Từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức 65 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, trên 5 ngàn cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên qua đến bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người... Thực hiện tư vấn trực tiếp trên 700 vụ việc về hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ 42 vụ việc, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết 36 vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Tiếp nhận, giải quyết 1.382 đơn thư, phối hợp thực hiện hòa giải 2.469 vụ mâu thuẫn vợ chồng, làng xóm, bạo lực gia đình.
Hàng năm, các cấp Hội tổ chức giám sát việc thực thi pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình lồng ghép trong các hoạt động của Hội. Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 53 cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quân liên quan ở cấp huyện và cơ sở. Qua giám sát, Hội LHPN tỉnh đã chỉ ra những điểm mạnh cần phát huy và những hạn chế, tồn tại cần khắc phục để các địa phương nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình, đại biểu Hội đồng nhân dân, các cấp Hội chủ động và phối hợp tham gia trên 2.000 cuộc giám sát về các vấn đề văn hóa xã hội, việc triển khai thi hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, việc thực hiện Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình… Sau giám sát, đã có 295 ý kiến kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Để phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em, các cấp Hội chủ động tham mưu, đề xuất tổ chức 261 diễn đàn đối thoại giữa cán bộ, hội viên phụ nữ với các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp. Tại các diễn đàn, đã có gần 3.000 ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên phụ nữ về các lĩnh vực như: chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, hội viên phụ nữ và bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, lao động, việc làm... được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đã tiếp thu, trực tiếp trao đổi, trả lời làm rõ.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 200 mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở 100% xã/phường/thị trấn với 2.795 thành viên tham gia. Các mô hình Địa chỉ tin cậy tại động đồng đã hòa giải được 480 vụ mâu thuẫn gia đình, tư vấn, tiếp nhận, giúp đỡ trên 40 nạn nhân bị bạo lực gia đình/bị mua bán trở về…
Bên cạnh đó, tại các cơ sở Hội còn thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả nhiều mô hình như: "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới", câu lạc bộ "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; CLB/tổ phụ nữ phòng chống TNXH, phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em, phụ nữ với pháp luật; câu lạc bộ/tổ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ "Dân số - KHHGĐ", "Gia đình hạnh phúc", "Gia đình không vi phạm chính sách dân số"...
Những hoạt động trên của các cấp Hội LHPN Bắc Giang đã thể hiện rõ vai trò trong hỗ trợ, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, góp phần tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững ở địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn