Mong giúp được nhiều hơn những ca sinh khó, sản phụ nghèo có nơi nương tựa khi vượt cạn
Dẫu đã có hẹn trước, nhưng chúng tôi vẫn phải ngồi cùng rất nhiều sản phụ và người nhà bệnh nhân khác ở ghế hành lang khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà (Q. Long Biên) - nơi bác sỹ Khải vừa nhận nơi công tác mới, gần 2 giờ đồng hồ. Tôi mạnh dạn hỏi một người khoác áo blouse trắng: "Bác sĩ Khải lại vừa mổ tiếp ca nữa, chị cố gắng đợi bác sỹ chút nữa nhé".
Khi bóng tối đã bao trùm, bác sỹ Khải từ phòng mổ đi ra với nụ cười tươi trên môi: "Xin lỗi nhà báo đã phải đợi lâu nhé, ca mổ cấp cứu khó nên mình phải cố để giúp mẹ con sản phụ an toàn đã". Phân trần như vậy, bác sĩ Khải nói tiếp: "Mình chỉ có thể vừa nghỉ giải lao, vừa tiếp chuyện bạn hơn chục phút thôi, còn nhiều bệnh nhân đang đợi mình kia kìa…".
"Mỗi ngày trôi qua với tôi dường như quá ngắn. Hết việc quản lý, tôi lại vội vã bắt tay vào việc chuyên môn, hướng dẫn, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm với những bác sĩ mới vào nghề. Hôm nào tôi về với gia đình cũng thường đã nửa đêm" - bác sỹ Khải chia sẻ.
Nhiều lần lảng tránh nói về bản thân mình, bác sỹ Khải chỉ nói về những băn khoăn, trăn trở rằng làm thế nào để có thể giúp được nhiều hơn cho những ca sinh khó, những sản phụ gặp những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Đặc biệt là những phụ nữ nghèo, người vợ của các chiến sĩ quân đội, bởi họ phải chịu đựng những cô đơn trong suốt thai kỳ khi họ cần một bờ vai để dựa vào.
Hơn 20 năm trong nghề, cho đến giờ bác sĩ Khải không nhớ mình đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca, có bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc đầu đời trên đôi tay anh, và anh đã đem lại niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình trẻ. "Sau mỗi ca "vượt cạn" cùng các sản phụ thành công đều để lại trong lòng tôi nhiều cung bậc cảm xúc, trở thành món quà tinh thần vô giá cho tôi mỗi ngày thêm say nghề" – bác sỹ Khải tâm sự.
Mới chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà làm Phó giám đốc chuyên môn kiêm trưởng khoa Sản - Nhi, bác sĩ Khải vẫn tự hào giữ vững bản lĩnh vững vàng, không để sóng gió cuộc đời, khó khăn cơm áo, gạo tiền làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của nghề. Bác sĩ Khải cho biết: "Theo nghề hơn 20 năm, đối với tôi làm việc ở đâu không quan trọng, dù là bệnh viện công hay tư nhân, tuyến Trung ương hay ở cơ sở thì đều với mục đích mang những điều tốt đẹp nhất đến với bệnh nhân, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để giúp sản phụ và người nhà có được hạnh phúc trọn vẹn".
Bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ở Nam Định, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh thanh niên viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. Một lần đến trạm xá, anh bắt gặp hình ảnh người y sĩ chăm sóc thương bệnh binh tận tình đến thế, anh chợt nung nấu ước mơ trở thành người thầy thuốc với mong muốn xoa dịu nỗi đau của người bệnh. Quyết định đó chính là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời anh.
Sau khi từ chiến trường trở về, anh học tiếp cấp 3 rồi thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Ra trường, để có cơ hội gắn bó với nghề y, anh đã phải trải qua rất nhiều nghề phụ, từ phụ hồ đến bảo vệ cơ quan…, trở thành bác sĩ thực tập không lương ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, rồi gắn bó suốt hơn 20 năm với nghề.
Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các ca đỡ đẻ khó, bác sĩ Khải cho biết: "Đối với người bác sĩ sản phụ khoa, bài toán khó nhất là trong một thời gian rất ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều và trẻ không bị ngạt. Vì vậy, mọi ca sinh nở của sản phụ đều là một ca cấp cứu, người thầy thuốc lúc nào cũng như vào trận chiến, sẵn sàng ứng phó với tất cả các nguy cơ tai biến các sản phụ trước sinh, trong sinh, sau sinh… Bởi thế, người thầy thuốc cần có bản lĩnh, tay nghề điêu luyện và lương tâm nghề nghiệp".
Theo lời bác sĩ Khải, trong quá trình làm việc, ông đã nhiều lần đối diện với nguy cơ phơi nhiễm HIV do sản phụ nhiễm HIV. Song đã là một bác sĩ sản khoa phải tuyệt đối tôn trọng sản phụ, không có chút mảy may suy nghĩ bỏ rơi hay miệt thị nào với họ. Dù sau ca mổ nguy hiểm cho sản phụ ấy, cuộc sống có thay đổi ra sao, biến động thế nào thì bác sỹ vẫn phải luôn có trái tim ấm nóng, cái đầu tỉnh táo khi đối diện với những khó khăn trong nghề".
Nói về nghề, bác sĩ Khải cho hay người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh để bệnh nhân có thể trải lòng và quên đi những đau đớn.
Tiếng gõ cửa vang lên ngắt quãng cuộc trò chuyện của tôi, một bác sĩ trẻ bước vào nói nhanh: "Phòng mổ đã chuẩn bị xong, sản phụ cũng đang chờ bác sĩ rồi ạ!". Bác sĩ Khải quay sang tôi cười nhẹ: "Đến giờ mình phải tiếp tục công việc rồi, bạn thông cảm, vì chị em đến giờ đẻ thì không "hoãn" được".
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà là một trong những bệnh viện Quốc tế kiểu mẫu ở khu vực phía Bắc - Thành phố Hà Nội. Trải qua hơn 4 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực khám, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, với các sản phụ và bệnh nhi khi đã thăm khám, điều trị tại Bệnh viện sẽ luôn được chăm sóc chu đáo, trọn gói theo tiêu chuẩn Quốc tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn