Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong thời gian qua, công tác cán bộ nữ của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiệm kỳ 2015 – 2020 tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh đạt 14%; cấp huyện đạt 19,2%; cấp xã đạt 20,65%. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khoá XIV chiếm 66,66% và nhiệm kỳ 2016-2021 nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm 40%; cấp huyện chiếm 29,46%, cấp xã chiếm 25,18%. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh có lãnh đạo quản lý là nữ: Cấp trưởng ngành chiếm 10,26%; cấp phó trưởng ngành chiếm 24,39%, cấp trưởng phòng và tương đương chiếm 28,87%, cấp phó phòng và tương đương chiếm 39,25%.
Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, các tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện, tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cơ chế phối hợp liên ngành được quy định rõ vai trò trách nhiệm của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành huyện, thành phố trong chỉ đạo triển khai Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới gắn với thực hiện các hoạt động truyền thông các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thay đổi căn bản và sâu sắc nhận thức về giới, ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình.
Lý giải về những kết quả đạt được, theo bà Hà Thị Liễu- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ quan điểm và sự nhiệt tình quan tâm chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu mà cụ thể ở đây là từ Bí thư tỉnh ủy cũng như Ban thường vụ tỉnh ủy.
Đơn cử như để đạt được tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội 66,66% tỉnh đã chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ nữ từ các vòng hiệp thương luôn đạt ở mức cao. Sau 3 vòng hiệp thương, tại Bắc Kạn tỷ lệ nữ ứng cử viên Đại biểu Quốc hội đã đạt con số 70%.
Bằng chỉ thị 21 Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan ban ngành trong tỉnh nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử đạt mức cao nhất có thể.
Cùng với đó, UBND tỉnh cụ thể hóa chỉ thị thành kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm đạt chỉ tiêu này.
Bên cạnh đó, với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh tổ chức hội thảo mời đại diện các cơ quan làm công tác cán bộ như Ban tổ chức tỉnh ủy, Sở nội vụ, Ban tổ chức các huyện ủy cùng bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ trong các cơ quan đồng thời quán triệt chủ trương của tỉnh ủy đến các sở ngành và địa phương. Tại hội thảo các địa phương đã làm tốt công tác cán bộ nữ sẽ trình bày tham luận kinh nghiệm cũng như bài học thành công, cùng trao đổi với các đơn vị làm chưa tốt công tác cán bộ nữ.
Một nguyên nhân nữa, theo bà Hà Thị Liễu, đó là tỉnh Bắc Kạn đã tập trung làm tốt từ khâu quy hoạch đào tạo cán bộ nữ. Theo đó, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bổ nhiệm được tiến hành liên tục và bổ sung cho nhau. Sau khi quy hoạch cần tạo điều kiện để cán bộ nữ được đào tạo bồi dưỡng cũng như cần phải mạnh dạn giao việc để họ đảm nhận và dần trưởng thành. Khi cán bộ nữ đã đủ năng lực sẽ được quy hoạch và bổ nhiệm vào vị trí cao hơn.
Với việc đạt được tỷ lệ nữ cao trong các cơ quan dân cử, trong nhiệm kỳ này tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp các đại biểu nữ đã sôi nổi thảo luận, chất vấn về những nội dung có liên quan đến bình đẳng giới, quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em cũng như lồng ghép giới trong những chính sách kinh tế xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn