Bà cụ 40 năm đội đơn xin lại nhà

08:19 | 27/03/2018;
Liên tục hơn 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Đoan (sinh năm 1927, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã rất nhiều lần làm đơn kêu cứu lên các cơ quan trung ương và địa phương tha thiết đề nghị trả lại nhà và đất cho gia đình bà.

Bà Đoan cho biết ngày 27/11/1975, bố bà là Nguyễn Huệ có ký văn bản là “Tờ bán đứt đất tư và nhà”. Bên bán là vợ chồng ông Lâm Hồng Dương và bà Huỳnh Tuyết Lang. Nội dung văn bản ghi rõ: “Nay chúng tôi đứng tờ này bán đứt và vĩnh viễn trọn thửa đất tư và căn phố lầu nói trên cho ông Nguyễn Huệ với giá bạc là sáu triệu đồng (6.000.000 đ) và biên nhận nơi đây làm bằng và có giao cho chủ mua giấy tờ…”.

an-hanh-chinh.jpg
Ảnh minh họa.

 

Sau khi bố của bà mua nhà 196 Trần Hưng Đạo, bà đã cư trú tại đây và trực tiếp bán đồ điện, sắt tại nhà 196 Trần Hưng Đạo. Hiện nay bà còn lưu giữ các giấy tờ quan trọng, chứng minh như Giấy chứng nhận đã kê khai đăng ký ngành nghề cấp ngày 28/12/1976; Thẻ môn bài năm 1976 do Ty Tài chánh Nghĩa Bình cấp cho bà Đoan; Biên lai nộp thuế nhà ngày 27/7/1976.

Bà Đoan nói: “Ba tôi cũng đã kê khai hộ khẩu thường trú với tư cách là chủ hộ, ở cùng với tôi và em gái tôi là Nguyễn Thị Tân Định, trú quán số 196 Trần Hưng Đạo, tại liên gia tổ 3 vùng 1 khóm Phan Bội Châu, phường Trung Chánh (Quy Nhơn)”. Ngày 27/9/1976, gia đình bà Đoan đang sinh sống ổn định thì bất ngờ nhận được Quyết định số 519/UB/QĐ của UBND tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định) với nội dung, “nay ra lệnh quản lý toàn bộ nhà số 196 Trần Hưng Đạo, thị xã Quy Nhơn của Lâm Hồng Dương (hiệu buôn Chấn Hưng) theo diện nhà vắng chủ, người thừa kế quản lý không hợp pháp”.

Đồng thời, ngày 15/11/1976, UBND tỉnh Nghĩa Bình có Quyết định số 748/QĐ-UB về việc cho ông Nguyễn Huệ di chuyển một số đồ dùng gia đình sang nhà số 255 Trần Hưng Đạo. “Từ chỗ đang ở trong ngôi nhà rộng rãi, có thiết kế, diện tích hơn 300 m2 bị ép chuyển sang ngôi nhà chật chội, ẩm thấp chưa đầy 30 m2 là cực hình và khổ sở. Nhưng điều đau khổ nhất là trong hơn 40 năm qua, ngôi nhà 196 Trần Hưng Đạo mà ba tôi mua, chúng tôi sinh sống ở đấy có kê khai hộ khẩu thường trú, có kinh doanh hàng ngày bị coi là nhà vắng chủ là điều hoàn toàn sai trái, chà đạp lên pháp luật, lên công bằng. Nhà của chúng tôi thì mãi mãi phải thuộc về chúng tôi, không ai được quyền tước đoạt và chiếm giữ.” bà Đoan tâm sự.

Không đồng ý với quyết định trên của UBND tỉnh, gia đình bà Đoan liên tục có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định suốt thời gian dài đằng đẵng 40 năm qua. Bà cũng làm đơn khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định hủy bỏ Quyết định số 519/UB-QD ngày 27/9/1976 của UBND tỉnh Nghĩa Bình. Bà yêu cầu UBND tỉnh Bình Định phải ra quyết định mới trả lại nhà và đất tọa lạc tại số 196 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, nay có số nhà mới là 198 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho bà.

thong-bao-ta-bd-200318.jpg
Thông báo của TAND tỉnh Bình Định về khiếu nại của bà Nguyễn Thị Đoan.

 

Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Định đã trả lại đơn và đã bị bà Đoan khiếu nại. Ngày 22/3/2018 bà Đoan nhận được Thông báo 2134/TB-TA của TAND tỉnh Bình Định do Thẩm phán Võ Công Phương ký, đóng dấu. Nội dung của Thông báo 2134/TB-TA khẳng định rằng các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn của bà Đoan còn thiếu, cụ thể là Đơn khởi kiện; Các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện; Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 1946/2018/TB-TA ngày 07/3/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

Theo bà Đoan, những yêu cầu này của tòa án là không đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính, gây khó khăn, phiền hà và kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại của công dân, đặc biệt khi bà Đoan là người già yếu đã trên 90 tuổi và mù lòa.

Khoản 2, Điều 123 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 quy định: “Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao lại và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”.

Căn cứ vào quy định nêu trên, bà Đoan không có nghĩa vụ phải cung cấp lại các tài liệu, chứng cứ theo nội dung mà Thông báo 2134/TB-TA đề cập. Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 1946/2018/TB-TA ngày 07/3/2018 của TAND tỉnh Bình Định là do Tòa án phát hành. Nghĩa là Tòa án có bản lưu rồi, tại sao lại còn phải yêu cầu công dân cung cấp Thông báo này ?.

Về thời hạn giải quyết khiếu nại, Khoản 2; Khoản 3; Khoản 4 Điều 124 Luật Tố tụng hành chính quy định: “2. Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị; 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị….; 4. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và người khởi kiện có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây: a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp; b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án”.

Như vậy, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu chỉ là 5 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán được phân công giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Đoan, ngày 14/3/2018, bà Đoan đã nộp đơn khiếu nại đến TAND tỉnh Bình Định, đến nay đã hơn 7 ngày làm việc trôi qua, bà không những không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà còn phải cung cấp cho tòa án các hồ sơ, tài liệu mà lẽ ra những hồ sơ, tài liệu này tòa án phải sao lại và lưu lại tại tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại.

Một trong nỗi mệt mỏi, đợi chờ dai dẳng của người khởi kiện trong vụ án hành chính là thụ lý đơn. Được tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án hành chính đã là một thành công vì có rất nhiều trường hợp người khởi kiện đã nộp đơn nhưng vẫn không được tòa án thụ lý giải quyết. Không biết trong trường hợp này, một cụ già ở tuổi 90 bị khuyết tật như bà Đoan còn phải chờ đợi đến bao giờ?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn