Cuộc đời bà Ngô Thị Huệ có biết bao kỷ niệm sâu sắc, gắn bó với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đó là những ngày bi tráng không quên. Hoạt động Cách mạng khiến bà phải tiếp xúc, liên lạc với nhiều đồng chí. Sợ những người xung quanh dị nghị, để che mắt sự theo dõi của mật thám, một buổi tiệc thân mật đã diễn ra nhằm hợp pháp mối quan hệ giữa bà và đồng chí Quảng Trọng Hoàng, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ. Nhưng bà giao hẹn với ông: "Đợi đến ngày khởi nghĩa thành công, có sự chứng kiến của cha mẹ đôi bên, tôi mới thực sự là vợ anh".
Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra, bà và ông Hoàng mỗi người chia tay mỗi ngã, lao vào đại cuộc. Năm ấy bà Ngô Thị Huệ mới 22 tuổi, là Phó Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Long, chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Châu Thành. Kế hoạch khởi nghĩa tại thị xã bị lộ, địch đề phòng rất nghiêm mật. Bà đã kịp thời chuyển hướng chiến thuật, điều nghĩa quân quay lại phía sau, đánh chiếm các đồn bốt lẻ và tuyên truyền võ trang, bao vây thị xã. Đội nghĩa quân của bà được sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào, hoạt động một thời gian khá dài sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Tiếp theo đó là những ngày tù đày gian khổ. Bà bị bắt vào tù lần thứ nhất rồi được thả. Bà lại bị bắt vào tù lần thứ hai, bị kết án chung thân khổ sai. Cũng sau Nam Kỳ khởi nghĩa, Quảng Trọng Hoàng bị bắt vào tù, bị kết án tử hình. Họ vẫn gửi cho nhau những bài thơ tràn đầy niềm tin ngày chiến thắng và nghĩa khí của những con người dấn thân cho lý tưởng. Cho đến khi ông bị đưa ra pháp trường cùng nhiều đồng chí nữa, bà đau đớn hiểu rằng chẳng còn dịp nào nữa để bà đưa người ấy trở về quê hương, ra mắt họ hàng của bà.
Năm 1945, nhân dân ta vùng lên giành chính quyền. Bà được thoát khỏi nhà tù, trở lại quê hương hoạt động. Người dân lúc đó có một suy nghĩ giản dị: "Một người phụ nữ mới 22 tuổi bị bắt vào tù sau Nam Kỳ khởi nghĩa, bị kết án chung thân khổ sai, đã qua thời gian thử thách trong nhà tù sẽ không phản bội lại nhân dân…". Và thế là họ đã dồn những lá phiếu cho bà. Bà không thể quên được chuyến đi họp Quốc hội đầu tiên ra Trung ương: "Thật là bỡ ngỡ… Tôi cũng không lường hết được những gian khổ, hiểm nguy. Lúc ấy, chúng tôi không thể đi công khai. Đoàn đại biểu đi trên một chiếc ghe đánh cá ngụy trang. Tôi đi với anh Bạch, anh Quang, anh Nguyễn… Ba anh thay nhau lái, đôi lúc tôi cũng cầm lái. Tôi chỉ có được bộ bà ba trên người suốt hành trình trên biển vì va-li đựng quần áo và các vật dụng thiết yếu bị thất lạc. Tàu đến mũi Cà Mau, qua biên giới đến Thái Lan. Ở đây, chúng tôi được Việt kiều ra đón. Mãi đến cuối năm 1946, tôi mới về được Hà Nội. Sau khi họp Quốc hội, toàn quốc đã đi vào kháng chiến. Đảng có chủ trương đưa các đồng chí người miền Nam trở về Nam. Tôi đi cùng anh Ba Duẩn, Quản Trọng Linh vào Nam. Tôi háo hức được trở về Nam, được gặp lại đồng bào Nam bộ. Niềm vui đó khiến bao gian khổ trên chặng đường về vơi đi. Tôi về đến Sài Gòn vào cuối năm 1947. Anh Mười Cúc (sau là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) lúc đó là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định ra đón chúng tôi. Tôi còn nhớ lúc đó anh mặc một chiếc áo sơ mi vá vai …".
Mải dấn thân làm Cách mạng, đến năm 29 tuổi, bà mới lập gia đình. Người đàn ông bà chọn làm người bạn đời lý tưởng chính là vị Bí thư Thành ủy mặc chiếc áo vá vai đi đón bà năm ấy. Vẫn còn nguyên vẹn những ký ức ban đầu, về chiếc áo vá vai, dù đã nhiều năm trôi qua. Từ ngày ấy, hai người đồng chí gắn bó cuộc đời với nhau. Và cuộc đời họ gắn liền với bao biến động của đất nước.
Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, năm 1959, bà mang ba con ra Hà Nội, chồng bà ở lại miền Nam hoạt động. Họ đã chịu cảnh xa cách nhau đúng 15 năm. Ngoài những trọng trách bà mang trên đôi vai: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương, bà cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác với những gian khổ, nhọc nhằn thời chiến tranh phải chịu đựng: Xa chồng, một mình nuôi con, vừa tham gia công tác. Như bao người mẹ thời miền Bắc bị Mỹ ném bom, bà vừa lo cho con đi sơ tán, vừa chăm lo những người con của các đồng chí miền Nam gửi ra Bắc. Chị Trần Hồng Ánh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, con gái ông Trần Bạch Đằng; chị Thế Thanh, nguyên Tổng biên tập Báo phụ nữ - con gái ông Năm Sài Gòn (Anh hùng Nguyễn Thế Truyện)... là những học sinh miền Nam từng được bà chăm sóc...
Riêng tôi không bao giờ quên được hình ảnh của bà ngày đầu đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ công tác, ra mắt các dì. Năm ấy (1990), tôi còn rất trẻ, nghe nói bà Bảy Huệ, một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ, phu nhân Tổng Bí thư, nên có chút tò mò. Và tôi thật bất ngờ khi sau cánh cửa gian bếp hẹp của cơ quan, phu nhân Tổng Bí thư dung dị trong bộ quần áo bà ba đen đang cọ rửa một đống ly tách (sau này tôi được biết các dì vừa tiếp một đoàn khách quốc tế, tự tay dì Bảy Huệ rửa và xếp đặt những chiếc ly, tách trà vào ngăn tủ cơ quan).
Cũng từ ngày 19/5/1990, tôi gắn bó với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hơn 30 năm cho đến ngày về hưu. Những ngày đầu tiên của tôi đến với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thật không dễ dàng. Cá tính mạnh mẽ có phần "lập dị", vào cơ quan, ngoài công việc, tôi cắm mặt vào quyển sách. Đọc, đọc và viết, tôi chẳng màng chú ý đến ai. Tất nhiên những lời xì xầm của đồng nghiệp đến tai các dì. Hôm ấy, tôi đang ngồi ở phòng khách đọc sách, dì Bảy Huệ bước vào. Với sự nhạy cảm của mình, tôi ái ngại xếp quyển sách lại, đầy cảnh giác. Dì nhìn tôi cười, nụ cười thật hiền, hồn hậu, thấu hiểu: "Con đọc sách đi. Thời giờ trống đọc sách thì quá tốt con à!". Tôi nhìn dì, tự dưng rơi nước mắt...
Cũng từ đó, tôi gắn bó với các dì trong công tác, tìm lại các nhân chứng lịch sử, các dự án xây dựng nhà tình nghĩa, những công trình phim tài liệu về phụ nữ. Nhờ tầm nhìn và tấm lòng của các dì mà Bảo tàng có được những bộ phim tài liệu quý hiếm: "Chân dung người mẹ", "Ngày ấy Trường Sơn", "Niềm vinh quang lặng lẽ", "Những người con gái trong khởi nghĩa Nam Kỳ"... Và quyển sách lịch sử truyền thống phụ nữ Nam bộ do các dì chủ biên là một gia tài quý báu gửi lại cho thế hệ sau...
Lần lượt các dì thuộc Tổ sử Phụ nữ Nam bộ ra đi. Bà Mười Thập (Nguyễn Thị Thập); Đại tá, Anh hùng Hồ Thị Bi; dì Trương Thị Thu... Rồi giờ đây, chúng tôi ngậm ngùi tiễn đưa dì Bảy Huệ về trời. Dì ra đi để lại biết bao tình. Tôi nhớ mãi lúc quyết định một mình sinh con, đương nhiên tôi phải đối mặt nhiều "sóng gió". Sau này, dì Bảy Huệ nói với tôi, cảm thông và chia sẻ: "Không phải mấy dì khe khắt mà thương con quá. Con là đứa con gái tốt, xứng đáng được hưởng hạnh phúc lại phải một mình lội ngược dòng. Người ta vợ chồng có đôi mà nuôi một đứa con còn chật vật, khó khăn. Con chỉ có một mình... làm sao nuôi nổi hai đứa con đây?!". Một lần nữa, tôi nhìn dì, rơi nước mắt vì sự thấu hiểu, sẻ chia. Sau này, khi tôi không còn ở cơ quan, dì vẫn hỏi thăm, rất vui vì biết cuộc sống tôi ổn và những đứa trẻ ngoan ngoãn, trưởng thành.
Cuộc đời trải qua hơn thế kỉ, nếm trải vinh quang và cay đắng, đi qua những khúc quanh thăng trầm của lịch sử, bà vẫn là bông hoa huệ trong trắng, thơm ngát và tỏa sáng tấm lòng trung kiên, nhân hậu của người phụ nữ Nam bộ đối với đồng bào và sự nghiệp Cách mạng. Giản dị mà đường bệ, cẩn trọng mà gần gũi, chân tình, bà là một hình ảnh đầy thuyết phục cho những người tuổi trẻ chúng tôi nhìn lại chính mình. Sống qua hai thế kỷ, trọn tình với nước non. Dì Bảy Huệ đi về thế giới bên kia còn để lại biết bao tình...
Bà Ngô Thị Huệ (tên cha mẹ đặt là Ngô Thị Ngỡi) sinh năm 1918, tại làng Mỹ Qưới, huyện Phước Long, Sóc Trăng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV, huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Bà từng là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM. Bà cùng 11 cán bộ phụ nữ lão thành dốc sức sáng lập, xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, nhà nước, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao, sức yếu, bà đã từ trần vào lúc 20 giờ ngày 5/6/2022, hưởng thọ 104 tuổi theo giấy tờ (tuổi thật là 105 tuổi). Linh cữu bà quàn ở Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TPHCM). Lễ viếng được tổ chức lúc 9 giờ ngày 7/6. Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 9/6, an táng tại Nghĩa trang TPHCM.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn