Ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh hiện dẫn đầu cả nước về vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,47 tỷ USD (chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 3 lần cùng kỳ). Bắc Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng, cao gần gấp đôi địa phương xếp thứ 2 là Quảng Ninh (1,78 tỷ USD).
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh cấp đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 9.426,354 tỷ đồng; Cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 74 dự án, trong đó có 23 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng 1.399,371 tỷ đồng (19 dự án tăng vốn: 1.909,609 tỷ đồng; 04 dự án giảm vốn 510,238 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp 1.586 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 269.786,131 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2024. Sự tăng trưởng vượt bậc vốn FDI tại Bắc Ninh, chủ yếu đến từ dự án điều chỉnh vốn đầu tư lớn trị giá 1,07 tỷ USD của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C. (Tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh của Công ty đạt 1,6 tỷ USD; Công suất sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm).
Bắc Ninh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2024.
Để đạt được mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024, tỉnh đã và đang nỗ lực, quyết tâm cao triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Bắc Ninh cũng đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng Khu công nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng của tỉnh.
Bắc Ninh phê duyệt 167 dự án đầu tư năm 2024 với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030. Danh mục các dự án được phê duyệt đã được phân bổ đều trên toàn tỉnh, nhằm đảm bảo sự phát triển đồng đều cho tất cả các khu vực, với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 11.638 ha...
Danh mục dự án thể hiện sự chú trọng đặc biệt của tỉnh Bắc Ninh đến an sinh xã hội, khi có 27 dự án nhà ở xã hội được phê duyệt. Điều này không chỉ đảm bảo chỗ ở cho người thu nhập thấp, mà còn khẳng định vị thế của Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Bắc Ninh trong việc thu hút FDI được hỗ trợ bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định và các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Cùng với danh mục dự án đầy tiềm năng, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành một tỉnh phát triển năng động và hiện đại và giúp cho Bắc Ninh vươn lên trở thành một trong những tỉnh hàng đầu cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Vừa qua, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, có thư ngỏ gửi lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, như một lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến nhà đầu tư đã và đang có những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp phát triển của tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng.
Tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao tinh thần vượt khó và niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của tỉnh, đồng thời đã tận dụng được cơ hội mới theo xu hướng phát triển kinh tế thế giới và Việt Nam. Với nỗ lực và kỳ vọng tăng trưởng năm 2024, Bắc Ninh sẽ dần lấy lại động lực mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt từ 5,5 - 6,2%. Tỉnh Bắc Ninh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, hợp tác xã và các hộ kinh doanh sẽ tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa, sáng tạo, đổi mới, tranh thủ tận dụng mọi cơ hội đầu tư mới, bứt phá vươn lên sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả.
"Chúng tôi cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch, tiếp nhận, lắng nghe và xử lý khó khăn vướng mắc qua mọi kênh thông tin để cùng đồng hành với nhà đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về tiếp cận thông tin quy hoạch, mặt bằng, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, cơ hội tham gia các cơ hội kinh doanh, dự án đầu tư ưu tiên để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư theo quy định của pháp luật" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã ứng phó kịp thời, năng động, đổi mới sáng tạo, góp phần đưa kinh tế địa phương năm 2024 vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Ngày 07/02/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024.
Theo đó, năm 2024, Bắc Ninh thực hiện mục tiêu "kép" trong công tác xúc tiến đầu tư: vừa chủ động tiếp xúc với các đối tác tiềm năng tại nước ngoài, vừa tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực mới phát triển toàn diện các ngành kinh tế theo hướng bền vững:
Thứ nhất, Bám sát các quan điểm chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị; Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 để thu hút đầu tư trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Thứ hai, Tiếp tục đổi mới và tạo đột phá về cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển nhanh, bền vững, coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội - xã hội của tỉnh trên cơ sở phát huy nội lực gắn với tranh thủ tối đa ngoại lực trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế; hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng Thủ đô và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Thứ ba, Nắm bắt cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc, nâng cao chất lượng quản lý điều hành phù hợp với quá trình chuyển đổi số, quản trị điện tử, đô thị thông minh,...
Thứ tư, Thu hút đầu tư "Xanh", công nghiệp công nghệ cao (pin năng lượng, chất bán dẫn, chíp,…), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất phụ tùng ô tô, ….) gắn với phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; công nghệ đầu cuối 5G, 6G; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp (trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ về đào tạo, y tế quốc tế…); các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, sinh thái, thương mại dịch vụ….
Thứ năm, Lựa chọn các dự án đầu tư theo tiêu chí 2 ít 3 cao (sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và hàm lượng công nghệ cao) nhằm khai thác lợi thế của địa phương, thu hút các dự án phù hợp với quy hoạch tỉnh theo hướng tăng hàm lượng các dự án sử dụng công nghệ cao và sử dụng đất có hiệu quả.
Thứ sáu, Thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý và vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi cung ứng mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn