Bà mẹ 9x bày cách khiến con trở nên lịch thiệp khi nhận lì xì

22:25 | 17/01/2023;
Chị Nguyễn Phương bày cho các bậc phụ huynh một cách hay khi dạy con nhận lì xì trong dịp Tết.

Cứ đến Tết là trẻ lại háo hức nhận tiền lì xì. Hễ khách đến chơi nhà, nhiều trẻ lại chạy ào ra để được mừng tuổi. Nhận lì xì vui là thế nhưng đôi khi hành động của trẻ chưa đúng mực, khiến văn hóa ứng xử cũng như ý nghĩa nhận phong bao lì xì mất đi. 

Trước vấn đề này, chị Nguyễn Phương, 33 tuổi (huyện Tam Nông, Phú Thọ) đã chia sẻ tới các bậc cha mẹ một cách hay trong việc hướng dẫn con nhận lì xì, đảm bảo phép tắc lịch sự, thể hiện tấm lòng hiếu khách. 

Chị Phương có 3 con, lần lượt 9 tuổi, 7 tuổi và 3 tuổi. Dù 2 con đầu đã lớn, có nhận thức và hiểu được phép tắc cơ bản nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, chị luôn cùng con "ôn bài" để tránh xảy ra sự cố, sai sót. Việc đầu tiên, chị giảng cho con hiểu về ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc. Cả người nhận và người tặng phong bao sẽ đều nhận được những điều tốt đẹp trong năm mới.

Chị Phương chia sẻ: "Tôi luôn nhấn mạnh với con rằng, tiền xì xì trong tiếng Anh là "lucky money", nghĩa là đồng tiền may mắn. Vì thế, giá trị phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Phong bao lì xì còn cần thể hiện sự kín đáo, không muốn người nhận có sự so bì, tị nạnh. Do đó khi nhận lì xì tuyệt đối không được mở ngay trước mặt người tặng".

Bà mẹ 9x bày một cách khiến con trở nên lịch thiệp khi nhận lì xì, ai nghe cũng tấm tắc ngợi khen  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Phương cùng các con

"Ôn bài" đều đặn cho con trước Tết để tránh tình huống "muối mặt"

Để con hiểu rõ hơn văn hóa, phép tắc khi nhận lì xì, chị Phương thường đặt ra những tình huống cụ thể. Chị Phương tâm sự không chỉ các con chị mà tất cả những đứa trẻ đều ham vui, "dặn trước quên sau". Đôi khi, dù đã được giáo dục cẩn thận nhưng con thấy hành động của những đứa trẻ xung quanh nên sẽ bắt chước theo. 

Vì thế, chị Phương đã chuẩn bị sẵn 3 phong bao lì xì, cùng các con phân vai. Chị sẽ đóng vai khách đến chơi nhà ngày Tết. Nhiệm vụ của các con là đưa ra cách ứng xử khi nhận tiền lì xì theo những gì mẹ đã dạy. 

Trước tiên, khi được khách trao phong bao, con cần cúi nhẹ đầu và nói lời cảm ơn. Sau đó, con sẽ trao lại những lời chúc ý nghĩa tới khách. Chẳng hạn với người già là "sống lâu trăm tuổi", với người lớn tuổi "chúc sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, an vui", với những người trẻ tuổi con có thể chúc "an khang thịnh vượng, công thành danh toại". Khi chúc mọi người xong, con cho bao lì xì vào túi rồi ngồi ăn bánh kẹo, uống trà nước cùng mọi người. 

Bà mẹ 9x bày một cách khiến con trở nên lịch thiệp khi nhận lì xì, ai nghe cũng tấm tắc ngợi khen  - Ảnh 2.

Chị Phương chia sẻ: "Tôi dặn con tuyệt đối không được bóc lì xì trước mặt khách, bình phẩm giá trị tiền mừng. Con cũng không bao giờ được so bì, so sánh thiệt hơn. Bởi đó là hành động thiếu lịch sự, kém văn minh và vô tình khiến cả bố mẹ lẫn người trao lì xì xấu hổ. Tờ tiền dù có mệnh giá bao nhiêu cũng đều đáng quý, đáng trân trọng".

Vì được giáo dục kỹ lưỡng, cẩn thận nên các con chị Phương đều ngoan ngoãn, lễ phép, lịch thiệp. Đi đâu các con cũng được mọi người quý mến, dành lời khen. Và tất nhiên là chị Phương chưa bao giờ rơi vào tình huống oái oăm. Chị cảm thấy hài lòng về cách giáo dục của mình bởi giúp con hiểu đúng về phong tục lì xì ngày Tết, các giá trị không bị sai lệch, đảo lộn.

Dạy con cách giữ tiền quan trọng không kém khi nhận tiền

Chị Phương cho rằng, dạy con cách nhận tiền là điều khó. Nhưng hướng dẫn con cách quản lý tiền lì xì, tiền tiết kiệm còn khó hơn. Trẻ chưa nhận thức được giá trị tờ tiền, rất có thể tiêu xài hoang phí, không biết trân trọng. 

Để tránh tình trạng này xảy ra, chị Phương yêu cầu con nhét tiền vào lợn đất để khi số tiền đủ lớn có thể mua những món đồ giá trị. Chẳng hạn mua xe đạp điện để con đi học cho đỡ vất vả, mua máy tính xách tay, mua quần áo… Tuy nhiên, chị Phương vẫn để con dành ra một khoản nhỏ mua đồ chơi yêu thích hay đồ dùng học tập. Với những món đồ giá trị cao hơn, chị tư vấn cặn kẽ để con thay đổi ý định chứ không tỏ thái độ cấm đoán con. 

"Được dạy bảo cẩn thận nên con rất ngoan, không vòi vĩnh tiền hay tiêu xài hoang phí. Khi có nhu cầu mua sắm, con đều thông báo với mẹ chứ không tự tiện dùng tiền tiết kiệm", chị Phương cho biết. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn