Bắc Kạn: Khuyến nghị 9 giải pháp giảm vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em

22:29 | 23/10/2024;
Từ năm 2019 đến năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 297 vụ bạo lực gia đình và 72 vụ xâm hại trẻ em, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Một số ít vụ mang tính chất nghiêm trọng, cá biệt có vụ việc đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến nạn nhân bị tử vong.

Đây là thông tin do chị Triệu Thị Thắm - Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn - phát biểu tham luận tại Hội nghị "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo" do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Thông tin tại tham luận cho biết: Căn cứ vào kết quả nghiên cứu tình hình thực tiễn triển khai các hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho thấy số vụ việc bạo lực gia đình đã có chiều hướng giảm qua các năm. Cụ thể năm 2019 là 86 vụ, năm 2022 có 44 vụ, năm 2023 còn 39 vụ. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực gia đình, bạo lực học đường bởi trong thực tế số vụ việc xảy ra cao hơn số liệu thống kê. Đối với các vụ việc xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây: Năm 2019 có 7 vụ, năm 2023 xảy ra 22 vụ. Đồng thời vẫn còn 235 cặp tảo hôn/4.139 cặp kết hôn (giai đoạn 2021-2023).

Theo chị Triệu Thị Thắm, hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em, những tác động ảnh hưởng của mạng xã hội đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện rất tích cực, đặc biệt là từ khi triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đạt kết quả nhất định.

"Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục. Đối tượng được nghe tuyên truyền chủ yếu là hội viên phụ nữ. Đối tượng gây ra bạo lực, xâm hại trẻ em là nam giới nhưng số nam giới được nghe tuyên truyền chiếm tỷ lệ thấp. Đời sống của nhiều người còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Họ bận rộn tìm kiếm kế sinh nhai nên chưa dành được nhiều thời gian chăm sóc, giáo dục con cái và tiếp cận thông tin để nâng cao kiến thức, năng lực cho bản thân", chị Triệu Thị Thắm cho biết.

Bắc Kạn: Khuyến nghị 8 giải pháp giảm vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em- Ảnh 1.

Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Chính vì những nguyên nhân trên dẫn đến nhiều hậu quả. "Đó là, tại các trường học vẫn còn tồn tại tình trạng bạo lực học đường. Ở các địa phương vẫn còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3, xâm hại tình dục trẻ em. Các mô hình được xây dựng, thành lập nhưng duy trì chưa thực sự bền vững, hiệu quả trong đó bao gồm cả các mô hình của Dự án 8 "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ tin cậy", Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố chưa có cơ chế khuyến khích thu hút sự tham gia tích cực, năng lực, phương tiện hoạt động truyền thông chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra", chị Triệu Thị Thắm cho biết.

Vì vậy, cần thiết phải có các giải pháp phù hợp, hiệu quả tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. 

Theo chị Triệu Thị Thắm, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn có một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng thực hiện tốt công tác này. 

Thứ hai, các cấp, các ngành trong tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền đi vào chiều sâu và tạo được sức lan tỏa rộng trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mọi người dân. 

Thứ ba, bố trí ngân sách đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các hoạt động nhằm duy trì bền vững, hiệu quả các mô hình sau khi thành lập. 

Thứ tư, thường xuyên đổi mới nội dung, ứng dụng công nghệ số, đa dạng hình thức tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng đích (nam giới, hội viên phụ nữ, thanh niên, trẻ vị thành niên...

Thứ năm, thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thọai, diễn đàn trẻ em, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt văn hóa văn nghệ gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… 

Thứ sáu, hướng dẫn bố mẹ cài đặt, kiểm soát con trong sử dụng điện thọai, internet; đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và kỹ năng phòng chống, ngăn chặn bị xâm hại.

Thứ bảy: Đối với dự án 8 cần phân bổ kinh phí để duy trì bền vững các hoạt động của các "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ tin cậy", Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" hiện nay chưa có; đồng thời sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021: bổ sung thêm đối tượng tại gạch đầu dòng thứ 2 trang 24 mục "8. Dự án 8" cụ thể như: Đối tượng tác động thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em là cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Thứ tám, đào tạo chuyên sâu, nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộkhông chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cùng với trang bị phương tiện cần thiết phục vụ hoạt động tuyên truyền. 

Thứ chín, xây dựng các nội dung, tài liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng để tuyên truyền tại cơ sở có hiệu quả, nhất là vùng DTTS.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn