Bà mẹ ở Hà Nội gợi ý cách giúp con tổng kết và lên kế hoạch năm

21:49 | 05/12/2022;
Theo chị Hoàng Bích Thủy (Hà Nội), việc lên mục tiêu kế hoạch rất cần sự cân nhắc, suy tính thật kĩ, để làm sao phù hợp với năng lực của các con, càng cụ thể càng tốt.

Lên kế hoạch và hoạch định công việc là kỹ năng không thể thiếu đối với bất cứ cá nhân nào. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng "Khi trẻ em đã được hướng dẫn và thực hành việc lên kế hoạch ngay từ nhỏ thì khi lớn lên nó sẽ trở thành một thói quen, giúp cho trẻ dễ dàng hoạch định và sắp xếp mọi thứ một cách khoa học".

Trẻ tự lên kế hoạch học tập sẽ xác định được mục tiêu rõ ràng, có động lực học và làm bài. Khi lập thời gian biểu, bé có thể tự giác, tập trung vào bài vở, ít bị phân tán tư tưởng bởi môi trường bên ngoài, chất lượng nhờ đó được nâng cao. Và các lĩnh vực khác trong cuộc sống cũng tương tự. Một bản kế hoạch cho năm mới giúp con tận dụng thời gian của mình hiệu quả. Hơn nữa, thói quen này còn giúp con hiểu đạt được các mục tiêu của bản thân, góp phần rèn cho con ý thức kỷ luật, tính tự lập, trách nhiệm với bản thân mình.

Với gia đình chị Hoàng Bích Thuỷ (Hà Nội) - phụ huynh của hai bé gái Dương Bảo Hân và Dương Khánh Ngọc, việc lên kế hoạch và tổng kết cuối năm là hoạt động thường niên. Thông thường, vào tháng 12 hàng năm, trước Noel, ba mẹ con sẽ ngồi lại cùng nhau tổng kết để chuẩn bị sang năm mới thật sẵn sàng!

Bà mẹ ở TPHCM gợi ý kế hoạch giúp con tổng kết và lên kế hoạch năm siêu hữu ích - Ảnh 1.

Đầu tiên, 3 mẹ con sẽ chọn địa điểm - có thể là ở nhà hoặc quán cafe gần nhà. Nếu ở nhà, 3 mẹ con sẽ cùng chuẩn bị đồ uống, tự làm đồ ăn nhẹ, nến, hoa... Chỗ ngồi là phòng nào thì sẽ setup đặc biệt hơn bình thường. Chuẩn bị sổ bút... rồi offline với nhau! Ra quán cafe thì đơn giản hơn, không phải chuẩn bị gì cả.

Đặt mục tiêu theo từng giai đoạn

Khi con 1-3 tuổi, mục tiêu của con cũng là của mẹ: Tập cho con ăn được tất cả các thức ăn, tập nói tròn vành rõ chữ, tập cất đồ chơi...

Khi con 3-5 tuổi, tầm này trẻ ghi nhớ rất tốt, nên tuỳ vào khả năng và ý thích của con mà bố mẹ lên mục tiêu. Mục tiêu ngày - tuần ví dụ như: Con sẽ tự đánh răng, tự dọn đồ chơi gọn gàng sau khi chơi, không đánh nhau, rửa tay trước khi ăn mà không cần ai phải nhắc. Rèn thói quen tự giác.

Giai đoạn đến trường thì mục tiêu và thời gian dài hơn: 2 tuần - 1 tháng. Ví dụ ngày nào con cũng học bài đủ các bước, không được bỏ bước nào.

- Bước 1: ôn lại tất cả kiến thức đã được học ngày hôm nay.

- Bước 2: làm bài tập cẩn thận.

- Bước 3: soạn sách vở ngày mai.

- Bước 4: đọc trước bài ngày mai, trả lời trước các câu hỏi (nếu có).

Rồi tự chuẩn bị quần áo cho ngày mai hay là đi ngủ lúc 10h tối... Giúp bố mẹ dọn bàn ăn trước khi ăn và dọn bát đĩa sau khi ăn xong... Con sẽ tham gia 1 câu lạc bộ mà con thích mà không được bỏ giữa chừng...

Bà mẹ ở TPHCM gợi ý kế hoạch giúp con tổng kết và lên kế hoạch năm siêu hữu ích - Ảnh 2.

Bảng tổng kết năm của bé lớn nhà chị Thủy.

Tuổi teen, giai đoạn ẩm ương: Mục tiêu từ 3-6 tháng và cả năm. Ví dụ như là: Con tôn trọng tất cả mọi người, người lớn, thày cô, bạn bè, em nhỏ. Con sẽ tự dọn phòng sạch sẽ, con giúp em học bài, tập thể dục, viết nhật kí mỗi ngày, đọc sách... Con xem tivi hay điện thoại 1h/ngày.

Theo chị Thủy, việc giúp con lên mục tiêu, kế hoạch là 1 việc thật sự rất cần thiết cho sự phát triển của con. Con sẽ biết quản lý thời gian của mình, biết xác định việc nào là việc quan trọng với bản thân để dồn tâm sức vào nó. Việc nào là việc phụ, rảnh thì làm. Thấy mình tiến bộ, đạt được những gì mình đề ra là một cảm giác rất hạnh phúc! Dù trong lúc thực hiện có nhiều cám dỗ, có nản, có chán, có thất vọng... nhưng khi vượt qua rồi thì thấy rất xứng đáng với công sức đã bỏ ra.

Tuy nhiên, việc lên mục tiêu kế hoạch rất cần sự cân nhắc, suy tính thật kĩ, để làm sao phù hợp với năng lực của các con, càng cụ thể càng tốt. Không nên đặt mục tiêu là "con sẽ đạt học sinh xuất sắc cuối năm học!" vì nó rất chung chung. Thay vào đó, bố mẹ hãy cùng con xác định từng môn học, xem con cần cải thiện môn nào? Toán, Văn, Anh..? 

Chẳng hạn, Toán đang ở mức 8, sẽ đặt tăng lên 9/10. Văn ở mức 6, đặt tăng lên 7/8... Đặt cụ thể và tăng chút 1, tránh việc con sẽ bị ngợp, quá sức sẽ chán nản và bỏ dở mục tiêu. Và cách để cải thiện là như thế nào? Đọc sách giáo khoa, hỏi bạn bè, xem bài giảng trên youtube, làm nhiều bài tập...

Bà mẹ ở TPHCM gợi ý kế hoạch giúp con tổng kết và lên kế hoạch năm siêu hữu ích - Ảnh 3.

"Bạn nhà mình đã từng rất sợ môn Toán, nguyên nhân là bởi vì con học không chắc kiến thức, bài nhớ bài quên nên không tự tin, vừa làm bài vừa sợ sai. Con lên kế hoạch là sẽ không sợ môn Toán nữa! Mình đã cùng con rà soát lại tất cả kiến thức từ đầu năm học. Bài nào hiểu kỹ rồi thì bỏ qua, bài nào chưa hiểu kỹ thì học lại cho bằng hiểu thì thôi. Chậm và mất thời gian 1 tí nhưng sẽ rất chắc và sau này sẽ vượt lên rất nhanh. 

Y như rằng, sau 3 tháng, bạn ấy ở top 5. Quan trọng nhất, là con vượt qua nỗi sợ của bản thân mình! Con có được sự tự tin là mình sẽ làm được, chỉ cần cố gắng 1 chút thôi và kiên trì", chị Thủy chia sẻ.

Khi theo đuổi mục tiêu, nếu con đạt được thành tích, cả nhà sẽ cùng ăn mừng để ghi nhận sự cố gắng của con, công sức của con đã bỏ ra. Nếu con gặp khó khăn, bố mẹ giúp con nhận diện vấn đề, giúp con tìm giải pháp để con tiếp tục đi tiếp. Không nên bỏ qua, hay lảng tránh sẽ rất khó để đi đến đích.

Bà mẹ này cho rằng, có thể phải điều chỉnh mục tiêu nếu thấy không phù hợp. Không sao cả, mọi việc diễn ra đều giúp con học hỏi được nhiều bài học ý nghĩa hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn