Ba người trong một gia đình bị lây nhiễm quai bị sang nhau

17:24 | 21/08/2018;
Chỉ trong 20 ngày, gia đình L. có 3 người bị quai bị. Trong đó, hai bố con bệnh nhân hiện đang cùng điều trị tại BV.
Ngày 21/8, BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhân N.Q.L. (15 tuổi) bị quai bị. Đáng nói, chỉ trong 20 ngày, gia đình L. có 3 người bị quai bị. Trong đó, L. và bố cùng đang điều trị tại BV Hùng Vương.
 
Trước đó, ngày 15/8, bệnh nhân được đưa đến BV trong tình trạng đau tuyến nước bọt hai bên, đau tinh hoàn trái. Qua các cận lâm sàng bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị quai bị, biến chứng viêm tinh hoàn nên tiến hành điều trị.
 
Đến ngày 18/8, bố bệnh nhân là N.Q.V. (43 tuổi) cũng vào nhập viện trong tình trạng mặt biến dạng do quai bị.
 
Mẹ bệnh nhân cho biết, cách đó 20 ngày cũng bị quai bị và đã điều trị khỏi. Sau khi con trai xuất hiện triệu chứng sưng hai bên má gia đình đã tự điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm và xuất hiện đau sưng tinh hoàn không thể đi lại được. Mẹ bệnh nhân cũng thừa nhận, cả gia đình 3 người chưa ai tiêm vaccine phòng bệnh.
8527eb15-b9c5-4168-a554-e59d5992edce.jpg
Một bệnh nhân bị quai bị đang được bác sĩ chăm sóc

 Hiện tại, bệnh nhân L. sức khỏe đã ổn định và có thể ra viện trong vài ngày tới. Bố bệnh nhân đã cắt sốt và bớt sưng nhưng vẫn cần theo dõi, điều trị sát.

 

Theo các bác sĩ, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh nhân bị bệnh có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh.
 
 Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì). Với nam giới, khi bị virus tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn sau này.
 
Hiện nay, bệnh quai bị có thể phòng tránh. Để đề phòng, người dân nên  tiêm vaccine hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị- rubella).
 
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn