận, tiêu chảy, viêm gan thì không nên áp dụng cách này.     

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 12.

Tỏi nướng cũng có thể chữa được các chứng bệnh đường hô hấp. (Ảnh minh họa)


Nghệ và muối

Hai loại nguyên liệu này đều có tính kháng khuẩn và chống viêm tốt. Vì thế mà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là giảm đau họng và giảm ho hiệu quả.  

- Cách làm: Hòa một chút muối với 150ml nước ấm. Sau đó cho ½ thìa bột nghệ vào và khuấy đều.

- Cách dùng: Uống mỗi ngày 1 cốc trong 3 ngày liên tục.  

Bà bầu bị ho 3 tháng cuối thai kỳ phải làm sao? - Ảnh 13.

Nghệ và muối có tính kháng khuẩn và chống viêm tốt. (Ảnh minh họa)


Một số phương pháp trị ho cho bà bầu bị ho 3 tháng cuối trên đây mặc dù có rất nhiều ưu điểm nhưng chỉ phát huy tác dụng khi mới phát bệnh. Trong trường hợp nếu ho lâu ngày không khỏi thì mẹ bầu cần đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời và hiệu quả hơn.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn