Căn bệnh người dân tộc thiểu số có tỷ lệ mắc cao
Theo báo cáo của Việt Huyết học- Truyền máu Trung ương, Việt Nam có tới 13,8% dân số mang gene bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia). Trong đó, có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Ước tính mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó, khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng. Trong 54 dân tộc ở Việt Nam, 6 dân tộc chủ yếu ở miền núi phía Bắc như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao và Mông có tỷ lệ mang gen và mắc bệnh Thalassemia khá cao. Trong đó, 26,1% ở dân tộc Tày; 25,5% ở dân tộc Dao, 24,7% ở dân tộc Nùng… Vì thế, mỗi năm, cả nước cần trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân được điều trị ở mức tối thiểu và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.
Nằm trong khuôn khổ chương trình, mới đây Viện Huyết học Truyền máu Trung ương phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị triển khai và tập huấn hoạt động phòng, chống bệnh thalassemia năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết: "Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền và hiện nay đang gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể coi đây là "quả bom nổ chậm" làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn tài chính quốc gia.
Xuất phát từ thực tế trên, Viện Huyết học - Tryền máu Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề xuất với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025".
TS.BS. Vũ Đức Bình cũng nhấn mạnh: Tư vấn, sàng lọc trước hôn nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng bệnh thalassemia và ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm của Sở Y tế cũng như các cơ quan, ban ngành của tỉnh Bắc Giang đối với vấn đề thalassemia.
Trong giai đoạn này, chương trình sẽ tập trung vào các hoạt động: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh thalassemia; Tập huấn, nâng cao kiến thức về bệnh cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện; Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và tiến tới xây dựng mô hình tầm soát bệnh thalassema tại địa phương.
Bắc Giang hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh thalassemia
Bắc Giang là tỉnh miền núi với dân số khoảng trên 1,9 triệu người, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 27%. Riêng tại Khoa Nội Nhi - Bệnh viện Sản Nhi của tỉnh đang quản lý và điều trị cho khoảng 80 trẻ từ 6 tháng - 15 tuổi bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó đa số bệnh nhi là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.
ThS. BS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Chương trình sàng lọc trước sinh Thalassemia tại Bắc Giang đã bắt đầu được thực hiện nhưng chưa được triển khai rộng rãi và phổ biến. Trong khi tỷ lệ trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia ở Bắc Giang hiện nay vào khoảng 0,61/1.000 trẻ và thuộc nhóm 21 tỉnh có tỷ lệ trên 0,5/1.000 trẻ sinh ra bị căn bệnh này.
Trước thực trạng trên thì việc triển khai Dự án phòng chống bệnh Thalassemia trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thực sự rất cần thiết để hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh thalassemia, tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho người bệnh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh".
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tích cực chia sẻ tình hình thực hiện các biện pháp tư vấn, sàng lọc bệnh thalassemia đã được triển khai cũng như những khó khăn hiện tại của đơn vị.
Ngoài ra, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đã tập huấn cho các bác sĩ chuyên khoa sản, nhi, Huyết học - Truyền máu… của Bắc Giang về chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh Thalassemia.
Bên cạnh đó, Viện cũng đã lấy mẫu máu và triển khai xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia cho tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai và tập huấn hoạt động phòng, chống bệnh Thalassemia năm 2022.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn