Tiến sĩ Liu Boren là Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Di truyền và Y học Chức năng Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài việc làm khách mời chuyên gia trong các chương trình về sức khỏe thì ông cũng có chương trình trực tuyến hàng tuần của riêng mình. Tại đây, ông thường xuyên cập nhật những kiến thức dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bổ ích và thỉnh thoảng còn chia sẻ những ca bệnh trong quá trình làm việc của mình.
Trong lần phát sóng gần đây về chủ đề ung thư tuyến tụy, ông đã khiến rất nhiều người xem bất ngờ bởi một ca bệnh đặc biệt. Đó là một người đàn ông gần 50 tuổi, không uống rượu, chưa từng hút thuốc nhưng lại bị mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn 3.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Liu cho biết, nhắc đến nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến rượu bia và thuốc lá. Nam bệnh nhân này cũng vậy, khi nhận được kết quả chẩn đoán, ông một mực cho rằng bệnh viện đã nhầm lẫn.
Bởi vì suốt cuộc đời mình, ông chưa từng hút thuốc lá, cũng luôn tránh hít phải khói thuốc một cách thụ động. Ông cũng cho rằng mình ăn uống lành mạnh, không ăn nội tạng động vật và cực hiếm khi động đến đồ uống có cồn. Thậm chí ông còn có thói quen tập thể dục thường xuyên.
Điều tra bệnh sử cho thấy, cơ thể bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường cách gần 4 tháng trước khi phát hiện bệnh. Cụ thể, ông đột nhiên bị sụt cân dù ăn uống vẫn đều đặn, sau đó bắt đầu hay mệt mỏi, da mặt vàng hẳn đi, khó tiêu dai dẳng. Trước khi đi khám 3 tuần, cơ thể ông bắt đầu xuất hiện những cơn đau thắt lưng và vùng bụng trên dữ dội, thậm chí hay buồn nôn và nôn mửa.
Ảnh minh họa
Khi phát hiện, bệnh ung thư tuyến tụy của ông đã bước sang giai đoạn 3. Khối u có kích thước trên 6cm, tế bào ung thư xâm lấn vào các mạch máu và di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận. Mặc dù bất ngờ và đau đớn, nhưng cuối cùng bệnh nhân vẫn phải chấp nhận sự thật. Tuy nhiên, điều khiến ông hối hận đến ứa nước mắt là nguyên nhân gây bệnh không ngờ lại đến từ món ăn vặt khoái khẩu của mình.
Tiến sĩ Liu phân tích, nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân này đúng là đến từ thói quen ăn uống nhưng không phải do rượu bia mà là một loại đồ ăn nhiều người thích. Đó là thức ăn vặt nhiều đường.
Cụ thể, bệnh nhân cho biết mình rất mê 3 món đồ ăn vặt là trà sữa trân châu, chè đậu đỏ và chè bí đao. Với món đầu tiên, vì ông sống tại Đài Loan, Trung Quốc - nơi mà trà sữa trân châu trở thành đồ uống phổ biến ở mọi lứa tuổi với vô vàn biến tấu thú vị nên thói quen dùng nó đã nhiều năm.
Hai món còn lại, kể từ khi bước sang tuổi trung niên ông đặc biệt yêu thích, thậm chí dùng mỗi ngày. Không chỉ bởi thích hương vị của nó mà còn vì ông nghĩ chúng đều là thực phẩm giải nhiệt, giải độc, tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy mà ông ăn chúng gần như mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, Tiến sĩ Liu cho biết, đồ ngọt khi được sử dụng với mức độ vừa phải và đưa vào cơ thể với lượng đường ở mức cho phép thì rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đi theo chiều hướng ngược lại tức là dung nạp quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ có những tác động xấu cho thể trạng. Nhất là dễ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa, ung thư hệ tiêu hóa, nhất là ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư trực tràng hay ung thư dạ dày…
Các chuyên gia tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đã theo dõi 80.000 người khỏe mạnh trong 8 năm từ 1997 tới 2005. Kết quả, có 131 người đã mắc ung thư tuyến tụy. Khi được phỏng vấn, những người này cho biết họ thường xuyên dùng đồ uống có gas hoặc siro và thực phẩm ngọt.
Nghiên cứu kết luận, những người dùng đồ uống có ga hoặc siro có nguy cơ bị ung thư tụy cao hơn những người không bao giờ uống khoảng 90%. Nguy cơ mắc bệnh ở những người cho thêm đường vào thực phẩm hoặc đồ uống ít nhất 5 lần/ngày cao hơn 70% so với những người ít khi làm như vậy.
Thủ phạm gây ung thư tuyến tụy là tình trạng rối loạn trong quá trình chuyển hóa đường glucose, khiến tuyến tụy sản xuất quá nhiều insulin. Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng, ăn nhiều đường cũng là một trong những yếu tố làm tăng lượng insulin trong cơ thể.
Ngoài ra, Tiến sĩ Liu còn giải thích thêm rằng ăn nhiều đồ ngọt dễ gây béo phì. Đây là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, thực quản, thận, tuyến tụy, túi mật, buồng trứng… nhưng rất nhiều người không biết.
Điều khiến Tiến sĩ Liu trăn trở về trường hợp này đó là bệnh nhân đã bỏ qua các triệu chứng đặc hiệu trong một thời gian dài. Trong khi tỷ lệ sinh tồn trên 5 năm của người ung thư tuyến tụy giai đoạn 3 rơi vào khoảng 3 - 10% sau khi chẩn đoán bệnh. Nếu như trường hợp người bệnh không thể tiếp nhận các liệu pháp phẫu thuật cắt bỏ u tụy thì thời gian sống trung bình chỉ còn khoảng 8 - 12 tháng, thậm chí thấp hơn là từ 3 - 6 tháng.
Tuy lúc đầu bệnh nhân mất bình tĩnh và không chịu hợp tác, nhưng sau khi nhận thức được tầm nghiêm trọng của tình trạng bệnh, cùng với sự động viên từ người nhà thì đã chịu nhập viện. Vì quá muộn đã phẫu thuật nên bệnh nhân đang tiếp nhận điều trị bằng hóa trị, xạ trị kết hợp dùng thuốc để giảm bớt đau đớn, kéo dài sự sống.
- Đau bụng lan đến lưng: Đau bụng nhẹ và râm ran, có thể giảm khi nghiêng mình về phía trước và tăng khi nằm. Đau thường dữ dội vào ban đêm và có thể tỏa ra vùng lưng dưới.
- Các vấn đề ở đường tiêu hóa hoặc ruột như: Tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, đầy hơi hoặc ợ hơi.
- Thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt không rõ nguyên do.
- Buồn nôn, nôn và chán ăn, mất cảm giác ngon miệng;
- Sụt cân bất thường kèm mệt mỏi, dễ buồn nôn.
- Vàng da và mắt.
- Ngứa da, nhất là lòng bàn tay và/hoặc bàn chân.
- Bất thường của chất thải khi vệ sinh: Bao gồm phân có màu sáng, màu đen hoặc có máu (xuất huyết tiêu hóa). Hay nước tiểu màu sẫm bất thường.
- Có cục máu đông ở chân (huyết khối).
- Đột ngột khởi phát rối loạn dung nạp glucose (bệnh tiểu đường).
- Phì đại gan và túi mật, dẫn tới vùng bụng tăng kích thước hoặc sờ vào có cục rắn.
- Thay đổi tâm trạng, bắt đầu luôn chán nản, thậm chí là bị trầm cảm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn