Bác sĩ BV Bạch Mai: Corticoid không phải là "thần dược", lạm dụng có thể gây suy tuyến thượng thận, loãng xương

15:02 | 31/10/2020;
“Chúng tôi thường hay đùa nhau rằng corticoid là ‘thần dược’, đau, ho, sốt, bệnh gì tiêm vào cũng đỡ. Vì tác dụng quá nhanh như thế nên nhiều người vô tình lạm dụng mà không biết những mối nguy tiềm ẩn” - Bác sĩ Phạm Thị Lưu, khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết.

Trong những ngày qua, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã tiếp nhận 2 ca bệnh bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng uống thuốc corticoid. Ths.Bs Phạm Thị Lưu, khoa Nội tiết và Đái tháo đường của BV Bạch Mai cho biết, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những trường hợp bệnh nhân đã phải nhập viện do tác dụng phụ của thuốc corticoid, sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.

Ths.Bs Lưu cũng cho biết thêm, thông thường thì trung bình một ngày có 15 - 16 ca phải nhập viện thì 1/3 ca là đã từng lạm dụng corticoid. So với cùng kì các năm trước thì tình hình hiện nay tỷ lệ đang tăng lên rất nhiều. Và đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo!

1. Corticoid là thuốc gì?

Corticoid còn được gọi là Glucocorticosteroid (GC), thuộc nhóm thuốc Steroids. Xét về bản chất vai trò của thuốc corticoid được xem như một loại hormone được tiết ra ở lớp vỏ thượng thận giúp hỗ trợ chuyển hóa đường, muối hay mỡ và chất đạm trong cơ thể.

Bác sĩ BV Bạch Mai: Corticoid không phải là "thần dược", lạm dụng có thể gây suy tuyến thượng thận, loãng xương,... - Ảnh 2.

Báo động tình trạng lạm dụng thuốc corticoid không có chỉ định của bác sĩ (Ảnh: Vne)

Trong điều trị bệnh, corticoid được biết là một chất chống viêm cực mạnh và chỉ được sử dụng khi có bác sĩ chỉ định. Các bệnh phổ biến là thoái khóa khớp, bệnh viêm khớp hay viêm da dị ứng, viêm phế quản,...

Hiện nay trên thị trường có nhiều dạng dùng khác nhau của thuốc corticoid chẳng hạn như:

- Dạng viên nén đường uống

- Dạng tiêm truyền trực tiếp thẳng vào mạch máu, vào khớp hay cơ

- Dạng hít qua miệng

- Dạng xịt qua mũi

- Dạn dung dịch dùng cho máy khí dung

- Dạng kem, dạng gel, dạng thuốc mỡ dùng cho bôi tại chỗ, ngoài da.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, thuốc corticoid có một dạng "đặc sản" khác là dạng tán và dạng bột dùng trong những bệnh lý liên quan tới khớp và hô hấp. Nhiều lần đã phát hiện ra các loại thuốc này có một lượng lớn corticoid. Nguy hiểm hơn nữa là người ta có thể mua được thuốc corticoid với giá thành rất rẻ.

2. Tại sao gọi thuốc corticoid là "con dao hai lưỡi", "không phải là thần dược"?

Mặc dù được coi là thuốc chữa bệnh nhưng việc lạm dụng thuốc cũng gây ra nhiều nguy hiểm, thậm chí là cả tính mạng người bệnh.

“Chúng tôi thường hay đùa nhau rằng corticoid là ‘thần dược’, đau, ho, sốt, bệnh gì tiêm vào cũng đỡ, thường là bệnh lý về khớp, gút, thoái hóa. Cũng vì tác dụng quá nhanh như thế mà nhiều người vô tình lạm dụng mà không hề biết những mối nguy tiềm ẩn của nó. Những trường hợp thoái hóa khớp thường không chỉ định điều trị bằng uống, chủ yếu là bệnh nhân tự mua”, Ths.Bs Lưu chia sẻ.

Nếu như bạn đang sử dụng corticoid trong một khoảng thời gian ngắn từ 1 - 2 tuần thì sẽ không bị tác dụng phụ nghiêm trọng. Một vài tác dụng phụ ở mức nhẹ có thể gặp phải và sẽ thuyên giảm rồi biến mất nhanh chóng bao gồ:

- Bị kích ứng dạ dày

- Ăn ngon hơn so với bình thường

- Khó ngủ, khó vào giấc.

Nếu như sử dụng corticoid trong thời gian dài hơn hoặc chỉ sử sử dụng trong thời gian ngắn nhưng lại có nhiều chu kì thì nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ cũng cao hơn. Ths.Bs Lưu cho biết, nói chung liều càng cao thì nguy cơ người bệnh gặp phải tác dụng phụ cũng càng lớn. Do vậy mà khi cần phải sử dụng thuốc corticoid điều trị thì lâu dài thì bác sĩ sẽ cân nhắc tới việc cho dùng liều thấp nhất có thể để vừa kiểm soát được bệnh lại vừa ít gây hại cho cơ thể bệnh nhân.

Bác sĩ BV Bạch Mai: Corticoid không phải là "thần dược", lạm dụng có thể gây suy tuyến thượng thận, loãng xương,... - Ảnh 3.

Hình ảnh bệnh nhân có biểu hiện kiểu hình Cushing: teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết... (Ảnh: BV Bạch Mai)

Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ nguy hiểm nếu như sử dụng thuốc kéo dài với liều cao hoặc lạm dụng corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ bao gồm:

- Ở xương: loãng xương

- Ở tim mạch: tăng nguy cơ cao huyết áp, đường huyết

- Ở hệ tiêu hóa: tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày, tá tràng

- Ở mắt: tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp

- Ở da: gây chậm lành vết thương, da bị teo mỏng, hay bị bầm tím

- Ở trẻ em còn làm tăng nguy cơ bị chậm lớn hay hội chứng Cushing.

Nguy hiểm hơn nữa, nếu như tuyến thượng thận bị nhờn thuốc thì có thể gây ra tình trạng teo tuyến thượng thận, dẫn tới ngừng hoạt động ảnh hưởng tới chức năng bài tiết hormone. Đo má mà nếu như bạn đang cần phải sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài thì cần chú ý tới lịch tái khám và các biểu hiện bất thường của cơ thể để nhanh chóng thăm khám kịp thời.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn