'Bà trùm' rau đất Cảng đánh đổi nhiều thứ khi làm thực phẩm sạch

15:45 | 14/05/2018;
Tự mình dò dẫm, trả giá, đánh đổi nhiều thứ khi làm sản phẩm sạch là những gì chị Trần Thanh Diệp - “bà trùm” rau đất Cảng phải đối mặt khi dấn thân vào lĩnh vực sản xuất rau an toàn trong nhà kính.
Thời gian làm việc trong ngành y tế, có dịp cùng các đoàn đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quận, huyện tại tỉnh Hải Phòng, chị Trần Thanh Diệp nhận thấy những vụ ngộ độc thực phẩm, vi phạm vệ sinh an toàn diễn ra ở khắp mọi nơi. Chất lượng rau quả đang bị thả nổi, đặc biệt, rau quả nhập từ Trung Quốc ngày càng nhiều trên thị trường. Một trong những nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng rau còn nhiều dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật.
tran-thanh-diep-4.jpg
Nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng ngày càng nhiều nhưng thị trường còn bỏ ngỏ
 
Thực phẩm an toàn trên thị trường vẫn đang trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn”. Dù mức sống ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường ngày càng nhiều, nhưng tại thành phố hoa phượng đỏ, nơi chị sống, vẫn chưa đơn vị nào có thương hiệu đủ uy tín để tạo lòng tin cho người tiêu dùng khi nhắc tới rau an toàn.
 
tran-thanh-diep-3.jpg
Chị Trần Thanh Diệp chọn trồng rau củ trong nhà kính làm hướng đi riêng

 

Mong muốn làm ra những sản phẩm an toàn, trước hết là cho bản thân và gia đình, năm 2011, chị Trần Thanh Diệp đã quyết định đầu tư vào sản xuất rau an toàn.
 
“Bà trùm” rau nhà kính đất Cảng
 
Quyết định trồng rau củ trong nhà kính để bảo đảm an toàn và kiểm soát bệnh dịch chặt chẽ, chị Trần Thanh Diệp dốc hết vốn liếng tích góp được để thuê đất, đầu tư vào sản xuất. Thuê 5.000m2 tại Hải Dương, thí điểm trồng khoai tây, dưa chuột, cà rốt, chị Diệp nhớ lại: “Lúc đó, sản phẩm làm ra chủ yếu là đem tặng, khuyến mãi để giới thiệu sản phẩm sạch đến với mọi người”.
 
tran-thanh-diep-5.jpg
Hiện nay, chị Diệp đầu tư chuyên sâu và bao tiêu các sản phẩm rau củ quả công nghệ cao tại trên 80 nhà kính

 

Sau một thời gian sản xuất, 3-4 nhà kính mang tên gọi Ziepfood không đủ cung cấp đa dạng các chủng loại rau, củ đáp ứng nhu cầu thị trường. Số vốn hiện có không đủ để đầu tư thêm hệ thống nhà kính mới, chị Thanh Diệp đã lặn lội đến những vùng nông nghiệp khác, liên hệ với các nhà kính, nhà màng, cung cấp hạt giống, chuyển giao công nghệ, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, để tự chủ nguồn nguyên liệu bán ra thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty và xuất khẩu.
 
Dò dẫm và trả giá một mình
 
Nhìn lại chặng đường đã qua, “bà trùm” rau nhà kính không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má vì tủi thân, vì những điều quý giá mình phải đánh đổi khi dấn thân vào nông nghiệp sạch.
 
Những ngày đầu tiên, đó là những thất bại trong quy trình sản xuất, thất bại khi đàm phán, ký kết hợp đồng, là những nghi ngại của người xung quanh về chất lượng sản phẩm. Một mình dò dẫm, không đếm nổi bao nhiêu lần chân tay rướm máu, chán nản, định buông xuôi vì công sức bị đổ xuống sông xuống bể.
 
tran-thanh-diep-7.jpg
Những chùm quả chín này đã lấy đi của chị Diệp không ít mồ hôi, nước mắt và cả máu
 
Không ít lần chị Trần Thanh Diệp đã muốn rời Hải Phòng đi nơi khác lập nghiệp vì những khó khăn trong cơ chế, chính sách, nhưng chỉ cần một lời động viên của khách hàng, chị lại nấn ná tiếp tục ở lại Hải Phòng, mang nguồn thực phẩm sạch đến cho người dân thành phố hoa phượng đỏ.
 
Chị Diệp chia sẻ: “Cũng như bao phụ nữ khác, mình cũng có gia đình, có con nhỏ cần chăm sóc. Nhưng suốt 3 năm nay, mình phải để con tự xoay sở. Không có thời gian đưa đón con đi học, không biết con học gì, chỉ biết ký giấy và đóng tiền, thậm chí cả nhà còn không ăn cơm cùng nhau. Từ 6h sáng đến 12h đêm, lúc nào cũng kè kè máy tính và điện thoại bên người để trò chuyện với khách hàng. Những việc cá nhân như tắm rửa hay thảnh thơi ăn một bữa cơm dường như là quá xa xỉ.
tran-thanh-diep-2.jpg
"Sự mất cân bằng trong cuộc sống và công việc là cái giá đắt nhất mình phải trả khi khởi nghiệp"
 
Đổi lại, hiện tại, chị Thanh Diệp đã đầu tư chuyên sâu và bao tiêu các sản phẩm rau củ quả công nghệ cao đạt tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap tại trên 80 nhà kính, nhà lưới, nhà màng, có 2.000 khách hàng thân thiết và cung cấp sản phẩm cho hơn 50 khách sạn, nhà hàng, siêu thị, các công ty cơm hộp, công ty xuất ăn công nghiệp tại Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh và TP.HCM.
 
Mong ước triển khai chuỗi nhà kính trồng mẫu sản phẩm tiêu biểu, cho khách hàng đến tham quan, là nơi tư vấn cho người sản xuất cây giống, tình trạng phát triển, bệnh dịch… của cây trồng đang được chị Trần Thanh Diệp ấp ủ triển khai trong thời gian tới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn