Đam mê học tiếng Trung từ năm 12 tuổi
Bà Bùi Phương Dung (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) tốt nghiệp phổ thông năm 1963, sau đó thi đỗ đại học vào khoa Ngoại ngữ tiếng Trung. Đi ngược với số đông thời bấy giờ, thay vì theo học tiếng Nga, từ năm 12 tuổi, cô bé Dung đã bắt đầu tự học tiếng Trung. "Tôi kiên trì theo đuổi việc học tiếng Trung cho đến hết cuộc đời và tôi luôn cho rằng, đấy là một cơ may, một điều hạnh phúc. Tôi biết ơn bản thân đã kiên trì tới vậy" - bà Dung chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà được đề xuất ở lại trường và giảng dạy chính thức tại các lớp chuyên ngữ khoa tiếng Trung của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội). Bà còn tiếp tục dành thêm 14 năm nghiên cứu quốc tế về Trung Quốc tại Viện Triết học, sau đó sang nước bạn theo học thạc sĩ, giảng dạy cho sinh viên người Trung Quốc về tiếng Việt và văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam (bên cạnh các bộ môn về khẩu ngữ tiếng Trung). Khi trở về nước, mối lương duyên với tiếng Trung vẫn còn đó, bà trở thành dịch giả, dịch các đầu sách văn học Trung Quốc tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Trong suốt quãng đời làm nhà giáo, bà đã dẫn dắt và đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên thành tài. Có người là nhà ngoại giao, cũng có người tiếp bước bà trở thành nhà nghiên cứu sâu về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và chắc chắn, không thể thiếu những giáo viên cũng tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê về ngôn ngữ cho học sinh như bà đã từng làm.
Bà Dung kể: "Hàng ngày, tôi vẫn giúp đỡ các bạn học cũ, học sinh cũ dịch thuật, dịch thiệp chúc mừng. Mọi người cứ bảo tại sao tôi không quên. Thật sự khi đã là đam mê, là nhân duyên, là sự nghiệp cả đời mình thì khó có thể quên lắm".
Và hành trình nuôi dưỡng niềm đam mê ngoại ngữ vẫn chưa kết thúc…
Tiếp sức cho ước mơ của các em nhỏ khuyết tật
Hiện tại, ở tuổi 81, bà Dung đã tìm thấy thêm niềm vui bên những người bạn già tại 1 trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Hàng ngày, bà cùng những người bạn mới rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động tinh thần… Những dịp đặc biệt như lễ, Tết, ngày kỷ niệm, bà Dung thường là "cầu nối" để các bạn trẻ đưa những dự án xã hội đến với những người bạn già. Khi thì biểu diễn văn nghệ, có đoàn lại đến chuyện trò - giao lưu, có nhóm sinh viên còn đến chụp ảnh cho các cụ, thực hiện chương trình Lưu giữ những khoảnh khắc đẹp các ông bà, bố mẹ. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ về việc trân trọng, gắn kết các mối quan hệ trong gia đình.
Bà Dung cũng quan niệm trong mỗi gia đình, người bà chính là người gắn kết và góp phần hình thành nhân cách của những đứa trẻ. Bởi vậy, bà chọn cách tiếp tục trao giá trị, lan tỏa tình yêu tiếng Trung tới các bạn nhỏ, thanh thiếu niên khuyết tật tại Trung tâm Vì Ngày Mai. Mỗi ngày, bà giáo lại cặm cụi soạn bài để dạy học miễn phí cho các em, giúp các bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp, việc làm, tự tin phát triển để tạo lập cuộc sống bền vững và hạnh phúc.
Giống như tình yêu dành cho tri thức và ngôn ngữ, niềm yêu nghề, theo đuổi sự nghiệp "trồng người" trong bà Dung chưa bao giờ tắt. Bà luôn muốn giúp các em cập bến bờ tri thức, trưởng thành và vươn lên, lứa sau nối tiếp lứa trước phát triển. Khi nhắc tới các thế hệ học trò, nhắc tới "gia đình thứ hai" ấy, mắt bà rạng ngời ánh lên niềm tự hào, hạnh phúc!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn