Bà hoàng được đặt tên cho Bệnh viện Từ Dũ

14:16 | 21/12/2015;
Bà là thân mẫu của vua Tự Đức, Bà nổi tiếng hiền thục và xinh đẹp, sống cần kiệm, không xa hoa và dạy dỗ con rất nghiêm.
Bản dịch cuốn Đại Nam thực lục chính biên viết: “Con thứ hai vua Hiến tổ Nhân Tông hoàng đế… Mẹ là Từ Dụ, Bác huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu”. Còn sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược cho rằng: “Ngài thờ Đức Từ Dụ rất có hiếu” nhưng khi viết về vua Thiệu Trị hoặc nói về vua Tự Đức có nhắc đến bà thì lại ghi là Từ Dũ, mà không viết là Từ Dụ.
 
Tuy nhiên theo một số tư liệu, Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, người gốc Gò Công (Nam bộ) có một người con gái tên Phạm Thị Hằng (Nguyệt), sinh ngày 18/5/1810 tại giồng Sơn Quy, huyện Tân Hòa (Gò Công) thuộc Lục tỉnh Nam Kỳ.
Bảo Sanh viện Từ Dũ xưa - Ảnh: T.L

Chuyện dân gian ở Gò Công kể: Khi sinh bà Hằng thì nước giếng Sơn Quy trong vắt, lúc sử dụng thì ít bệnh tật nên nhiều người tới đây múc nước uống vào để chữa bệnh. Nước Gò Công vốn là nước mặn, nhưng giếng giồng Sơn Quy thì mỗi ngày càng cao lên như hình mai rùa, làm cây trái ở đây đơm bông kết trái tốt tươi hơn những nơi khác nên mới có câu tương truyền: “Lệ thủy trình trường thụy, Quy khâu trúc phúc cơ” (Tạm dịch: Nước đẹp dâng điềm lành/Gò Rùa xây nền phúc).

Thuở nhỏ, bà Hằng ham đọc sách và thông hiểu kinh sử, tính nết lại hiền đức, nết na nhưng người cha lại nghiêm khắc bắt buộc con gái phải học nữ công và làm việc lặt vặt trong nhà. Vì vậy, bà Hằng không được học nhiều, do đó chữ nghĩa chỉ ở dạng… đọc hiểu. Năm 12 tuổi, thân mẫu bị bệnh quá nặng nên bà chỉ ở nhà ngày đêm săn sóc cơm cháo cho tới khi thân mẫu mất. Đến năm Hoàng đế Minh Mạng thứ 4 (1823) thân phụ của bà là Phạm Đăng Hưng cũng tạ thế, linh cữu được an táng tại quê nhà.

Năm 14 tuổi, Phạm Thị Hằng được Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ vua Gia Long) cho truyền vào cung để hầu Hoàng tử trưởng Miên Tông, vì nghe nói là người hiền thục, lại là con của quan Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng. Dịp này, con gái quan Kinh môn quận công Nguyễn Văn Nhân cũng được tuyển vào cung làm hầu cho Hoàng tử trưởng Miên Tông. Thời đó ông Nguyễn Văn Nhân ở chức cao hơn ông Phạm Đăng Hưng nên con gái ông Nhân được ở ngôi thứ cao hơn cô Hằng. Đến năm 15 tuổi, cô Hằng sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa (trưởng nữ). Năm sau cô lại sinh được công chúa thứ hai.
Hoàng Thái Hậu Từ Dụ 
Từ đây bà Hằng được Thái tử Miên Tông yêu quý hơn lịnh phi (con ông Nhân). Ngày 22/9/1829, bà Hằng sinh người con thứ ba là trai, đặt tên Nguyễn Phúc Thì (Hồng Nhậm) sau này là vua Tự Đức. Năm 1841, Miên Tông lên ngôi Hoàng đế (hiệu là Thiệu Trị) kế vị vua cha băng hà, nên phong cho bà Hằng chức Cung tần. Trong cung, bà Hằng còn làm 6 công việc hầu hạ vua như: mão (thượng quan), áo (thượng y), ăn (thượng thực), tắm (thượng mộc), chiếu (thượng tịnh) và sách (thượng thư), nên đến tháng 4/1843 (Thiệu Trị thứ ba) phong cho bà chức Thánh phi.

Năm 1849, Tự Đức năm thứ hai và các quan trong triều bưng Kim sách và Kim bảo (sách vàng và ấn vàng) kính dâng tôn hiệu bà lên chức Hoàng thái hậu. Năm Ất Mão (1855), tại ngày Khánh tiết 19/5 mừng Hoàng thái hậu 40 tuổi, vua Tự Đức gia tặng (truy tặng thêm cho người đã khuất) cho thân phụ của bà là ông Phạm Đăng Hưng lên chức Vĩnh lộc đại phu.

Tới triều Hàm Nghi nguyên niên (1885), tuân theo di chiếu làm lễ tấn tôn bà huy hiệu là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Năm 1887 (Đồng Khánh thứ hai), tấn tôn huy hiệu bà là Từ Dụ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu. Năm 1889, Thành Thái yên ngôi vua, tấn tôn bà là Từ Dụ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu, nhân dịp đại khánh tiết mừng bà 80 tuổi.

Ngày 5/4/1902, Đức Từ Dụ băng hà. Linh cữu đặt tại cung Gia Thọ. Ngày 22/5 cử hành đại lễ Tống chung bà Từ Dụ ở phần đất tốt, núi bên phải Xương lăng (lăng của vua Thiệu Trị), và được đặt là Xương Thọ lăng. Lễ tất, thần chủ của bà Từ Dụ được đưa vào Lương Khiêm điện ở Khiêm lăng (lăng vua Tự Đức), rồi đưa vào thờ ở một bàn bên hữu trong Thế miếu và ở bàn bên hữu trong Phụng Tiên điện.

Vì những đức tính và công lao của bà như trên nên sau này người miền Nam nhớ ơn chọn tên Từ Dụ để đặt tên cho một bệnh viện phụ sản tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày nay vẫn còn giữ nguyên nhưng chữ Từ Dụ trên bảng hiệu ghi là Từ Dũ. Trong khi, theo di chiếu của vua Tự Đức tấn tôn huy hiệu cho Lịnh Bà: Từ (lòng nhân từ, thương yêu), Dụ (rộng rãi). Vậy, Từ Dụ là rộng lòng nhân từ, thương yêu nhưng đa số người miền Nam cứ đọc và viết là Từ Dũ.
Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ngày nay - Ảnh: L.C.S
Cho dù chỉ một dấu nặng (.) thay bằng dấu ngã (~) nhưng hai chữ thành khác nhau cả chữ lẫn nghĩa, vì chữ Hán viết Dụ và Dũ có nét khác nhau. Khi nói phát âm sao cũng được, nhưng khi viết chúng ta phải viết cho đúng, chính xác để tránh cho những người viết nghiên cứu sau này khỏi tam sao thất bản và nhầm lẫn.

Ra đời từ năm 1923, tiền thân BV Phụ sản Từ Dũ ngày nay là một khu chuyên khoa sản trực thuộc Bệnh viện Lalung Bonnaire (nay là BV Chợ Rẫy). Đến năm 1937, thương gia Hui Bon Hoa (chú Hỏa) hiến mảnh đất riêng diện tích 19.123 m2 trên đường Arras cũ (nay là Cống Quỳnh, Q.1, TP. HCM) để xây Bảo sanh viện Đông Dương. Tuy nhiên do chiến tranh đến tháng 9/1943 mới chính thức đi vào hoạt động với khoảng 100 giường bệnh.

Năm 1944, BV đổi tên thành Việt Nam Bảo sanh viện, đến năm 1946 đổi thành Maternité George Béchamps hay "Nhà sanh Chú Hỏa". Bảo sanh viện được mang tên thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Dụ vào năm 1948 nhưng người dân cứ quen đọc và viết chệch là Từ Dũ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn