'Bà mẹ' trẻ nhất ở làng SOS: Không muốn bọn trẻ thêm một lần mất mẹ

21:54 | 13/04/2018;
'Nhiều lúc nản mình khóc, nằm nghĩ hay là bỏ đi, nhưng rồi lại nghĩ những đứa trẻ đã gọi bằng mẹ rồi, mà tụi nhỏ đều từng mất mẹ một lần, giờ lại mất mẹ thêm lần nữa thì sau này không biết chúng phải làm sao'.

Hy sinh hạnh phúc riêng

Nép mình vào một góc ở ngã tư đường Quang Trung - Tân Sơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM), Làng trẻ em SOS Gò Vấp hiện là nơi nuôi dạy gần 300 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn.

ba-me-tre-nhat-o-lang-pnvn-41-2018.jpg
Bà mẹ trẻ nhất làng trẻ SOS Cẩm Tiên bên các con

Ở nơi ấy, có những người phụ nữ sẵn sàng dâng hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc riêng tư đời thường để chăm sóc cho những đứa trẻ kém may mắn. Trong ngôi làng ấy, Trương Cẩm Tiên (SN 1989, quê ở Bình Chánh, TPHCM) chính là người mẹ trẻ nhất làng SOS Gò Vấp.

Gia đình Cẩm Tiên có 4 anh chị em, ba mất năm Tiên học lớp 6. Năm 2015, Cẩm Tiên nói với mẹ về quyết định vào làng SOS, người mẹ đã phản đối kịch liệt, phần vì nghĩ con gái vào đây sẽ không trở về nữa, phần vì lời tuyên bố vào đây làm thì sẽ không lấy chồng nữa. “Nhưng tính mình quả quyết, đã quyết rồi thì dù mẹ phản đối vẫn xách đồ đi” - Cẩm Tiên kể.

Cô gái trẻ “đào tẩu” khỏi nhà, tìm đến làng trẻ SOS để làm mẹ khi mới 25 tuổi. Ngôi nhà Cẩm Tiên phụ trách có 6 đứa trẻ. Con của cô, đứa nhỏ nhất 6 tuổi, đứa lớn nhất 17 tuổi - kém mẹ đúng 1 giáp. Với dáng người nhỏ thó, cao chưa tới 1m50, cân nặng chưa tới 40kg, Cẩm Tiên lọt thỏm giữa những đứa con của mình.

“Bỏ nhà đi làm mẹ, nhưng nói thực lòng, lúc ấy chính mình cũng không thể lường hết được những khó khăn sẽ đối mặt. Mình đã không ít lần phải sốc”- người mẹ trẻ nói.

Cẩm Tiên kể lại, hồi đầu mới vào làng, những đứa trẻ trong nhà thấy cô quá trẻ lại quá bé nhỏ nên rất xấc xược, ăn nói trống không, quyết không chịu gọi cô bằng mẹ, thậm chí còn đấu tranh giành quyền quản nhà. Khi ấy, trong nhà có cô bé 14 tuổi lớn nhất là “cầm đầu”, kéo bè phái chống đối mẹ.

truong-cam-tien-4.jpg
Cẩm Tiên bên 'các con'

“Trong nhà lúc đó có nhiều phe phái lắm, nhớ lại vẫn thấy sợ” - người mẹ trẻ nói - “Có lần, bữa cơm mình nấu có một món mà bé lớn không thích ăn, thế là bé nói không ngon. Chỉ một câu nói của bé đó thôi là cả đám cũng buông đũa không ăn luôn. Mình sốc!”. 

Với người mẹ trẻ này, việc hòa nhập với các con đó là một quá trình chinh phục thực sự. Chẳng hạn như trường hợp của cô bé lớn nhất nhà, Cẩm Tiên kể cô thường để ý, thấy bé cũng có nhiều tâm sự, đôi lúc đi học về còn có nhiều biểu hiện như chau mày, tay nắm chặt lại. “Bé gái nhưng mà cá tính mạnh lắm.

Sau này thấy bé chát trên facebook, rồi những lúc thấy bé buồn, mình từ từ nói chuyện, trao đổi những chuyện về tình yêu giới tính, dần dần bé mới mở lòng”. Mất gần 2 năm, tất cả những đứa trẻ trong nhà mới bắt đầu gọi Tiên bằng mẹ.

 “Có lúc muốn chạy ra ngoài la thật lớn”

Không phải chỉ có áp lực từ những đứa con, mà còn có áp lực từ phía người nhà của các bé. Cẩm Tiên kể, trong số những đứa con của mình, có một cậu bé 12 tuổi có mẹ đi cải tạo. Ngày người mẹ vừa ra tù rồi vào thăm con, không biết hai mẹ con nói những gì, nhưng khi người mẹ về thì cậu bé bắt đầu nổi khùng, đập đồ, chửi thề. “Đó là một đứa trẻ có cá tính mạnh”- Cẩm Tiên nói- “và lần đó mình cũng khóc rất nhiều. Khóc vì cảm thấy bất lực, không bảo vệ được các con”.

Phải mất 1 tuần, tâm trạng của đứa trẻ mới bình ổn trở lại. Cẩm Tiên nói: “Lúc đó, mình để bé từ từ nguôi ngoai, cái đó là tình cảm ruột thịt mình không xen vào được”.

Ở tuổi hai mấy, đối mặt với sự phức tạp trong tâm lý của những đứa trẻ khiến người mẹ trẻ vô số lần cảm thấy chán nản, áp lực. “Mình nằm khóc suốt luôn, có khi còn muốn chạy ra ngoài la thật lớn nhưng không dám vì sợ người ta nói mình điên”- Tiên kể.

Dù chỉ mới có 3 năm làm mẹ nhưng cũng đủ để cô gái trẻ nếm trải bao đắng cay, ngọt bùi, hỏi có bao giờ cô thấy chán và muốn bỏ cuộc hay chưa, Tiên trả lời: “Có chứ, nhiều lúc nản mình khóc, nằm nghĩ hay là bỏ đi, nhưng rồi lại nghĩ những đứa trẻ đã gọi bằng mẹ rồi, mà tụi nhỏ đều từng mất mẹ một lần, giờ lại mất mẹ thêm lần nữa thì sau này không biết chúng phải làm sao”.

Nhưng trong một đám trẻ đó cũng có những đứa thương mẹ, thấy Cẩm Tiên lủi thủi làm cũng đi theo giúp đỡ, rồi những lúc thấy mẹ buồn khóc thì cũng sẽ an ủi.

“Đó chính là động lực để mình mạnh mẽ, đứng dậy tiếp tục cuộc sống làm mẹ”, người mẹ trẻ nhất ngôi làng SOS nói”.

"Khó khăn nhất trong việc nuôi dưỡng những đứa trẻ đó là không hiểu được các bé. Mình luôn muốn bù đắp những thiếu thốn cho các con, nhưng làm sao có thể chen vào tình cảm của bé dành cho người nhà được. Vậy nên, mong muốn lớn nhất của mình là các con có thể nói thật lòng với mình, dù nó ghét hay là thương đi chăng nữa, nhưng khó lắm", Cẩm Tiên chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn