Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không?

16:00 | 12/02/2020;
Bị sốt xuất huyết trong quá trình đang mang thai, đặc biệt là những tháng đầu và các tuần cuối của thai kỳ rất nguy hiểm tới thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu.
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do muỗi vằn Aedes truyền bệnh sang cơ thể người. Tình trạng sốt là phản ứng của cơ thể khi bị virus xâm nhập và gây nên sốt cao kèm theo các biểu hiện xuất huyết. 


Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ. Bà bầu bị sốt xuất huyết cần phải được phát hiện sớm và có những biện pháp xử lý kịp thời hạn chế ảnh hưởng của bệnh. 

Dấu hiệu bà bầu bị sốt xuất huyết 

Việc nhận biết các triệu chứng của bệnh rất quan trọng trong việc phát hiện bệnh và điều trị sau đó. Những dấu hiệu mang bầu bị sốt xuất huyết:

- Sốt cao kèm theo chân tay run rẩy

- Chảy máu chân răng 

- Đau đầu dữ dội

- Tê nhức khắp người

- Buồn nôn, nôn mửa liên tục

- Cơ thể bị mất nước, ăn uống không ngon miệng 

- Có thể thấy phần trên xuất hiện các mẩn đỏ

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không? - Ảnh 1.

Cơ thể mẹ bầu có thể xuất hiện các nốt ban đỏ. (Ảnh minh họa)

Bà bầu bị sốt xuất huyết khi mang thai có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Khi thai phụ bị sốt, virus có thể truyền sang cho con và gây nên nhiều những biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh đối với mẹ và bé là:

- Suy giảm tiểu cầu: Hiện tượng này có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và con. Tiểu cầu giảm thể nặng có thể phát triển những biến chứng khi áp dụng những thủ thuật khi sinh như gây tê màng cứng, gây mê toàn thân vô cùng nguy hiểm.

- Sinh non: Khi bà bầu bị sốt xuất huyết trong giai đoạn mang thai từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 6 (tam cá nguyệt thứ 1 và thứ 2) sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ bị thiếu cân, nhẹ cân thậm chí là có thể tử vong nếu mẹ bị nặng.

- Sảy thai: Khi mang thai 3 tháng đầu bị sốt xuất huyết tỷ lệ sảy thai rất cao

- Xuất huyết: Nếu người mẹ bị nhiễm virus sốt xuất huyết có thể sẽ gây nguy cơ xuất huyết cao

- Tiền sản giật: Mẹ bầu có nguy cơ cao bị tiền sản giật nếu bị sốt xuất huyết

- Sốt xuất huyết có gây dị tật thai nhi?: Sốt xuất huyết chỉ lây truyền cho thai nhi khi mẹ mang thai ở giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, khả năng thai nhi bị mắc virus này là rất thấp và cho tới nay vẫn chưa có kết luận đầy đủ về dị tật cho trẻ khi mẹ mang bầu bị sốt xuất huyết.

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không? - Ảnh 2.

Khi bị sốt xuất huyết lúc mang bầu rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Sốt xuất huyết khi mang thai thì phải làm sao?

Khi mang bầu bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe mẹ và bé. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc tại nhà. Mẹ bầu cần:

- Khi thấy cơ thể sốt cao, run rẩy, đau đầu dữ dội… không tự ý dùng thuốc mà phải lập tức tới cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra cách điều trị phù hợp nhất. Nếu được chỉ định nằm viện, cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, mẹ bầu có thể về và thực hiện uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

- Mẹ bầu cần nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại ở mức tối đa.

- Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ăn đồ lỏng dễ tiêu hóa. 

- Uống nhiều nước, sử dụng thêm các loại nước hoa quả để tăng sức đề kháng và thải độc.

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không? - Ảnh 3.

Không tự ý dùng thuốc, cần đến cơ sở y tế để được điều trị. (Ảnh minh họa)

Bà bầu bị sốt xuất huyết nên ăn gì?

Khi mang thai, cơ thể người mẹ yếu hơn người bình thường nên bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì việc bổ sung dinh dưỡng là điều cần thiết. Bà bầu bị sốt xuất huyết nên ăn, uống khoa học, đa dạng để đảm bảo sức khỏe. 

- Bà bầu cần tăng cường điện giải, bù nước cho cơ thể, uống 1,5  - 2 lít nước/ngày. Xen kẽ giữa nước lọc và các loại nước trái cây có nhiều vitamin C, uống sữa, nước ép rau củ…

- Ăn các thực phẩm dạng lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp…

- Ăn thêm các loại rau xanh, quả tươi để tăng cường sức đề kháng tự nhiên.

Lưu ý: Khi bị sốt xuất huyết, bà bầu không nhất thiết phải ăn quá nhiều, ăn vừa đủ với nhu cầu ăn bình thường hoặc có thể ăn ít hơn nhưng cần đầy đủ chất. 

Phòng tránh sốt xuất huyết khi mang bầu

Khi mang bầu, sức đề kháng rất kém nên các mẹ cần chú ý bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh là tốt nhất. 

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, đảm bảo các dụng cụ chứa nước phải được đậy kín, vệ sinh thường xuyên, dọn khu vực sống sạch sẽ. 

- Sử dụng thuốc đuổi muỗi xung quanh khu vực sinh sống, nhà ở. 

- Mắc màn khi ngủ, ưu tiên màn có các hợp chất đuổi muỗi tốt cho mẹ bầu.

- Sử dụng vợt muỗi, hương liệu đuổi muỗi cho bà bầu. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn