Tai biến mạch máu não là tình trạng mạch máu não (động mạch, mao mạch hoặc tĩnh mạch) bị tắc nghẽn hoặc vỡ đột ngột mà không do chấn thương sọ não. Khi các mao mạch vỡ, tắc nghẽn thì các tế bào não sẽ thiếu hụt oxy và dưỡng chất nên bắt đầu chết dần.
Biến chứng của tai biến mạch máu não có thể bao gồm liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, mất khả năng nuốt, mất kiểm soát cơ bàng quang và ruột. Ngoài ra còn có thể xảy ra các biến chứng liên quan tới nhận thức, bao gồm suy giảm trí nhớ và giảm khả năng tập trung thậm chí là lú lẫn.
Theo Sohu (Trung Quốc), đây là 4 hiểu sai về bệnh tai biến mạch máu não có thể khiến bệnh nhanh chóng tái phát:
Rất nhiều người cho rằng tai biến mạch máu não là bệnh không tái phát. Tuy nhiên đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Tai biến mạch máu não tái phát (đột quỵ tái phát) là tình trạng một người đã từng trải qua một cơn tai biến trước đó và tiếp tục trải qua một cơn tai biến thứ hai hoặc nhiều lần tiếp theo.
Tai biến mạch máu não có nguy cơ tái phát cao, nhất là trong thời gian đầu sau khi xảy ra cơn tai biến đầu tiên. Bệnh tái phát sẽ nguy hiểm hơn so với lần đầu bởi vì nó có thể gây ra tổn thương não nặng nề hơn và tăng khả năng xuất hiện các biến chứng.
Ngoài ra, khả năng phục hồi của cơ thể sau các cơn tai biến liên tiếp có thể giảm đi, làm tăng nguy cơ tử vong hoặc tàn tật dài hạn. Việc quản lý và điều trị các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ tai biến mạch máu não tái phát.
Để điều trị tai biến mạch máu não, bệnh nhân có thể phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau, chẳng hạn như thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc hạ lipid máu trong thời gian dài. Nhiều người lo lắng việc dùng thuốc có thể khiến thành mạch máu mỏng hơn hay các tác dụng phụ ảnh hưởng tới thể trạng. Tuy nhiên, quan niệm không dùng thuốc sau khi bị tai biến mạch máu não là hoàn toàn sai lầm.
Đầu tiên, người bệnh bị tai biến cần dùng thuốc đúng và đủ liều theo đơn thuốc của bác sĩ cả trong và sau điều trị. Đặc biệt, nếu cơ thể người bệnh đang sẵn có các tình trạng sức khỏe mãn tính làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não như tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu, xơ vữa động mạch… thì việc dùng thuốc lâu dài để kiểm soát ổn định sức khỏe là điều cần thiết, trừ khi có chỉ định khác bởi các bệnh mãn tính này đều không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý để tránh tăng nặng bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống.
Một khi các yếu tố bệnh lý không được quản lý đúng cách, tai biến mạch máu não sẽ rất dễ tái phát trở lại.
Thực tế là sau tai biến mạch máu não, dù việc kiểm soát triệu chứng bằng thuốc là quan trọng nhưng nếu người bệnh không thay đổi lối sống và vẫn tiếp tục các thói quen kém lành mạnh như hút thuốc, ăn uống kém khoa học, thiếu vẫn động… sẽ khiến bệnh dễ tái phát hơn. Bởi một phần nguyên nhân tai biến mạch máu não đến từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
Thay vào đó, để phòng ngừa tai biến mạch máu não tái phát, bạn cần duy trì thói quen sinh hoạt tốt trong suốt thời gian dài bao gồm tránh xa thuốc lá, bỏ rượu bia, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng, có chế độ ăn uống ít muối, ít chất béo và khẩu phần ăn uống đa dạng, lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, quản lý tốt căng thẳng, sinh hoạt đúng giờ giấc…
Việc tái khám rất quan trọng đối với người bị tai biến mạch máu não vì nó giúp theo dõi sự tiến triển của bệnh, đánh giá hiệu quả của điều trị và điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần thiết. Tái khám cũng là cơ hội để phát hiện sớm và xử lý các biến chứng cũng như ngăn ngừa nguy cơ tái phát của tai biến.
Thông qua việc tái khám định kỳ, bác sĩ có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc kiểm tra các xét nghiệm máu, đánh giá thể chất…
Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não cũng cần học cách sử dụng máy đo huyết áp tại nhà và theo dõi thường xuyên, ghi lại và đưa cho bác sĩ sổ theo dõi huyết áp ở mỗi lần thăm khám, điều này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh tốt hơn.
Tương tự như vậy, nếu đang mắc bệnh tiểu đường, việc theo dõi đường huyết tại nhà cũng quan trọng không kém để dự phòng tai biến mạch máu não tái phát. Tần suất kiểm tra đường huyết phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường bạn mắc phải và việc sử dụng thuốc điều trị của bạn.
Nhìn chung, nếu từng bị tai biến mạch máu não, người bệnh cần đặc biệt thận trọng và học cách quản lý lối sống cũng như dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa tình trạng tái phát xảy ra. Nếu có các triệu chứng bất thường như: khó khăn trong nghe nói hoặc nhận biết; tê liệt ở một bên mặt, chân, tay; tầm nhìn song thị, đột ngột suy giảm thị lực, hoa mắt; đau nhức đầu đột ngột kèm theo nôn mửa; lú lẫn; ngã quỵ, mất thăng bằng, mất kiểm soát các chi; nói lắp; khó thở; tim đập nhanh… cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và can thiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn