Cô Lưu (Trung Quốc) vừa mới sinh con gái cách đây không lâu, đó là một bé gái rất kháu khỉnh, khỏe mạnh. Cô Lưu đã có con trai đầu lòng rồi nên giờ có thêm một bé gái khiến cả gia đình rất vui.
Từ khi đứa bé chào đời rất ít quấy khóc, thỉnh thoảng mở đôi mắt to tròn, đen láy nhìn mẹ, cảm giác này khiến cô ngập tràn hạnh phúc.
"Ôi sao lại như thế này", tiếng mẹ chồng kinh ngạc hét lên làm mọi người giật mình. Hóa ra bà phát hiện cháu mình mới sinh mà đã mọc một chiếc răng ở hàm bên dưới.
"Sao lại mọc răng được, liệu nó có làm sao không mẹ", dù đã sinh con thứ 2 nhưng cô Lưu chưa từng nghe tới việc một đứa trẻ sơ sinh đã mọc răng, thông thường ít nhất trẻ 6 tháng mới mọc răng.
"Răng này không được phép mọc, trước đây mẹ từng nghe mọi người nói về loại răng này. Nó còn được gọi là răng ma, mang lại xui xẻo, ảnh hưởng tới em bé và việc bú sữa, cần phải nhổ đi", mẹ chồng cô Lưu nói.
Khi nghe mẹ chồng nhắc tới việc nhổ răng cho một đứa bé mới sinh, cô Lưu cảm thấy rất lo lắng: "Bé còn nhỏ như vậy, nhổ răng lại rất đau đớn, làm sao mà chịu được. Liệu có thực sự cần phải nhổ răng không".
Để chắc chắn hơn, cô Lưu đã tới gặp một bác sĩ nhi xin tư vấn về trường hợp của con mình. Sau khi quan sát tình trạng của em bé, bác sĩ nói: "Đây gọi là răng sơ sinh, qua kiểm tra thì thấy nó không lung lay, không cần nhổ, sẽ tự rụng như răng sữa thông thường".
Nghe bác sĩ nói vậy, cô Lưu vô cùng yên tâm và muốn hỏi thêm chi tiết về loại răng sơ sinh này.
Bác sĩ cho biết, răng sơ sinh là một loại răng sữa mọc sẵn từ trước. Khi trẻ lớn dần, chúng sẽ mọc răng sữa, sau đó là thay bằng răng vĩnh viễn. Trong trường hợp em bé có răng sơ sinh, mọi người không cần quá lo lắng, cứ để nó phát triển bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý về loại răng này như:
- Nếu răng sơ sinh có dấu hiệu lung lay, có nguy cơ bị nuốt nhầm, cần phải nhổ bỏ.
- Răng sơ sinh mọc ở vị trí đặc biệt, khiến miệng trẻ liên tục cọ vào, dẫn tới lở loét miệng kéo dài không khỏi, không còn cách nào khác thì mới nhổ bỏ.
- Răng sơ sinh cũng là răng sữa, khi đã mọc thì cần chú ý vệ sinh và chăm sóc răng theo cách bình thường để tránh bị sâu răng.
Bác sĩ còn nói thêm rằng, vì răng sơ sinh mọc trước nên nếu cho con bú sữa mẹ, người mẹ có thể phải chịu đau một chút. Trong trường hợp không thể chịu được, người mẹ có thể nghĩ tới giải pháp cho sữa mẹ vào bình sữa để con bú.
Sau khi nghe bác sĩ tư vấn kỹ như vậy, cô Lưu cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm. Mẹ chồng đi cùng cũng hoàn toàn tin lời bác sĩ nói và không còn lo lắng nữa.
- Răng sơ sinh
Một số người cho rằng, sự tồn tại của răng sơ sinh sẽ ảnh hưởng tới việc bú sữa của trẻ, cần phải nhổ đi. Trên thực tế, răng sơ sinh là một hiện tượng sinh lý bình thường, nếu nó từ từ lặn xuống, tuyệt đối không được cạy lên để nhổ, nếu không sẽ nhiễm trùng.
- Tuyến vú sưng đỏ, có tiết sữa
Dù là bé trai hay bé gái, trong những ngày đầu mới sinh, một số trẻ sẽ bị tuyến vú sưng đỏ, thậm chí tiết ra sữa. Bạn đừng quá ngạc nhiên, đây cũng là một điều rất bình thường.
Sau khi sinh, estrogen của người mẹ trong cơ thể em bé được chuyển hóa hoàn toàn, hiện tượng sưng đỏ ở tuyến vú sẽ dần biến mất.
- Bé gái có kinh nguyệt giả
Một số bé gái khi mới chào đời, âm đạo sẽ tiết ra một ít máu, hiện tượng này xảy ra là do lượng estrogen trong cơ thể bị mất đi đột ngột, không phải kinh nguyệt thật.
Trong trường hợp này, cha mẹ không cần quá lo lắng, hiện tượng "kinh nguyệt giả" sẽ dần biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu trường hợp máu chảy nhiều, bạn cần phải liên hệ với bác sĩ gấp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn