Nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh nhất quán thực hiện chủ trương tận dụng lợi thế địa lý, hạ tầng để chuyển mình từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp. Chủ trương ấy được lãnh đạo các thời kỳ kế tục nhau gánh vác và đã mang lại kết quả khả quan.
Từ khu công nghiệp Tiên Sơn ở tầm mức và quy mô vừa phải, đến nay, Bắc Ninh đã có nhiều khu công nghiệp lớn như Quế Võ, Yên Phong và đặc biệt là khu công nghiệp xanh, hiện đại hàng đầu VSIP, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Có được thành công này là bởi Bắc Ninh sớm xác định công nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế, từ đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư.
Sáng 31/10. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chủ trì Phiên họp chuyên đề thứ 2 tháng 10, nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của tỉnh hiện nay.
Trong 9 tháng của năm 2024, tổng số vốn cấp mới và đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt khoảng 4,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 2,9 lần về số dự án cấp mới, tăng gấp 3,2 lần về số vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 12,6%. Đến nay, Bắc Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội nằm trong tốp đầu của cả nước.
Theo thống kê được công bố, giai đoạn 1997-2022, mức tăng trưởng của tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 13%/năm. Riêng 9 tháng của năm 2024, GRDP của tỉnh Bắc Ninh ước thực hiện 5,52%; ước GRDP cả năm 2024 tăng khoảng 5-6,5% so với năm 2023. Cũng trong 9 tháng của năm 2024, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Bắc Ninh ước đạt 24.354 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Một trong những giải pháp đột phá, xuyên suốt của tỉnh Bắc Ninh nhiều năm qua là quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư nội địa, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Bắc Ninh luôn cam kết tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư theo chủ trương "2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng". Trong đó, "2 ít" là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động; "3 cao" chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao; về "4 sẵn sàng", đó là sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.
Mặt khác, với chiến lược phát triển toàn diện và môi trường kinh doanh thuận lợi, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động mà còn giúp tối ưu hóa lợi nhuận và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Ninh, từ khi tách tỉnh năm 1997 đến năm 2023, mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,35% xuống còn 0,94%. Dự kiến trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh công bố không còn hộ nghèo.
Hiện nay, tỷ suất nhập cư của Bắc Ninh là 40,9‰, xếp thứ 1 trong khu vực quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Tỷ suất xuất cư của Bắc Ninh là 5,1‰, xếp thứ 3 trong khu vực quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Tỷ lệ tăng dân số của Bắc Ninh là 2,94%, xếp thứ 1 trong khu vực quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Những con số này đã cho thấy tỷ lệ tăng dân số cơ học của Bắc Ninh rất cao, nhiều người chọn Bắc Ninh là điểm đến.
Ví dụ cụ thể để chứng minh cho sự phát triển nhanh chóng của Bắc Ninh, trong đó kể đến làng Bùi, phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Trước năm 1997, khi chưa tách tỉnh, làng Bùi sống bằng cây lúa là chính, gần như không trồng được hoa màu vụ đông nên rất nghèo. Tỷ lệ hộ gia đình ở nhà vách đất, lợp rạ thấp bé, xiêu vẹo đủ các hình thù chiếm tỷ lệ cao. Số lượng ao chuôm, thùng vũng của làng nhiều không đếm xuể. Mùa giáp hạt, người dân không có cả chất đốt, phải rẫy cỏ gấu rồi phơi khô đun nấu, khói bay mù mịt, hiếm lắm mới thấy một gia đình có điều kiện sử dụng bếp than tổ ong.
Tỉnh Bắc Ninh hiện tại là một trong những tỉnh hiện đại bậc nhất trên cả nước, và hướng mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thế nhưng, từ năm 2000 trở đi, diện mạo làng Bùi đã đổi khác khi Nem Bùi được nhiều người ở Bắc Ninh ưa chuộng và tin dùng. Dân số cơ học tăng cao, đời sống khấm khá, lượng thực phẩm tiêu thụ cũng vì thế mà ngày càng lớn, tạo ra việc làm và thu nhập đáng kể cho người lao động.
Bây giờ, làng Bùi là làng nghề, sống bằng nghề làm Nem và nhà cao tầng mọc lên san sát, có chỗ đẹp chẳng khác gì khu đô thị hiện đại. Đến nay, làng Bùi gần như không có hộ nghèo.
Ở Bắc Ninh hiện có hàng trăm làng như làng Bùi, thậm chí có làng nghề truyền thống giàu có sung túc xếp tốp đầu cả nước.
Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển nhanh chóng, Bắc Ninh không tránh khỏi vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Việc này đã gây không ít bức xúc trong nhân dân. Để xử lý dứt điểm vấn đề này, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh quyết liệt triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường như tình trạng ô nhiễm tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du), xã Văn Môn (huyện Yên Phong) và đạt được những kết quả bước đầu.
Động thái mới nhất là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết, thực hiện có lộ trình, phân công cụ thể cơ quan triển khai, đơn vị, địa phương phối hợp; hoàn thành xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân di dời đến khu vực được phép hoạt động, chuyển đổi ngành nghề tại địa phương nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống người dân trong quý IV-2024.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn