Nổi bật trong 21 lãnh đạo đại diện các nền kinh tế tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng sẽ có Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Tổng thống Chile Michelle Bachelet
Bà Michelle Bachelet (66 tuổi), Tổng thống nước Cộng hòa Chile, sẽ là 1 trong 3 lãnh đạo nữ tham dự APEC 2017. Bà đồng thời sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 8 đến ngày 9/11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một vấn đề được bà Michelle quan tâm khi tham dự APEC 2017 bởi đây được coi là cơ hội để các thành viên TPP thuyết phục Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ trở lại hiệp định.
Bà Michelle trở thành người phụ nữ đầu tiên tại Chile hai lần đắc cử Tổng thống (năm 2006 và 2014). Bà nhậm chức Tổng thống Chile nhiệm kỳ 2 ngày 11/3/2014 trong nhiệm kỳ 4 năm. Bà luôn đi đầu trong việc đảm bảo mang lại lợi ích cho tất cả người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Bà Bachelet chủ trương tăng thuế để tạo nguồn thu cho việc miễn học phí bậc đại học, cải cách cấu trúc kinh tế và hệ thống chính trị.
Bà Michelle từng là Tổng Giám đốc Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ (UN Women). Với cương vị này, bà luôn đi đầu trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, chống lại bạo lực giới đối với phụ nữ…
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern
Bà Jacinda Ardern, tân Thủ tướng 37 tuổi của New Zealand, được đánh giá sẽ tạo ra sự tương phản lớn khi cùng phần đông lãnh đạo nam giới ở độ tuổi trung niên tham gia Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng. Bà Ardern là lãnh đạo cấp cao trẻ nhất tham dự APEC 2017.
Thủ tướng Jacinda Arden nhận định khu vực APEC rất quan trọng đối với tương lai phát triển kinh tế của New Zealand và Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là dịp để tăng cường hơn nữa cam kết của New Zealand đối với khu vực này, cũng như góp phần tạo nền tảng cho các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khu vực của New Zealand. Bà cũng khẳng định một trong những ưu tiên lần này là trao đổi về một số nội dung trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bà cho biết Chính phủ New Zealand đã cố gắng loại bỏ điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ ra khỏi thỏa thuận, theo đó điều khoản này cho phép các tập đoàn tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại việc chính phủ ban hành các quy định ảnh hưởng đến quyền lợi và đầu tư của họ.
Bà Jacinda là nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử New Zealand, sau cựu thủ tướng Jenny Shipley và Helen Clark. Bà còn là lãnh đạo trẻ nhất nước này trong hơn 150 năm qua. Bà Ardern được các cử tri New Zealand yêu thích nhờ sự trẻ trung, tự tin và sở hữu những tố chất cần thiết của một người lãnh đạo. Bà Ardern đã thu hút được sự ủng hộ nhờ cam kết sẽ giải quyết những vấn đề xã hội như trẻ em nghèo và nhà ở cho người thu nhập thấp. Bà Ardern cũng là người tích cực hoạt động vì môi trường, nữ quyền và bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ. Bà có thể làm DJ, thích chụp ảnh selfie, tham gia các cuộc tuần hành của phụ nữ, ủng hộ hôn nhân đồng tính, cam kết chống biến đổi khí hậu và chú trọng vào giáo dục.
Sau khi đắc cử thủ tướng, bà Jacinda Ardern tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ liên minh lâu dài, vững mạnh để phục vụ mọi người dân New Zealand và chính quyền mới sẽ tận dụng mọi cơ hội để xây dựng đất nước New Zealand có một xã hội công bằng, ngày càng phát triển hơn.
Trong tuần trước, bà được tạp chí Mỹ Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực thứ 13 trong giới chính trị thế giới.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam, 60 tuổi) sẽ đến Việt Nam ngày 9/11 để dự APEC tại Đà Nẵng. Bà là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong sau 20 năm được trao trả cho Trung Quốc. Bà nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Bắc Kinh trong cuộc bầu cử hồi tháng 3/2017, đồng thời thể hiện lập trường không ủng hộ nỗ lực đòi tách Hồng Kông ra khỏi Trung Quốc.
Thường được gọi là “bà đầm thép”, bà Lâm được dư luận Hồng Kông đánh giá là chính trị gia có năng lực đoàn kết người dân, đặc biệt là năng lực dung hòa các thế lực chính trị tại hòn đảo này.Bà Lâm cam kết sẽ giải quyết tình trạng chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Hồng Kông, xây dựng cuộc sống của người dân tốt hơn và nhiều tự do chính trị hơn. Bà hoan nghênh và khuyến khích các tiếng nói khác nhau và nguyện sẽ khai thác sức mạnh của thanh niên, những người thường đi đầu vì sự tiến bộ trong xã hội.
Bà Lâm cũng cam kết thực hiện một số lời hứa trong quá trình tranh cử như đưa vào áp dụng thuế lợi nhuận, giảm thuế để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, xử lý vấn đề chi phí nhà ở cao bằng cách tăng nguồn đất và tăng thêm tiền cho giáo dục. Nhà lãnh đạo tương lai của Hồng Kông cũng hứa hẹn bảo vệ chế độ pháp quyền và tự do ngôn luận. Những vấn đề gai góc khác là đẩy mạnh tạo công ăn việc làm và thu hẹp khoảng cách về thu nhập.