Sinh ra trong một gia đình có tới 11 anh chị em, cuộc sống khó khăn, vất vả, kết thúc năm học lớp 9, chị Phạm Thị Loan đành chia tay bạn bè, trường lớp, nghỉ học để phụ giúp gia đình làm ăn. Vốn nhanh nhẹn, lại có khiếu ăn nói, chị Loan đã nhanh chóng tiếp quản công việc thu mua hải sản của cha mẹ tại ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Hành trình trở thành “bà trùm” thủy hải sản
Trong giai đoạn đầu những năm 90, vựa thu mua hải sản của gia đình chị Phạm Thị Loan là vựa thu mua lớn duy nhất trong vùng, nên việc buôn bán diễn ra khá thuận lợi. Mỗi ngày chị thu mua được hàng chục tấn tôm nguyên liệu từ người dân địa phương để bán cho các công ty lớn ở tỉnh Kiên Giang. Tuy vậy chị Loan phải đối diện với không ít khó khăn. Đó là những khi thu hồi vốn chậm, việc buôn bán bị ách tắc. Cũng có khi, lượng hải sản thu gom không đủ để cung cấp cho công ty, chị Loan lại phải chạy ngược, chạy xuôi để lo cho đủ đơn hàng.
Sau 7 năm làm bà chủ vựa tôm, tích lũy được tiền vốn, chị Phạm Thị Loan bắt đầu tập trung vào nuôi tôm để chủ động số lượng và chất lượng sản phẩm của mình. Không biết nhiều về kỹ thuật nuôi tôm, nhưng nhờ tìm tỏi, học hỏi từ bà con nuôi tôm xung quanh, chị Loan đã nuôi thả tôm trên 60ha mặt nước. Chọn nuôi theo hình thức quảng canh, đầm tôm của chị Phạm Thị Loan hoàn toàn không sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh, nên khi thu hoạch, sản phẩm của chị luôn được các doanh nghiệp lớn ở đồng bằng sông Cửu Long ưu ái và đạt doanh thu không nhỏ.
Tiếp tục phát triển mô hình nuôi tôm, từ năm 2012, chị Phạm Thị Loan nuôi bắt đầu nuôi thêm sò huyết và cua để bán cho các doanh nghiệp và các đầu mối ở TP. HCM, Cần Thơ, Tiền Giang… Từ mô hình nuôi tôm, cua, sò huyết, chị Phạm Thị Loan đã có doanh thu 13,76 tỷ. Chị còn thành lập được công ty, mua được 4 xe ô tô tải lớn để phục vụ cho công việc.
Nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới
Không chỉ được ghi nhận là người phụ nữ dám nghĩ, dám làm trong sản xuất, kinh doanh, chị Phạm Thị Loan còn có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới đại địa phương. Khi còn làm chủ vựa thu mua tôm, để đảm bảo chất lượng nguồn tôm nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy, chị Phạm Thị Loan làm việc theo phương châm liên kết cùng hộ nông dân, mua tận gốc, bán tận ngọn. Vào đầu vụ, chị cho bà con mượn vốn không tính lãi để đầu tư cải tạo ao đầm, mua con giống, đến khi thu hoạch, bà con bán toàn bộ số tôm thu hoạch được cho chị, không lo phải tìm đầu ra hay bị thương lái ép giá.
Hàng năm, chị Phạm Thị Loan còn tích cực trong các hoạt động tham gia đóng góp xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn; ủng hộ quỹ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền: 25 triệu đồng; cùng chính quyền tặng gạo, tập sách cho học sinh… Từ năm 2006 đến 2016, chị Phạm Thị Loan đã được được tỉnh, huyện tặng bằng khen về thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Tháng 10/2017, chị là nông dân duy nhất của Kiên Giang được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.