Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa như từ tháng 4 đến tháng 6 và tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh đa số gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, tuổi càng nhỏ bệnh càng nặng. 95% các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày, nhưng cũng có nhiều trẻ mắc ở độ nặng phải nhập viện và thở máy.
Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo, phụ huynh có con nhỏ cần chú ý dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo giai đoạn để kịp thời cách ly và nhập viện điều trị nếu bệnh tiến triển nặng.
Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng là trẻ tự nhiên bỏ ăn; miệng chảy nước miếng nhiều; khóc; kêu đau miệng; mụn nước hoặc phát ban nổi ở lòng bàn chân, bàn tay, đầu gối, mông; có nhiều nốt lở ở miệng họng. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi gần nhất để xác định bệnh.
>> Tìm hiểu thêm: Các biện pháp giúp cha mẹ có thể tự kiểm tra dấu hiệu tay chân miệng cho trẻ tại nhà
Dưới đây là dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo giai đoạn, phụ huynh cần nắm rõ để chăm sóc nếu trẻ mắc bệnh:
Giai đoạn bệnh tay chân miệng ủ bệnh thường kéo dài tầm 3-7 ngày sau khi trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh tay chân miệng như nước bọt, tiếp xúc với dịch từ mụn nước có chứa virus trên da người mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng gặp ở hầu hết các lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trẻ em độ tuổi mầm non. Nhất là trong các thời điểm dịch tay chân miệng bùng phát, trẻ có nhiều nguy cơ tiếp xúc với không khí chứa virus gây bệnh. Chẳng hạn như dịch tiết bóng nước trên cơ thể người bệnh, chất tiết khi người bệnh tay chân miệng hắt hơi hoặc cầm nắm vật mà người bệnh từng chạm vào và để lại virus gây bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh thường không có quá nhiều dấu hiệu, có thể trẻ hơi mệt mỏi hoặc vẫn sinh hoạt như bình thường nên cha mẹ thường khó nắm bắt.
Nhận định dấu hiệu tay chân miệng theo giai đoạn thường bắt đầu ở giai đoạn bệnh khởi phát. Giai đoạn tay chân miệng khởi phát thường kéo dài 1-2 ngày với các triệu chứng giống như bệnh cảm cúm, bao gồm:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao, khó hạ khi uống thuốc hạ sốt
- Trẻ thường xuyên kêu mệt
- Trẻ kêu đau miệng, đau họng
- Trẻ bỏ ăn, hoặc dễ nôn ói khi ăn
- Một số trường hợp trẻ còn gặp tình trạng tiêu chảy.
Bác sĩ Khanh chia sẻ, nhiều phụ huynh không nắm bắt được các dấu hiệu bệnh của con mình khiến việc xử trí khi gặp biến chứng gặp khó khăn, do không được điều trị kịp thời. Do đó việc năm bắt dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo giai đoạn là vô cùng quan trọng.
Ở giai đoạn khởi phát bệnh, việc theo dõi nhiệt độ trẻ là vô cùng cần thiết. Nếu trẻ sốt cao khó hạ (thường sốt trên 39 độ C) và kéo dài liên tục hơn 3 ngày thì có thể bệnh đã chuyển biến qua độ nặng hơn và rất dễ có biến chứng.
Giai đoạn bệnh tay chân miệng toàn phát có thể kéo dài từ 3-7 ngày, trẻ sẽ gặp nhiều triệu chứng ở tay, chân và miệng, bao gồm:
Lở miệng, có vết loét họng
Khi trẻ mắc tay chân miệng bước vào giai đoạn toàn phát sẽ mắc tình trạng tổn thương niêm mạc miệng họng dưới dạng bóng nước. Miệng, lưỡi, nướu của trẻ sẽ xuất hiện các vết loét phỏng nước có đường kính dưới 3mm và diễn tiến khá nhanh. Sai khi vết loét vỡ ra, trẻ sẽ kêu đau miệng; trẻ nhỏ hơn thường bỏ bú, bỏ ăn và tiết nhiều nước bọt hơn.
Nhiều phát ban dạng bóng nước
Thông thường, các vết phát ban lúc đầu thường là hồng ban thông thường, có kích thước dưới 2mm. Vì kích thước nhỏ và màu sắc nhạt nên đa số dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo giai đoạn này bị bỏ sót. Sau đó, các vết phát ban chuyển sang bóng nước hình bầu dục; bán kính bóng nước dưới 10mm.
Các nốt phát ban dạng phỏng nước này xuất hiện nhiều và tập trung ở lòng bàn tay, lòng bán chân, mông, cánh tay. Các bóng nước này có dịch trong nổi trên da hoặc ẩn dưới da, thường trẻ không bị đau.
Phụ huynh lưu ý, nếu dịch trong bóng nước chuyển sang màu đục thì đó là dấu hiệu của bội nhiễm, tuy nhiên trường hợp này ít gặp. Các bóng nước thường tồn tại không quá 7 ngày và biến mất; đôi khi cũng để lại sẹo và vết thâm một thời gian.
Một số dấu hiệu khác
Giai đoạn toàn phát tay chân miệng có thể khiến trẻ sốt nhẹ và nôn ói. Tuy nhiên, nếu trẻ giật mình chới với, lơ mơ; sốt cao và nôn nhiều thì nên đưa trẻ đến bệnh viện vì có thể bệnh sẽ gây biến chứng. Các biến chứng về tim mạch, hô hấp thường xuất hiện khá sớm; đôi khi từ ngày thứ 2 phát bệnh.
Do đó, cha mẹ nên theo sát dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo giai đoạn để có phương án xử trí kịp thời.
Sau giai đoạn toàn phát, nếu trẻ khỏi bệnh hoàn toàn mà không gặp các biến chứng thì giai đoạn tay chân miệng lui bệnh sẽ bắt đầu. Giai đoạn này thường kéo dài 3- 5 ngày kể từ khi phát bệnh.
Trên thực tế, không phải người nào mắc bệnh cũng trải qua các dấu hiệu tay chân miệng theo giai đoạn giống nhau. Các giai đoạn kể trên được xem là điển hình của thể tay chân miệng cấp tính. Ngoài ra, người bệnh có thể mắc phải 2 thể loại tối cấp và không điển hình.
Ở thể tối cấp, bệnh thường tiến triển rất nhanh và nhanh chóng xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như suy tuần hoàn hô hấp; hôn mê và dẫn đến tử vong chỉ trong vòng dưới 48 giờ.
Thể không điển hình thường có ít dấu hiệu hơn, các vết phát ban thường mờ nhạt hoặc xuất hiện rất ít.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, có đến 95% bệnh nhi mắc tay chân miệng thường tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên cha mẹ cần đặc biệt chú ý các biểu hiện sau đây:
- Trẻ giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ; giật bắn người không giống như giật mình bình thường
- Bệnh nhi tay chân yếu, đi không vững
- Người trẻ run
- Trẻ thở mệt, sờ không thấy mạch hoặc mạch nhanh, da nổi bông.
Khi thấy trẻ có một hoặc hầu hết các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ điều trị tích cực; tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Bài viết có tham khảo ý kiến BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn