Bà bầu cần làm gì để phòng tránh và đối phó với Covid-19?

12:27 | 12/08/2021;
Phụ nữ mang thai cần tuân thủ tốt quy định 5K của ngành y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Trong trường hợp không may mắc Covid-19, cần bình tĩnh, tăng cường sức đề kháng và làm theo hướng dẫn y tế.

Tuyệt đối tuân thủ quy định 5K

Bác sĩ Bùi Văn Hoàng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, để phòng ngừa Covid-19, phụ nữ mang thai cần tuân thủ tốt quy định 5K của ngành y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Theo bác sĩ Hoàng, phụ nữ mang thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất. Bên cạnh đó, chị em nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ mang thai, lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, hiện trong tình hình dịch bệnh, dù hạn chế ra ngoài nhưng có một số điểm mốc khám thai quan trọng, chị em cần bảo đảm. Lịch khám thai sẽ theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa và thay đổi tùy tình trạng thai, sức khỏe sản phụ và bệnh lý kèm theo của từng người.

Bà bầu cần làm gì để phòng tránh và đối phó với Covid-19? - Ảnh 1.

Điều trị cho thai phụ mắc Covid-19

Đặc biệt, trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Ngoài ra, nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, bởi có nhiều bệnh cũng gây ra các triệu chứng tương tự, ví dụ viêm họng, cúm cũng có thể sốt, ho...

Tăng sức đề kháng, đảm bảo vệ sinh

Theo bác sĩ Bùi Văn Hoàng, triệu chứng khi phụ nữ mang thai bị nhiễm SARS-CoV-2 không khác biệt so với người không mang thai. Khoảng 80% người bệnh có các triệu chứng giống cảm cúm hoặc cảm lạnh như sốt, ho, mệt mỏi, đau cơ... không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ tăng nguy cơ diễn tiến nặng, tăng nguy cơ các biến chứng thai kỳ.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) cho biết, nếu trong trường hợp thai phụ mắc Covid-19, ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, thì thai phụ vẫn sinh hoạt bình thường. Cần chú ý ăn uống điều độ, tăng cường sức đề kháng, ở trong không gian thoáng và tuyệt đối đảm bảo vệ sinh. Nếu tuân thủ nghiêm những điều này, có đến 80% bệnh nhân sẽ tự hồi phục. Trong tình huống bệnh chuyển sang mức độ trung bình, nặng thì lúc đó thai phụ bắt buộc phải nhập viện điều trị

Bà bầu cần làm gì để phòng tránh và đối phó với Covid-19? - Ảnh 2.

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ lấy thai ngay tại khu điều trị Covid-19

Sở Y tế TPHCM cũng vừa cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tự cách ly tại nhà. Theo đó, người mắc Covid-19 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà phải mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.

Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo… Đo thân nhiệt tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử".

Bên cạnh đó, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ.

Đặc biệt, phải liên hệ nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, khi có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài "1022" (bấm số "3" để được tư vấn từ Hội Y học TPHCM hoặc số "4" để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành") hoặc gọi số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.

Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài "115" hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn