Làm hướng dẫn viên và 500.000 đồng tiền học phí/buổi
Mới học lớp 4 nhưng khi nói về khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính, Phạm Hương Mai khiến nhiều người nể phục vì sự am hiểu đến tường tận, từ thông tin về diện tích, cấu trúc, lịch sử tượng phật. Hương Mai còn nhớ vanh vách từng số liệu. Đặc biệt, khi giới thiệu bằng tiếng Anh, mọi người vô cùng ngạc nhiên trước việc phát âm rất tốt và thể hiện vô cùng tự tin của cô bé học ở trường làng.
Để Hương Mai có được thành quả như ngày hôm nay phải kể đến người mẹ nông dân có “tầm nhìn” rất xa, có phương pháp dạy con rất khoa học mà không phải người mẹ nào “có bằng nọ bằng kia” cũng làm được.
Trước lớp 4, con học giỏi tiếng Anh nhưng đa phần học chay. Chị Lê Thu Hương (mẹ của Hương Mai, thôn Trung Thanh, xã Sơn Hà, Nho Quan, Ninh Bình) lúc nào cũng đau đáu việc làm thế nào để con được giao tiếp với người nước ngoài. Có như vậy, tiếng Anh của con mới trở thành ngôn ngữ sống.
Vào một ngày đầu hè vừa qua, khi thấy hai người nước ngoài đang loay hoay xem bản đồ trước cửa nhà mình, chị đã gọi ngay con gái ra hỏi chuyện họ. Chẳng thể ngờ, lần đầu nói chuyện với "Tây", Hương Mai đã rất tự nhiên, vui vẻ.
“Con đã mời họ vào nhà để nói chuyện. Và hai mẹ con quyết định làm hướng dẫn viên du lịch bằng cách dẫn họ đi Hang Bạt gần nhà. Mẹ nói tiếng Việt, con dịch sang tiếng Anh để hướng dẫn cho họ. Chuyến đi đầu tiên ấy, hai mẹ con mất hơn 500.000 đồng tiền vé thuyền và các chi phí. Đó là số tiền khá lớn với người dân ở quê nhưng với tôi, đó là tiền học phí rất đáng giá. Bởi, thấy con thích thú, hào hứng nói tiếng Anh khiến tôi rất vui”, chị Hương chia sẻ.
Sau hôm đó, chị Hương quyết định hàng ngày sẽ chở con đến Bái Đính (cách nhà 12 km) để con làm hướng dẫn viên cho khách Tây. Để làm được điều này, thời gian đầu, ngày nào chị Hương cũng vào google để tìm hiểu về mọi thứ về chùa Bái Đính. Cứ đến đâu, chị nói bằng tiếng Việt, con gái dịch sang tiếng Anh cho khách nước ngoài.
Suốt 2 tháng hè, ngày nắng cũng như ngày mưa, hành trang mang theo bên người luôn là áo mưa, mì tôm sống, chai nước lọc. Chưa kể, mỗi ngày mẹ con chị còn mất 60 nghìn đồng xe điện để đi cùng khách nước ngoài tham quan. Thế nhưng, không điều gì có thể làm chị nản. Bởi, chị thấy con tiến bộ, trưởng thành hơn mỗi ngày. Đến giờ, tiếng Anh giao tiếp của con đã rất tốt. Những kiến thức về chùa Bái Đính, con đã làu làu.
Suốt 2 tháng làm hướng dẫn viên cho người nước ngoài, không ít lần cô bé đáng yêu Hương Mai được họ thưởng tiền nhưng chị Hương quán triệt con không bao giờ được nhận. Bởi, chị muốn giáo dục con, tiền không quan trọng, kiến thức mới quan trọng và có giá trị.
Cho con “tắm” trong ngôn ngữ tiếng Anh từ lớp 1
Dù con học ở trường làng, mẹ thì ngay cả "Hello!" cũng không biết nhưng hiện nay cô bé lớp 4 Hương Mai đã học được chương trình IOE (Vi-Olympic tiếng Anh) lớp 12. Năm lớp 3, em đã “nổi đình nổi đám” ở tỉnh Ninh Bình khi được 8 giải thưởng, trong đó được vào vòng IOE quốc gia lớp 3, 4, 5, được giải Nhất IOE tỉnh Ninh Bình lớp 5.
Không phải tự nhiên mà Hương Mai giỏi tiếng Anh như vậy. Tất cả cũng nhờ bà mẹ “nửa chữ tiếng Anh không biết”. Chị Hương cho biết, từ khi con học lớp 1, chị đã lên mạng và tra google xem phương pháp học tiếng Anh hiệu quả nhất, tham khảo bạn bè trên facebook chia sẻ cách dạy con học tiếng Anh. Vì thế, khi con ở nhà, chị thường xuyên mở tiếng Anh cho con nghe, kể cả khi con đánh răng, ăn sáng…
“Tôi nhớ mãi các mẹ chia sẻ nhau, muốn con giỏi tiếng Anh thì phải cho con “tắm” trong ngôn ngữ này. Thế nên, suốt mấy năm qua, nhà tôi hầu như không xem tivi mà chỉ bật tiếng Anh để con nghe cho quen tai”, chị Hương cho biết.
Nhà chỉ có một mẹ một con nên lúc dạy con học, chị Hương chỉ biết “cậy nhờ” vào “anh” Google. Không được học cao, chỉ ở nhà làm nông nghiệp nhưng chị Hương rất chịu khó đọc sách giáo dục con, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho con.
Từ ngày con đi học, chị mày mò máy tính và tích cực học để trở thành cô giáo của con. Thế nên, ngay từ lớp 1, con đã “rinh” giải thưởng học sinh giỏi Toán của tỉnh Ninh Bình. Cũng từ đó, không ít phụ huynh, người thân mang con đến nhờ chị kèm cặp. Thế nhưng, chị không nhận kèm nhiều và thường kèm miễn phí. Bởi, chị muốn dành nhiều thời gian để “đầu tư” cho cô con gái ham hiểu biết.
Ham học và luôn đầu tư thời gian nghiền ngẫm các bài tập khó để dạy cho con, đó là bởi trước đây chị cũng ấp ủ ước mơ được trở thành cô giáo. Điều mà “cô giáo mẹ” luôn tâm niệm là: Không có tiền bạc để cho con, không đi cùng con hết chặng đường đời nên sẽ cho con tri thức và niềm tin vào cuộc sống. Con phải là người tốt bụng và dũng cảm để không chùn bước trước những khó khăn, trở ngại.